Làm sống lại kỷ niệm với Trường Sa qua những trang sách
Ông Nguyễn Thanh Tòng, kiều bào Pháp có dịp tham gia chuyến đi Trường Sa vào năm 2016 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức. Cuộc hành trình 10 ngày cùng đoàn đại biểu kiều bào gồm 80 người từ 22 quốc gia đến với biển đảo quê hương để lại trong lòng ông nhiều kỷ niệm khó quên. Bốn năm sau đó, nhân sinh nhật của cháu ngoại. Cậu bé được sinh vào ngày 21/04/2016, đúng thời điểm ông về nước tham gia chuyến đi Trường Sa. Con gái ông hỏi vui: "Ba có nhớ 4 năm về trước, ngày này Ba ở đâu và đang làm gì không?".
Ông Nguyễn Thanh Tòng, kiều bào Pháp và hai quyển sách ông viết về biển đảo quê hương. |
Câu hỏi đó đã thôi thúc ông chia sẻ những trải nghiệm của mình. Ông chợt nghĩ: làm thế nào cho con cháu biết: Việt Nam ta ngoài núi, đồng bằng và biển còn có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước? Từ niềm trăn trở đó, ông quyết định sẽ tự mình viết lại những điều mắt thấy tai nghe ở Trường Sa.
Cuốn sách ảnh "Biển đảo quê hương" với độ dài gần 200 trang của ông ra đời từ ý nghĩ đó. Khi viết quyển sách tác giả không đặt những kỳ vọng lớn lao, mong muốn của ông đơn giản chỉ là: giúp con cháu mình và những người chưa có dịp đến Trường Sa hiểu về đời sống của các anh chiến sĩ hải quân da rám nắng, cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn (thiếu rau xanh, thiếu nước ngọt, thiếu hơi ấm gia đình, những nhu cầu bình dị và đơn giản nhất với mỗi người), nhưng các anh không đầu hàng nghịch cảnh vẫn ngày đêm bám đảo bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Quyển sách được Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tài trợ xuất bản tại Paris.
Cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo
Sau thành công đó, ông Nguyễn Thanh Tòng viết tiếp quyển sách thứ hai “Biển đảo lịch sử và pháp lý”. Từ nguồn tư liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, ông đã tổng hợp lại thành 13 chương trong hơn 250 trang sách để đưa ra những luận chứng, luận cứ thuyết phục, chứng minh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời đập tan những luận điệu vô căn cứ với mưu đồ thôn tính biển Đông của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, kiều bào Pháp chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ Trường Sa năm 2016. |
Sách “Biển đảo lịch sử và pháp lý” thật sự hữu ích với những ai chưa có điều kiện tìm hiểu về hai Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đặc biệt đối với các thế hệ sinh ra và lớn lên ngoài lãnh thổ Việt Nam, ít có cơ hội tìm hiểu một cách đầy đủ nhất về biển đảo quê hương, thì đây chính là nguồn tài liệu quý giá mà tác giả muốn trao tặng để giúp các bạn tìm về cội nguồn, hiểu hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi đọc sách, độc giải sẽ giải đáp được những câu hỏi: Tại sao nói Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam? Trường Sa - Hoàng Sa bị “nhòm ngó” từ lúc khi nào? Đến thời điểm này thì Trung Quốc đã trải qua bao lần lăm le và xâm chiếm biển đảo của Việt Nam? Tại sao Trung Quốc muốn biến biển Đông thành “ao nhà” của mình? Tham vọng đó được Trung Quốc thể hiện như thế nào? Thái độ của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách của Trung Quốc ra sao? Các học giả trên thế giới nói gì về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa?…
Tác giả Nguyễn Thanh Tòng, thứ ba từ trái sang tặng sách cho bạn hữu tại Hội báo Nhân đạo 2022 tại Pháp. |
Bên cạnh những luận điểm, luận chứng, luận cứ chứng minh lịch sử pháp lý và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách còn trích đăng những hồi ức của những người từng sống ở Hoàng Sa từ năm 1938 đến năm 1941. Minh họa cho câu chuyện là những bức ảnh, những di vật mà giờ đây không còn là sở hữu riêng của một gia đình, mà đã trở thành bằng chứng sống động về chủ quyền của quốc gia.