Mùa hè này, doanh thu toàn cầu của món ăn Hàn Quốc được yêu thích - kimbap - đã tăng vọt nhờ loạt phim mới của Netflix "Luật sư phi thường Woo Young Woo". Bộ phim truyền hình Hàn Quốc kể về một luật sư đáng mến mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, người chỉ ăn kimbap và cha cô sở hữu một nhà hàng kimbap.
Tác phẩm nhanh chóng nổi tiếng và món ăn này cũng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Hàn Quốc luôn biết cách lồng ghép những nét văn hóa và ẩm thực vào phim nhằm quảng bá cho nước nhà. Ảnh: Netflix.
Câu chuyện về sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc
Đối với những người chưa biết, kimbap (hay gimbap) là món ăn Hàn Quốc làm từ cơm, rau nấu chín và các loại nhân khác. Tất cả được cuộn trong một tấm rong biển khô và thường được thái thành những miếng hình tròn, vừa ăn. Hai nguyên liệu chính là rong biển (tiếng Hàn là kim) và cơm (bap) tạo nên cái tên đơn giản cho món ăn.
Đối với thế hệ người Hàn Quốc những năm 1970 và 1980, kimbap là biểu tượng của tuổi thơ. Nhìn vào quá trình phát triển của nó, kimbap là câu chuyện về lịch sử và sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Kimbap đã được phổ biến rộng rãi, nhưng vẫn có cuộc tranh luận gay gắt về nguồn gốc của nó. Một số người nói rằng kimbap không tồn tại cho đến khi người Nhật giới thiệu norimaki đến bán đảo Triều Tiên vào đầu thế kỷ 20. Các học giả khác bác bỏ ý kiến này và cho rằng nguồn gốc của kimbap là món bokssam của Hàn Quốc, được ghi lại vào thế kỷ 19, trong thời đại Joseon.
Công nhân nhà máy Nhật Bản cắt cuộn norimaki vào những năm 1950. Ảnh: Getty Images.
Bokssam là món ăn trong đó cơm và banchan (món ăn kèm) được đặt trên cỏ khô và ăn cùng nhau. Một phần trong phong tục của người Hàn Quốc là cho cơm và các thành phần khác gói vào trong rau diếp, lá tía tô hoặc rong biển.
Thậm chí, có giả thuyết cho rằng norimaki bắt nguồn từ Hàn Quốc trong thời kỳ Bách Tế (18 trước Công nguyên - năm 660 sau Công nguyên) và sau đó quay ngược trở lại Hàn Quốc trong thời thuộc địa của Nhật Bản.
Nguồn gốc ẩm thực thường không rõ ràng. Những gì được biết là chiếu tre dùng để cuộn kimbap được người Nhật giới thiệu vào đầu thế kỷ 20.
Bản thân thuật ngữ "kimbap" lần đầu tiên được ghi lại trong một bài báo năm 1935 trên tờ Dong-A Ilbo. Trước đó, một bài trên tờ báo Hàn Quốc ngày 7/3/1930 đã đưa ra một công thức cho món norimaki, đề cập đến món ăn này còn được gọi là kimssambap.
Công thức năm 1930 sử dụng lá rong Nhật Bản, mô tả cách các tấm rong biển khô của Nhật Bản dày và lý tưởng để cuộn, trong khi rong biển khô của Hàn Quốc mỏng hơn. Vì vậy, hai tấm rong biển Hàn Quốc đã được đề nghị để làm cuộn.
Công thức này bao gồm các nguyên liệu Nhật Bản khác như Ajinomoto, dưa chua đỏ Nhật Bản và đặc biệt nhất là giấm.
Việc sử dụng giấm là một phân biệt rõ ràng hiện nay giữa norimaki của Nhật Bản và kimbap của Hàn Quốc, vốn sử dụng dầu mè để nêm vào cơm. Đối với kimbap, dầu mè thường được quét lên rong biển sau khi cuộn để cắt lát dễ dàng hơn.
Chiếu tre được dùng để cuộn kimbap giống như cách làm sushi. Ảnh: Shutterstock.
Hương thơm đỏ của mè nướng là dấu hiệu đặc trưng của kimbap ngày nay. Nhưng giấm thực sự được sử dụng trong kimbap cho đến cuối những năm 70, chủ yếu là do ở Hàn Quốc thiếu tủ lạnh và nhu cầu ngăn ngừa hư hỏng.
