Kiều bào xây dựng ý kiến về Đề án chính sách về kiều hối hoàn toàn mới của TP.HCM

Phạm Lý| 14/10/2024 09:12

Ngày 11/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra hội nghị triển khai Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030.

Tại hội nghị, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nhấn mạnh, Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030 là đề án chính sách hoàn toàn mới của TP.HCM, lần đầu tiên được triển khai.

Tuy nhiên, việc thực hiện thành công đề án cần sự phối hợp hiệu quả trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố, bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, công ty kiều hối và bà con người Việt Nam ở các nước. Là cơ quan đầu mối chủ trì việc triển khai đề án, ngay sau hội nghị này, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ có công văn chuyển đề án và nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức để triển khai thực hiện đề án trong thực tế.

Kiều bào xây dựng ý kiến về Đề án chính sách về kiều hối hoàn toàn mới của TP.HCM
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị trực tuyến, nhiều kiều bào, đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình và quan tâm rất lớn khi TP.HCM thông qua đề án.

Để phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối, TS Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên Đại học Quốc gia Úc, nhấn mạnh cần có chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh, xây dựng các chương trình đầu tư xã hội cho kiều bào và kết nối kiều bào với cơ hội kinh doanh trong nước.

Kiều bào xây dựng ý kiến về Đề án chính sách về kiều hối hoàn toàn mới của TP.HCM
Quang cảnh hội nghị.

Từ nội dung này, bà Nhàn gợi mở thêm cần phát hành trái phiếu cho các dự án cụ thể, với đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp huy động vốn và trả nợ. Bà kiến nghị cần có chính sách miễn hoặc ưu đãi thuế cho các khoản đầu tư của kiều bào nhằm tạo động lực để kiều bào tham gia đầu tư từ xa.

Để tận dụng nguồn kiều hối nhỏ lẻ, bà Nhàn đề xuất các cơ quan chức năng kết hợp với các ngân hàng thương mại có lãi suất ưu đãi cho những khoản kiều hối được giữ trong tài khoản ngân hàng mà không rút ra ngay lập tức.

Tại hội nghị, Đại biện đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh cho biết, kiều hối là chủ đề mà đồng bào ta ở Nhật Bản rất quan tâm. Hiện số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản tăng lên rất nhanh, với hơn 600.000 người, trong đó chủ yếu là người trẻ.

“Từ góc độ đại sứ quán, chúng tôi theo dõi sát sao tiến trình triển khai đề án. TP.HCM đã đi đầu cả nước, rất quyết tâm quyết liệt trong việc này”, đại biện Nguyễn Đức Minh đánh giá. Ông Minh cũng cho biết sẽ phát huy vai trò của đại sứ quán để cộng đồng người Việt Nam hiểu rõ và nắm bắt cơ hội đầu tư từ chính sách này.

Bà Lê Minh Châu, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Úc đề nghị TP.HCM thông tin đầy đủ, kịp thời về quá trình triển khai đề án, lợi ích của chính sách thu hút kiều hối tới tổ chức hội đoàn để thông tin rộng rãi trong cộng đồng kiều bào và thúc đẩy khả năng mở rộng hợp tác với TP.HCM.

Kiều bào xây dựng ý kiến về Đề án chính sách về kiều hối hoàn toàn mới của TP.HCM
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tặng giấy khen cho ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

“Ở góc độ là cơ quan đại diện tại Úc, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác, gắn kết giữa các hội đoàn, tiến tới hình thành một mạng lưới liên kết và xây dựng kênh kết nối hiệu quả đối với những chính sách thu hút nguồn lực, tăng trưởng kiều hối của TP” - bà Châu cam kết.

Ngoài ra, bà Châu gợi mở TP.HCM cần tạo điều kiện gắn kết hơn nữa quan hệ giữa các hội đoàn kiều bào với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp của TP.HCM để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc bày tỏ mong muốn các ngân hàng Việt Nam làm việc với các ngân hàng đối tác tại Úc để việc chuyển tiền về nước thuận tiện hơn. Đồng thời việc này cũng có lợi trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa hai nước.

TP.HCM: 9 tháng đầu năm 2024, kiều hối đạt gần 5,5 tỷ USD

9 tháng đầu năm 2024, qua số liệu của các tổ chức, công ty kiều hối tại TP.HCM thì lượng kiều hối về TP.HCM đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% cùng kỳ. Trong đó, 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về.

Dù quý 3 có giảm so với quý 2, nhưng với tốc độ và cơ cấu này thì hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm như đề án định hướng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM

Bài liên quan
  • Những Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài
    Sau 2 năm triển khai, đã có 6 Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại 5 nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hungary, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Séc. Đây là một điểm sáng trong việc lan toả tiếng Việt của Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).
  • Giáo sư người Việt có lời giải đột phá, giúp đại học Mỹ dẫn đầu về đại số
    Giáo sư Phạm Hữu Tiệp đã giúp giải quyết hai vấn đề từng khiến các nhà Toán học thế giới đau đầu trong nhiều thập kỷ. Những phát hiện của ông góp phần đưa Khoa Toán, Đại học Rutgers (Mỹ) tăng cường hiện diện trên trường quốc tế.
  • Hành trình về nguồn của thế hệ trẻ gốc Việt: khám phá bản sắc qua tiếng mẹ đẻ
    Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra và lớn lên tại quận Cam (California, Mỹ) trong một gia đình gốc Việt, nhưng anh không có nhiều cơ hội tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ khi còn nhỏ. Bước ngoặt đến với Daniel vào thời điểm anh tham gia khóa học tiếng Việt tại Đại học California, San Diego. "Đó là bước ngoặt đầu tiên để tôi khám phá ngôn ngữ của cội nguồn mình", Daniel chia sẻ.
  • Tiếng Việt và hành trình vươn ra thế giới
    Với khoảng 6 triệu người Việt sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ người Việt với quê hương. Cộng đồng người Việt đang tích cực đóng góp vào sự phát triển văn hóa - xã hội của địa phương nơi họ sinh sống. Nhu cầu bảo tồn và phát huy tiếng Việt như một phần bản sắc dân tộc đang được chú trọng, với tiềm năng để ngôn ngữ này được công nhận chính thức tại nhiều quốc gia.
  • Người Việt ở nơi tâm bão Milton quét qua: Gió gào rú, cửa rung lên
    Thay vì đi sơ tán, anh Tuấn Trần (sống ở Sarasota, Florida, Mỹ) chọn ở lại nơi tâm bão được dự báo quét qua. Tiếng gió rít mạnh từng cơn kèm mưa như trút làm nhiều người không khỏi lo lắng.
  • Bão Milton, người Việt lo 'sốt vó' vì mất liên lạc với thân nhân ở Florida
    22 giờ là thời gian chị Sương không liên lạc được với người thân sống tại Florida (Mỹ) vào ngày 9/10.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kiều bào xây dựng ý kiến về Đề án chính sách về kiều hối hoàn toàn mới của TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO