"Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh", có lẽ nhiều người đã nghe qua câu này rất nhiều lần. Quá trình phòng bệnh không thể diễn ra trong thời gian ngắn được, mà nó đòi hỏi một quá trình rất lâu và lựa chọn đúng thực phẩm. Đặc biệt, những vị lương y cổ truyền Trung Quốc thường có những bí quyết riêng để giữ gìn sức khỏe cho mình, trong đó phải kể đến Li Qiangou với bài thuốc làm từ nho khô.
Li Qiangou là một bác sĩ cấp quốc gia, từng là chủ tịch Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Bắc Kinh, giám đốc Hiệp hội Y học Trung Quốc và nhiều chức vụ khác. Trong khi đó, vợ ông là bà Huang Liuhuahuang, bác sĩ tại Bệnh viện Trung Quốc-Nhật Bản.
Trong chương trình Yangshentang, cặp vợ chồng bác sĩ nổi tiếng này đã chia sẻ bí quyết sức khỏe của họ trong suốt 20 năm qua, đó là bữa sáng kèm theo nho khô. Bữa sáng của 2 vợ chồng ông Li Qiangou thường gồm các thành phần chính như:
- Nho khô: Bổ gan thận, dưỡng khí huyết, dưỡng nhan.
- Sữa: Bổ sung canxi, cải thiện khả năng miễn dịch.
- Mật ong: Nhuận tràng, làm đẹp.
- Mè đen: Bổ thận tráng dương.
- Óc chó: Chống lão hóa.
- Bột yến mạch, mầm lúa mì: Giảm lượng đường trong máu và cholesterol, giảm táo bón.
Trong đó, Li Qiangou đặc biệt nhấn mạnh: "Nho khô rất giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ gan thận, bổ khí, dưỡng huyết, tăng cường sinh lực, làm đẹp da, giảm cân, đặc biệt có lợi cho người già bị táo bón".
Một số lợi ích từ nho khô
Nho khô là quả nho đã được sấy khô, tách nước, thịt mềm, ngọt và giàu dinh dưỡng. Y học Trung Quốc cho rằng, nho khô có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng khí, bổ huyết, tăng cường cơ xương, trị bí tiểu.
1. Chống lão hóa, bảo vệ tim và mạch máu não
Giống như nho tươi, nho khô rất giàu anthocyanins, resveratrol, polyphenol và nhiều chất chống oxy hóa khác. Sau khi tiêu thụ, nó giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, giảm tổn thương oxy hóa tế bào, làm chậm quá trình lão hóa mạch máu.
Hơn nữa, hàm lượng kali trong nho khô tương đối cao lên tới 995mg/100gram, giúp duy trì huyết áp ổn định. Chất xơ trong nho khô ngăn chặn quá trình chuyển đổi đường fructose thành chất béo trung tính trong máu, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu não.
2. Tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ phòng chống ung thư
Nghiên cứu khoa học đã khẳng định, resveratrol không chỉ có thể chống lại quá trình oxy hóa tế bào mà còn ức chế hiệu quả sự phát triển của tế bào ung thư, có tác dụng tích cực nhất định đối với ung thư vú, da, thực quản, dạ dày, máu và các khối u ác tính khác.
Resveratrol trong nho khô còn có tác dụng chống vi khuẩn, chống viêm nhiễm, cùng với canxi, sắt, phốt pho và các khoáng chất, vitamin khác giúp nâng cao khả năng chống lại bệnh tật, bồi bổ cơ thể, tăng khả năng miễn dịch. Ngoài ra, trong nho khô có chứa nhiều hàm lượng catechins chống lại ung thư.
3. Thúc đẩy tiêu hóa và duy trì sức khỏe đường ruột
Nho khô rất giàu chất axit như axit tartaric và axit malic, có thể kích thích tiết axit dạ dày và giúp tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất xơ, dưới tác động tổng hợp của các chất này, nhu động đường tiêu hóa hoạt động mạnh, các chất thải chuyển hóa trong cơ thể được bài tiết ra ngoài nhanh hơn, từ đó giảm thời gian lưu trú của các chất độc hại trong ruột, bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa.
4. Bổ huyết và dưỡng nhan
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, nho có tác dụng "bổ khí huyết, bổ thận, dưỡng gan, tăng cường khí sắc".
Nho khô rất giàu chất sắt, gấp 15 lần nho tươi. Tuy tỷ lệ hấp thụ không bằng gan và huyết động vật, nhưng vẫn rất tốt so với táo tàu và các loại rau củ quả khác. Phụ nữ ăn một ít nho khô mỗi ngày, có thể làm giảm chứng lạnh tay chân, đau thắt lưng, thiếu máu, đồng thời cải thiện khả năng miễn dịch.
Chất anthocyanins có trong nho khô được mệnh danh là "mỹ phẩm chăm sóc da đường uống", có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa hiệu quả các hiện tượng lão hóa như thâm nám và nếp nhăn.
Theo Aboluowang