Phát biểu kết luận diễn đàn phát triển đô thị bền vững Việt Nam 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh lưu ý đến việc cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.
Theo đó, cần thực hiện kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.
Qua các ý kiến tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, với tầm nhìn dài hạn. Cần phải phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn.
Để thực hiện yêu cầu trên, ông Trần Tuấn Anh đề nghị đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của đô thị trong các đồ án quy hoạch. Đặc biệt, cần chú ý về quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị. Bởi đây là những vấn đề còn chưa được chú trọng trong thời gian qua.
Bộ Xây dựng và các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thông qua các chương trình, đề án ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Đồng thời, cần sớm chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan và các địa phương xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị theo chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 06.
"Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần ban hành các chính sách, chế tài, công cụ để kiên quyết xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo, cơ chế "xin-cho", lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững.
Cụ thể, theo ông Trần Tuấn Anh, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở... Sớm hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị.
"Tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở; sớm ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp", ông Trần Tuấn Anh nói.
Qua kiến nghị của các đại biểu, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, sớm tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị.
Theo ông Trần Tuấn Anh, cần phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị. Trong đó,quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Đặc biệt, phải kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, nhất là đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị.
Thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mỗi địa phương cần căn cứ vào lợi thế và định hướng phát triển để xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, các đô thị đặc biệt và các đô thị lớn cần chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao.
Với các đô thị nhỏ, cần tập trung phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội; khuyến khích phát triển các thị tứ, thị trấn nông - công nghiệp trên cơ sở các khu dân cư nông thôn hiện có trở thành các trung tâm dịch vụ, sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, chuyển giao công nghệ....; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đô thị.