Sau khi Nhật Bản chiếm đóng và chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề. Năm 1965, chưa đến 1% hộ gia đình Hàn Quốc có tủ lạnh. Vào những ngày đó, kimbap được dành cho những chuyến dã ngoại hay những chuyến đi chơi đặc biệt. Vì các thành phần trong kimbap có thể dễ bị hư hỏng bên ngoài nên giấm đóng vai trò như chất bảo quản.
Sau khi tủ lạnh trở nên phổ biến hơn vào năm 1986 khi 95% hộ gia đình Hàn Quốc có một tủ lạnh, giấm đã được thay thế bằng dầu mè trong việc làm kimbap. Những năm 80 cũng chứng kiến việc sản xuất hàng loạt rong biển khô ở Hàn Quốc.
Những tiến bộ như vậy có nghĩa là kimbap được làm và thưởng thức hàng ngày. Vì vậy, các nhà hàng kimbap đầu tiên chỉ xuất hiện cho đến những năm 80, khi truyền thống học sinh mang kimbap đến trường trong hộp cơm trưa của họ bắt đầu bén rễ.
Giờ đây, kimbap gắn liền với văn hóa Hàn Quốc đến nỗi nó được đưa vào chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc và chịu sự kiểm soát giá quốc gia (mặc dù những kiểm soát này không được thực thi nghiêm ngặt trong những năm gần đây). Vô số phiên bản kimbap có thể được tìm thấy trên khắp Hàn Quốc và trên toàn thế giới.
Kimbap theo truyền thống được làm từ cơm, rau nấu chín và các loại nhân khác được cuộn trong một tấm rong biển khô. Ảnh: Shutterstock.
Kimbap phổ biến trên toàn thế giới
Các loại nhân cổ điển là rau bina, ngưu bàng, củ cải muối, trứng, cà rốt và một loại protein như thịt bò ướp. Hiện tại có vô số loại nhân bao gồm cá ngừ trộn với sốt mayonnaise, kim chi, phô mai, lá tía tô, xúc xích, xà lách tươi và rau (được gọi là salad kimbap), cá cơm nhỏ, quả bơ, tôm chiên giòn, mực khô cay, thịt lợn cay, gà cay đều là nguyên liệu yêu thích để làm nên một cuộn kimbap.
Từng thành phố và vùng quê tại Hàn Quốc lại có kimbap đặc sản của riêng họ. Một phiên bản mà du khách luôn tìm kiếm khi đến đảo Jeju là kimbap bào ngư của nhà hàng Kim Man-bok nổi tiếng, có món trứng ốp la lớn và được tẩm hương vị của bào ngư.
Mayak kimbap là những cuộn kimbap nhỏ được nhúng trong nước sốt mù tạt của Hàn Quốc, được tạo ra bởi một quầy hàng ở Chợ Gwangjang, Seoul. Chungmu kimbap là phiên bản phổ biến có nguồn gốc từ một thị trấn đánh cá trước đây có tên là Chungmu, được phục vụ như những cuộn nhỏ chỉ với cơm kèm theo củ cải cay và bạch tuộc ướp gia vị.
Samgak kimbap có hình tam giác, giống như onigiri của Nhật Bản, được tìm thấy trong các cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc. Ggoma kimbap (kimbap trẻ em) là những cuộn thanh mảnh được cắt thành những miếng nhỏ hoàn hảo cho trẻ em.
Kimbap như một phần trong bữa ăn truyền thống của Hàn Quốc. Ảnh: iStock.
Khi làn sóng văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc lan rộng khắp thế giới, kimbap đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Hong Kong, mọi người sẽ chọn cuộn kimbap cổ điển từ một trong những cửa hàng banchan trên phố Kimberley, ở Tsim Sha Tsui.
Kimbap Lab (ở New York) cung cấp kimbap không chứa gluten trong các khu phố thời thượng của Williamsburg và Chelsea. Tại Los Angeles, bạn sẽ bắt gặp kimbap được làm bằng quinoa cho những bữa ăn có ý thức về carb hoặc kimbap tẩm gia vị tinh tế do Perilla LA làm với các loại rau từ chợ nông sản.
Bạn có thể đã nhìn thấy Korrito - một loại kimbap siêu lớn, có kích thước bằng một chiếc bánh burrito - có sẵn tại K-Roll ở Hong Kong, Trung Quốc. Thậm chí, có nhiều nhà hàng kimbap ở những địa điểm xa như đảo Réunion, ở Ấn Độ Dương.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự nổi tiếng của kimbap trên toàn thế giới sẽ cung cấp nhiều lựa chọn hơn nữa để mọi người khám phá món ăn Hàn Quốc cổ điển nhưng hiện đại này.