Rao bán rầm rộ, giá rẻ bèo
Ở TPHCM, lens mắt được bán ở các cửa hàng thuộc các bệnh viện chuyên về mắt là hàng nhập khẩu (chủ yếu từ Mỹ), có nhãn phụ tiếng Việt ghi đơn vị nhập khẩu, phân phối, chỉ định dùng, giá bán. Giá sản phẩm dùng trong ba tháng khoảng 200.000 đồng/cặp, dùng trong ngày 50.000 đồng cặp, dung dịch nhỏ và nước ngâm lens 300.000 đồng/chai.
Thế nhưng, tại một số cửa hàng ngoài bệnh viện, lens mắt được người bán giới thiệu là “sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam” nhưng thông tin rất mập mờ. Chủ một cửa hàng mắt kính khá lớn trên đường Trương Định, Q.3 giới thiệu với chúng tôi lens mắt hiệu A.L. với thông tin trên bao bì bằng tiếng Anh “made in Taiwan” kèm thông tin sơ sài về công ty mẹ và một chi nhánh ở Q.11. Trên nhãn, không có thông tin về thành phần, cách sử dụng. Chúng tôi tra cứu thông tin công ty theo địa chỉ ghi trên bao bì thì doanh nghiệp này đã ngưng hoạt động. Loại dung dịch nhỏ mắt được bán kèm lens được chủ cửa hàng giới thiệu “nhập từ Hàn Quốc” cũng không có nhãn phụ tiếng Việt.
Nhiều loại lens mắt, dung dịch ngâm lens, dung dịch nhỏ mắt bán ở một số cửa hàng mắt kính không rõ về nguồn gốc, chất lượng - Ảnh: Thanh Hoa |
Tại cửa hàng mắt kính trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, khi chúng tôi nói sẽ sang Bệnh viện Mắt mua kính áp tròng, nhân viên cửa hàng liền cho chúng tôi xem hình chụp một tờ giấy, nói rằng đây là “giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế do Bộ Y tế cấp”. Tuy nhiên, đây chỉ là phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế của Sở Y tế TP.Hà Nội từ năm 2019. Theo quy định, giấy phép nhập khẩu mặt hàng này chỉ có hiệu lực một năm nhưng giấy phép của các cửa hàng được cấp từ năm 2019 hoặc 2020. Một số cửa hàng được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh hai loại lens nhưng lại bày bán hàng chục loại khác nhau.
Lens mắt hiện đang được chào bán rầm rộ trên các kênh bán hàng trực tuyến với giá rất rẻ. Tại một số sàn thương mại điện tử, lens mắt có giá trên dưới 30.000 đồng/cặp, do các cửa hàng kinh doanh phụ kiện làm tóc, trang sức, mỹ phẩm, quần áo… chào bán. Lens mắt cũng được rao bán rất nhiều ở các trang, nhóm trên mạng xã hội Facebook. Trang “Lens giá sỉ” giới thiệu lens mắt nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc với nhãn hiệu Fay Gray, Maxim, Dolly, Chu Chu, Noble, Louis giá 34.000 đồng/cặp nếu mua 10 cặp, giá 32.000 đồng/cặp nếu mua 20 cặp, giá 29.000 đồng/cặp nếu mua 100 cặp, giá 26.000 đồng/cặp nếu mua 5.000 cặp. Các sản phẩm đều không ghi hạn sử dụng, không có thông tin bằng tiếng Việt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kho hàng của trang “Lens giá sỉ” nằm ở đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp. Hằng ngày, có rất nhiều xe tải ra vào kho này nhưng chữ in trên các thùng hàng đều là chữ Trung Quốc. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn làm đại lý, chủ trang này nói: “Giới trẻ hiện nay rất chuộng lens mắt nên hàng này bán rất chạy. Chị bán từ năm 2018 đến giờ mà không thấy khách nào yêu cầu xem giấy phép nhập khẩu. Em cứ mạnh dạn lấy hàng về bán, tiền lời cao lắm”.
Ảnh hưởng xấu đến mắt
Kỹ sư Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thiết bị y tế TPHCM - cho biết lens mắt là thiết bị y tế thuộc loại B, có mức độ rủi ro trung bình thấp; còn dung dịch khử khuẩn và ngâm rửa lens mắt là thiết bị y tế loại C, có mức độ rủi ro trung bình cao. Cả hai sản phẩm này đều thuộc danh mục thiết bị y tế phải xin phép nhập khẩu, phải làm hồ sơ công bố lưu hành để được cấp số đăng ký lưu hành. Đơn vị nào muốn kinh doanh các sản phẩm này thì phải có giấy công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế do sở y tế địa phương cấp. Đối với sản phẩm nhập khẩu, trên bao bì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, cung cấp đầy đủ thông tin.
Theo kỹ sư Hứa Phú Doãn, trên thị trường, đang lưu hành nhiều loại lens mắt trôi nổi, kém chất lượng, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu cho mắt. Các loại lens mắt giá rẻ, dung dịch ngâm kính trôi nổi hoặc hết hạn sử dụng sẽ không đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh. Chúng có thể chứa mầm bệnh gây viêm nhiễm mắt.
“Giác mạc cấp và trao đổi 85% lượng ô-xy cho mắt. Nếu dùng lens kém chất lượng, lượng ô-xy trao đổi sẽ giảm, làm suy yếu cơ chế diệt khuẩn, khiến mắt bị khô, có thể gây viêm loét giác mạc, dẫn tới mù lòa. Người tiêu dùng chỉ nên mua lens mắt từ các đơn vị có uy tín, trên sản phẩm có nhãn phụ ghi thông tin đơn vị nhập khẩu, phân phối, cách dùng” - kỹ sư Hứa Phú Doãn nói.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)