Kiếm tiền trên mạng: bất chấp để câu view, quảng cáo bừa bãi

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 08/03/2023 12:15

Để kiếm tiền từ quảng cáo trên YouTube, Facebook… hiện nay nhiều cá nhân bất chấp nội dung để câu view càng nhiều càng tốt. Nhiều nhãn hãng, doanh nghiệp vì lợi nhuận cũng quảng cáo bất chấp trên các kênh có nội dung nhảm nhí, xấu, độc…

Tờ báo Tuổi Trẻ mới đây đã có loạt bài ghi nhận, phân tích, đánh giá về thực trạng câu view bất chấp nội dung ra sao để lấy tiền từ quảng cáo cũng như hiện tượng nhiều tên tuổi, thương hiệu, nhãn hàng… đang quảng cáo tràn ngập trên các kênh xấu, độc.

Bất chấp câu view, lấy tiền từ quảng cáo

View càng nhiều, tiền được chia từ quảng cáo càng lớn nên nhiều kênh YouTube đã bất chấp "sáng tạo" những nội dung nhảm, xàm hòng câu view, thông tin trên tờ Tuổi Trẻ nhận định.

Nhiều clip bất chấp nội dung để câu view và đạt được view lên đến hàng triệu

"Chào mừng tất cả các chị em đã quay trở lại với bà Vê nữa rồi nè... Vê quyết định làm một clip hồ bơi nhưng không phải bơi bình thường, mà mình bơi với 1 triệu viên hạt xốp bảy màu...", một nữ YouTuber mở đầu video trên kênh của mình.

Sau đó, cô cùng nhóm bạn đổ một túi lớn đựng các hộp xốp nhiều màu vào bể bơi phao, rồi nhảy vào tắm. Sau hai ngày đăng, video có tới 290.000 lượt xem. Trong video trên xuất hiện đoạn quảng cáo sữa Milo.

Nhiều người băn khoăn lâu nay Milo liên tục truyền thông: Phát triển bền vững là một mục tiêu dài hạn mà doanh nghiệp sẽ kiên định theo đuổi. Như vậy, một video sử dụng bừa bãi hạt xốp, tạo ra rác thải ảnh hưởng đến môi trường, vẫn có quảng cáo của hãng. Kế sau Milo là quảng cáo của sữa tắm Lux.

Vào xem video có tên "Giải Cứu Con Tin 9 - NCT Vlogs", lập tức xuất hiện đoạn nhạc quảng cáo của hãng sữa TH True Milk. Sau khi bấm nút không xem quảng cáo trên, thương hiệu TH True Milk lại hiển thị dưới chân video chính. Đáng chú ý, mở đầu "phim ngắn" là cảnh dàn dựng một nhóm trẻ em bắt cóc một em nhỏ ở ngoài đường. "Tốt lắm, trói nó lại, gọi điện cho người thân, tống tiền nó...", nhân vật đại ca nói.

Clip tiếp tục gay cấn hơn khi cuộc giải cứu bắt đầu. Sau màn liên tục bắn, em nhỏ trong vai giải cứu đã lấy đạo cụ giống dao, diễn cảnh cắt cổ một em nhỏ đang ngồi trên ghế nhựa... Sau bốn năm đăng tải, đến nay video này có hơn 33 triệu lượt xem, khi kích vào vẫn hiện quảng cáo, tờ Tuổi Trẻ phản ánh rõ hiện tượng này.

Tên tuổi, thương hiệu, nhãn hàng… quảng cáo tràn ngập các kênh xấu, độc

Theo tờ Tuổi Trẻ thì vào ngẫu nhiên trang phim lậu subnhanh..., ngay phía trên và dưới màn hình xuất hiện quảng cáo "cổng game thượng lưu nhiều ưu đãi", "sexy girl dành cho bạn 100k" kèm hình ảnh khiêu dâm (điều hướng về trang web chuyên cờ bạc).

Nhiều nhãn hàng xuất hiện trong các quảng cáo trên các kênh xấu, độc

Đáng chú ý, khi chọn vào một bộ phim bất kỳ, người xem lập tức bị chuyển tới... sàn thương mại điện tử Shopee.

Trở lại trang, quảng cáo bài bạc tiếp tục hiện ra. Trong quá trình xem phim, người xem tua đến đoạn giữa thì lập tức lại bị chuyển tới sàn Shopee.

Tại trang phimhaymoi..., người xem vừa mở ra là lập tức xuất hiện một quảng cáo "Link nhà cái cập nhật 2023", tiếp đến là quảng cáo của một game online.

Chọn phim, quảng cáo cờ bạc tiếp tục hiện ra, sau đó người xem bị chuyển hướng về trang của sàn thương mại điện tử Lazada. Cứ như vậy, để xem được phim, khán giả phải chấp nhận liên tục xem quảng cáo bài bạc đan xen với việc bị chuyển về sàn của sàn thương mại điện tử.

Hay ở trang motchill..., quảng cáo sản phẩm điều hòa của Panasonic (điều hướng về trang chủ của Panasonic) lại đứng cạnh quảng cáo sòng bạc. Khi vào xem phim, khán giả còn bị "lừa", bấm vào mục "Skip Ad" (bỏ qua quảng cáo) lại bị chuyển tới sàn Shopee.

Hay ở trang phimmoi... liên tục xuất hiện các banner quảng cáo cho hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ CellphoneS. Banner quảng cáo này xuất hiện ở trang chủ và hầu hết trang con, trang chuyên mục của website này.

Cùng với đó còn có banner quảng cáo cho dịch vụ truyền hình Internet FPT Play. Trường hợp các quảng cáo của thương hiệu lớn, đứng cạnh quảng cáo bài bạc, cũng xuất hiện ở nhiều trang phim lậu khác...

Ghi nhận thêm tờ Tuổi Trẻ cho hay quảng cáo của hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng xuất hiện ở những video có nội dung độc hại trên YouTube.

Chẳng hạn, vào một video có dàn dựng cảnh hai nhóm trẻ em (ước chừng độ tuổi tiểu học) chia phe, sau đó chửi bậy, cầm thanh gỗ để đánh nhau... Ngay phía dưới video này, người xem có thể thấy quảng cáo của ứng dụng đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay Agoda.

Một video có nội dung tương tự, nhưng đến đoạn giữa lại xuất hiện quảng cáo của một sàn Lazada và hãng dược mỹ phẩm Eucerin Việt Nam.

Cũng trên YouTube, quảng cáo về ứng dụng Agoda còn xuất hiện ngay dưới video Khá Bảnh chửi thề, cầm gậy bóng chày đánh vào mông của một đàn em...

Thậm chí, trong một quảng cáo về trò chơi đánh bài đổi thưởng còn xuất hiện cả logo một ngân hàng của Việt Nam... thông tin trên tờ Tuổi Trẻ cho biết thêm.

Quảng cáo bất chấp vì giá rẻ?

Phân tích thêm tờ Tuổi Trẻ cho hay hiện nay để thực hiện một chiến dịch quảng cáo, các nền tảng Google, Facebook… đã cho phép người dùng thiết lập các lệnh mang tính chọn lọc.

Chẳng hạn, với Google Ads, nhà quảng cáo có thể vào mục "loại trừ nội dung", sau đó đánh dấu tích vào từng ô của 5 mục nhỏ gồm: bi kịch và xung đột, các vấn đề xã hội nhạy cảm, ngôn ngữ tục tĩu và thô lỗ, khêu gợi tình dục, nhạy cảm và gây sốc.

Tuy nhiên, nếu không chọn "loại trừ nội dung" độc hại, nhãn hàng chỉ cần bỏ ra từ 20-200 đồng cho mỗi lượt xem (view). Trong khi để quảng cáo được "bắn" vào những video "sạch", số tiền phải bỏ ra cho mỗi lượt xem có thể tăng lên tới 800 đồng (gấp đến 40 lần so với mức giá rẻ nhất ở nội dung độc hại).

Ngoài những quảng cáo hiển thị thông thường, trong nền tảng YouTube Ads, người dùng có thể chọn quảng cáo trong luồng có thể bỏ qua sau 5 giây, hoặc chi nhiều tiền hơn để quảng cáo trong luồng không thể bỏ qua (dài 15 giây và người xem không được phép bỏ qua).

Ví dụ, khi thực hiện chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm A, dùng định dạng quảng cáo không thể bỏ qua chèn giữa video trên kênh YouTube, nếu không đánh vào mục "loại trừ nội dung" thì nhãn hàng chỉ cần trả từ 300-500 đồng/lượt xem, trong khi nếu "loại trừ nội dung" độc hại thì số tiền phải bỏ ra có thể lên tới 2.000 đồng/lượt xem.

Như vậy, cùng một chiến dịch quảng cáo với yêu cầu đặt ra là đạt 1 triệu lượt xem, nếu một nhãn hàng lựa chọn không xuất hiện trong các nội dung xấu độc (bi kịch và xung đột, các vấn đề xã hội nhạy cảm, ngôn ngữ tục tĩu và thô lỗ, khêu gợi tình dục, nhạy cảm và gây sốc), họ sẽ phải tốn chi phí đến 2 tỉ đồng, phân tích trên tờ Tuổi Trẻ cho thấy thực trạng này.

Trong khi nếu chọn xuất hiện ở mọi thể loại, nhãn hàng chỉ mất từ 300 - 500 triệu đồng. Một sự chênh lệch quá lớn mà nhiều doanh nghiệp chấp nhận "nhắm mắt làm ngơ".

Đó là về chi phí, còn nếu so về tính hiệu quả, những người vào kênh xấu độc như đánh bạc, khiêu dâm dễ dàng chấp nhận quảng cáo hơn, như sẵn sàng chờ để xem tiếp.

Ông T., giám đốc một mạng lưới quảng cáo trực tuyến tại TP.HCM, chia sẻ như trên và phân tích thêm trên tờ Tuổi Trẻ như sau: ví dụ để đưa một banner (bảng quảng cáo) lên một báo lớn ở Việt Nam, chi phí tính theo tuần khoảng 40 triệu đồng/nhãn hàng. Giá trị bán hàng không cao bởi các trang báo rất ngại làm phiền người đọc khi hiển thị banner.

Nhưng cùng với số tiền này đẩy qua nuôi web bẩn thì nhãn hàng lại thu hút một lượng người dùng lớn. Bởi chức năng cung cấp thông tin (Cookies) được bật sẵn. Người dùng khi muốn xem một nội dung trên các web lậu, web sex… buộc phải lựa chọn tải ứng dụng hoặc đồng ý Cookies.

Cần xử lý mạnh tay

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), không gian mạng Việt Nam đang tồn tại các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt gắn tràn lan vào nhiều nội dung sai sự thật, khiêu dâm, giật gân ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook… Thậm chí, có cả nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

"Ngoại trừ một số nhãn hàng lớn có yêu cầu đại lý quảng cáo áp dụng một số quy định chặt chẽ, hầu hết các thương hiệu còn lại chỉ yêu cầu số lượng view, khá dễ dãi… nên các đại lý thả lỏng. Đặc biệt, trong sáu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp áp dụng cài đặt bộ chặn lọc quảng cáo có nội dung xấu độc…

Vì vậy, mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về quảng cáo trên mạng nhưng nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến" - ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, chia sẻ tại một hội nghị đánh giá thực trạng quảng cáo trên mạng tại Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, theo cơ quan chức năng, là do người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Trong đó có việc những "ông lớn" như YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó, thông tin trên tờ Tuổi Trẻ cho hay.

Ông Nguyễn Trường Sơn (chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam) cho biết trên tờ Tuổi Trẻ rằng nhãn hàng, doanh nghiệp có thể đối mặt nhiều rủi ro khi để quảng cáo xuất hiện ở kênh có nội dung độc hại. Về pháp lý, khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát hiện, nhãn hàng sẽ bị xử phạt hành chính, chưa kể sẽ kèm các hình thức phạt khác nếu vi phạm nhiều lần. Về uy tín, khán giả có thể thấy rằng doanh nghiệp đã làm ăn cẩu thả. Nhãn hàng cần có trách nhiệm đàm phán với bên chạy quảng cáo cho mình, đưa vào các điều khoản để tránh các rủi ro xảy ra.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng.

Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm sẽ bị công bố công khai.

Bộ cũng sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với bộ theo quy định, thông tin trên tờ Tuổi Trẻ cho hay.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kiếm tiền trên mạng: bất chấp để câu view, quảng cáo bừa bãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO