Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cùng ký tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cập nhật, bổ sung tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và sớm triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk.
Cụ thể, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk thuộc các tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Điểm đầu tại Cảng Bãi Gốc (tỉnh Phú Yên), điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Đắk Ruê (tỉnh Đắk Lắk). Tổng chiều dài tuyến khoảng 220km, quy mô 2-4 làn xe.
Tuyến kết nối với các trục giao thông trọng yếu quan trọng của quốc gia (tuyến đường bộ ven biển Việt Nam, QL29, QL1, cao tốc Bắc Nam, Trường Sơn Đông, QL14, QL14C, các tuyến tỉnh lộ của hai tỉnh Phú Yên - Đắk Lắk).
Cao tốc sẽ đi qua khu kinh tế Nam Phú Yên, dọc theo hệ thống cảng cạn trên hành lang vận tải quốc lộ 29, kết nối cửa khẩu, cảng biển, sân bay, đường sắt.
Đối với tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa, theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường sắt Tuy Hòa (Phú Yên) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là trục đường sắt Đông - Tây kết nối đoạn giữa tuyến đường sắt khu vực Tây Nguyên (từ Đà Nẵng đi Kon Tum, Đắk Lắk, xuống Bình Phước) với tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Điểm đầu tuyến đường sắt Đông - Tây nối với đường sắt thống nhất Bắc - Nam ở khu vực Ga Phú Hiệp mới (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Điểm cuối nối với đường sắt khu vực Tây Nguyên là thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng chiều dài tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 169km.
Theo tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên việc bổ sung phát triển tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa vào hệ thống quy hoạch đường sắt quốc gia và sớm triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk là cần thiết.
Đây là hai phương thức vận tải và là trục đường chiến lược kết nối Đông - Tây, kết nối rừng với biển, kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, kết nối hệ thống đường sắt Tây Nguyên với đường sắt Bắc - Nam và nhánh rẽ đường sắt vào Cảng Bãi Gốc, kết nối hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây; tuyến đi qua các cảng cạn trên hành lang vận tải Đông - Tây, Bắc - Nam.
Qua đó, mở ra phương thức vận chuyển khối lượng lớn, có giá cước vận chuyển thấp, năng suất cao; tăng khả năng liên kết vùng, kết nối giao thông đa phương thức, thuận lợi; từ đó, nâng cao năng lực thông hành, giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của hai tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung nói chung, từng bước hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông các tỉnh trong trục tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam.