Kiến nghị hủy bản án ly hôn Trung Nguyên: Định giá tài sản sai thì dễ phải xét xử lại

17/01/2022 16:48

Luật sư cho rằng, có rất nhiều phương pháp để định giá tài sản doanh nghiệp, mỗi phương pháp lại cho ra một kết quả khác nhau. Việc định giá mà VKSND Tối cao nêu rõ ràng có bất cập, thiếu sót nên rất dễ phải xét xử lại vụ án...

Kiến nghị hủy bản án ly hôn Trung Nguyên: Định giá tài sản sai thì dễ phải xét xử lại
VKSND Tối cao kiến nghị xem lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày 12/1, VKSND Tối cao ban hành Quyết định đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao xem xét hủy các bản án, quyết định vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.

VKSND Tối cao cho rằng, các bản án trên có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai. Các công ty có tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm 2 người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỉ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà Thảo.

Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm chia sẻ: “Là người theo dõi vụ án này ngay từ đầu, về quan điểm, tôi đồng tình với Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án này về quyết định cho 2 bên ly hôn.

Tôi nhận thấy rằng, 2 con hổ không nên để chung một chuồng. Khi họ không còn vui vẻ với nhau thì việc hợp tác rất khó. 2 người này khó lòng cùng ở lại Tập đoàn Trung Nguyên cùng điều hành doanh nghiệp. Nếu họ cùng điều hành sẽ gây ra khó khăn cho doanh nghiệp, trực tiếp ảnh hưởng tới hàng ngàn người lao động trong doanh nghiệp. Không chỉ vậy, còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nguyên liệu của bà con nông dân, ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp thuế... nếu công ty làm ăn không tốt”.

Về các nội dung VKSND Tối cao kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, luật sư nêu quan điểm: “VKS kiến nghị xem xét lại là vấn đề định giá khi xét xử phân chia tài sản ly hôn. Định giá vốn là một nội dung rất khó trong hoạt động tư pháp, kể cả trong vụ án hình sự lẫn vụ án kinh tế, kinh doanh, thương mại, ly hôn…

Hệ thống pháp luật của chúng ta về định giá tài sản hiện nay còn nhiều vướng mắc. Có rất nhiều phương pháp để đánh giá, định giá tài sản doanh nghiệp nên mỗi phương pháp nó lại cho ra một kết quả khác nhau. Việc định giá các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn có liên quan trong vụ án mà VKSND Tối cao nêu ra rõ ràng có bất cập, thiếu sót nên rất dễ phải xét xử lại vụ án!

Bên cạnh đó, việc phân chia tỷ lệ tài sản giữa chồng và vợ khi được hưởng phải công bằng, pháp luật đánh giá cũng phải có lý. Đành rằng pháp luật đánh giá người có công lớn; tuy nhiên, ưu ái và công bằng trong phân chia tài sản giữa vợ và chồng thì luật lại không quy định.

Luật không quy định thì rất khó cho Tòa khi phải ra một phán quyết chính xác mang tính chất tuyệt đối. Cho nên việc VKSND Tối cao đề nghị xem xét việc định giá tài sản là hoàn toàn hợp lý”.

"Tới đây, có thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét lại vụ án. Còn việc TAND Tối cao có đồng thuận với kiến nghị của VKSND Tối cao hay không thì lại là chuyện khác", luật sư Trương Anh Tú nói thêm.

Cùng trao đổi với PV sau khi phân tích vụ án, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho rằng: "Thứ nhất, liên quan tới chứng thư thẩm định giá. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai. Theo viện dẫn của VKSND Tối cao, các chứng thư thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định giá đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25/6/2018, đến ngày xét xử sơ thẩm là 20/2/2019 đều đã hết hiệu lực. Mặt khác, kết quả thẩm định giá chỉ dựa trên báo cáo tài chính, danh mục tài sản phía ông Vũ đưa ra, không được phía bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại. Tại cấp phúc thẩm bỏ qua việc này.
Thứ hai, về yêu cầu của bà Thảo về chia cổ phần và vốn góp. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là doanh nhân, có yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền, để ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm "quyền được kinh doanh" của bà Thảo.
Thứ ba, nhận định của Hội đồng thẩm phán khi không có tài liệu chứng minh: “nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng ngàn công nhân” là không có cơ sở.
Thứ tư, các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm 2 người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỉ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà.
Cuối cùng, bà Thảo ngoài việc nội trợ còn trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo tài sản chung vợ chồng, sự phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên. Trong mâu thuẫn ly hôn, tòa án các cấp không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong "thực hiện nghĩa vụ của người chồng" theo Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia, thay vì chỉ nhận 40% còn ông Vũ hưởng 60% như hiện nay".

Sông Yên

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị hủy bản án ly hôn Trung Nguyên: Định giá tài sản sai thì dễ phải xét xử lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO