KIỂM SOÁT BẦU TRỜI: YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE
Cuộc đua nhằm giành quyền kiểm soát không phận Ukraine được dự đoán sẽ là nhân tố quan trọng trong việc quyết định kết cục của xung đột Nga - Ukraine.
Ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Theo những tính toán ban đầu của quân đội Nga, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể chỉ kéo dài khoảng 100 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, hơn 5 tháng đã trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong thời gian gần đây, Ukraine đã bắt đầu tiến hành chiến dịch phản công với mục tiêu nhanh chóng giành lại vùng lãnh thổ miền Nam nước này. Ở chiều ngược lại, Nga vẫn đang nỗ lực củng cố lực lượng nhằm chặn đứng đà phản công của quân đội Nga cũng như tấn công giành quyền kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.
Diễn biến chiến sự liên tục đảo chiều khiến giới quan sát nhận định cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ còn kéo dài nếu không có một bước ngoặt được diễn ra trong thời gian tới. Theo nhiều chuyên gia, bước ngoặt được chờ đợi ở đây chính là cuộc chiến nhằm kiểm soát không phận Ukraine.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC KIỂM SOÁT BẦU TRỜI UKRAINE
Theo ông Serhii Drozdov, phi công kỳ cựu và cũng là cựu tư lệnh của lực lượng Không quân Ukraine: "Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, việc kiểm soát bầu trời đã luôn là yếu tố then chốt quyết định thành bại của các cuộc xung đột quốc tế".
Kiểm soát được bầu trời, quân đội của một quốc gia có thể dễ dàng tiến hành yểm trợ cho các hoạt động tác chiến của bộ binh dưới mặt đất cũng như tấn công tiêu diệt các mục tiêu quân sự của đối phương.
Bên cạnh đó, việc làm chủ không phận cũng cho phép các máy bay trinh sát và do thám vốn không được trang bị vũ khí hạng nặng có thể thoải mái hoạt động mà không cần đến sự bảo vệ của các tiêm kích đánh chặn. Điều này sẽ giúp các nhiệm vụ do thám và dự báo tình hình lực lượng cũng như các hoạt động chuyển quân bất thường của đối phương được tiến hành một cách thường xuyên và dễ dàng hơn.
Không chỉ vậy, mạng lưới hậu cần và tiếp viện của một quân đội cũng sẽ trở nên cực kỳ mong manh trước các trận tập kích đường không của đối phương nếu không được bảo vệ bởi các máy bay chiến đấu hoặc một mạng lưới phòng không đủ mạnh.
Các cuộc giao tranh trước đây, đặc biệt là cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, đã thể hiện rất rõ học thuyết quân sự này. Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, quân đội Mỹ, với lực lượng máy bay chiến đấu hùng hậu và hiện đại đã ngay lập tức thể hiện ưu thế áp đảo trên chiến trường qua đó nhanh chóng vô hiệu hóa lực lượng không quân và phòng không của đối phương.
Sau đó, lục quân Mỹ mới tiến vào tham chiến và nhanh chóng áp đặt thế trận dưới sự yểm trợ của hỏa lực hạng nặng từ trên cao. Sự hỗ trợ vượt trội và kịp thời của không quân đã giúp người Mỹ nhanh chóng giành quyền kiểm soát cả Afghanistan và Iraq chỉ trong một thời gian ngắn.
Chiến thuật áp đảo trên không cũng đã được quân đội Nga sử dụng rất thành công ở Syria khi những máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình của Nga liên tục tấn công các mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), qua đó mở đường cho quân đội chính phủ Syria phản công giành lại lãnh thổ.
Theo nhà bình luận Maximilian Bremer và Kelly Grieco, quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng gặp rất nhiều khó khăn trước sức tấn công mãnh liệt của các phiến quân IS trước khi Nga xuất hiện và sử dụng sức mạnh áp đảo trên không để giúp lực lượng này giành lại ưu thế trên chiến trường.
Sau màn thể hiện ấn tượng tại Syria, đã có những dự đoán rằng Không quân Nga sẽ tái hiện được điều tương tự tại Ukraine.
THẾ KHÓ CỦA NGA TẠI UKRAINE
Dù được đặt rất nhiều kỳ vọng, lực lượng Không quân Nga ở Ukraine đã không thể hiện được ưu thế vượt trội như tại chiến trường Syria.
Theo phân tích của giới chức tình báo Anh, ở giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Không quân Nga không có nhiều hoạt động tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine. Thay vào đó, Nga chỉ tập trung hỏa lực vào việc "làm gián đoạn các hoạt động hỗ trợ hậu cần thông qua các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình".
Chỉ đến khi kiểm soát được một phần lớn của khu vực Donbass, quân đội Nga mới có thể tăng cường thực hiện các cuộc không kích của máy bay chiến đấu do mối lo ngại từ lực lượng phòng không của Ukraine đã giảm.
Lý do của sự vào cuộc chậm chạp của máy bay chiến đấu Nga được cho là do lực lượng này phải đối mặt với các hệ thống phòng không được tổ chức tốt của quân đội Ukraine. Hệ thống phòng không của một quân đội chính quy như Ukraine được đánh giá là chặt chẽ và uy lực hơn rất nhiều so với của lực lượng IS.
Thêm vào đó, việc các vũ khí phòng không được phương Tây viện trợ ồ ạt cho Ukraine đã và đang trở thành một trở ngại lớn cho các đòn tấn công của tiêm kích Nga.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định việc thiếu các máy bay tiếp nhiên liệu trên không khiến cho các hoạt động của Không quân Nga không thể vươn tới các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine. Việc quân đội Ukraine phân tán lực lượng cũng khiến cho các vụ tấn công bằng máy bay ném bom rải thảm của Nga trở nên không quá hiệu quả.
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, quân đội Nga đã chủ động chọn cách tiếp cận an toàn tại Ukraine. Thay vì tung ra một lực lượng lớn, Không quân Nga chỉ sử dụng một lực lượng vừa đủ để "dưỡng sức" trước nguy cơ cuộc xung đột này có thể kéo dài và thậm chí mở rộng sang một nước thứ ba.
Các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây cũng khiến ngành công nghiệp hàng không của Nga gặp những khó khăn nhất định trong việc nhập khẩu thêm các linh kiện thay thế. Vì những lý do này, Nga sẽ không mạo hiểm tung toàn bộ máy bay chiến đấu vào cuộc để tấn công tổng lực vào các vị trí của quân đội Ukraine, mặc cho quốc gia này đang sở hữu lực lượng không quân lớn và thiện chiến đứng thứ 2 thế giới.
VŨ KHÍ ĐỔ VỀ, QUÂN ĐỘI UKRAINE CỦNG CỐ TRẬN ĐỊA PHÒNG KHÔNG
Không quân Nga không tung toàn bộ lực lượng vào cuộc không đồng nghĩa với việc quân đội Ukraine được phép lơ là trong việc nâng cấp hệ thống phòng không trong nước.
Ngay từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine nổ ra, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận thấy tầm quan trọng của mạng lưới phòng không trước các màn tập kích hỏa lực dữ dội từ máy bay không người lái và đặc biệt là tên lửa hành trình của Nga. Nhiều cơ sở hạ tầng, kho tàng quân sự cũng như binh lực của Kiev đã bị các cuộc tập kích đường không của Nga đánh trúng gây thiệt hại nghiêm trọng.
Để hỗ trợ Ukraine trong thời gian đầu của cuộc xung đột, phương Tây đã chuyển giao cho quân đội Ukraine rất nhiều hệ thống tên lửa phòng không như tên lửa phòng không di động Stinger, tên lửa vác vai MADPADS.
Tuy nhiên, đây chỉ là những hệ thống tên lửa tầm ngắn với mục đích chính là tiêu diệt các máy bay trực thăng và máy bay không người lái của đối phương. Vì vậy, Tổng thống Zelensky đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi phương Tây viện trợ thêm các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại cho Ukraine.
"Một phần tên lửa đã bị bắn hạ. Nhưng chỉ có một phần. Chúng tôi cần một lực lượng phòng không hùng hậu, hiện đại, hiệu quả, có thể phòng vệ hoàn toàn trước những tên lửa này. Các đối tác của chúng tôi cần chuyển vũ khí nhanh hơn nếu họ thực sự là những đối tác, chứ không phải các quan sát viên", ông Zelensky nói sau trận tập kích tên lửa dữ dội vào thủ đô Kiev cũng như nhiều phần lãnh thổ khác của Ukraine vào cuối tháng 6.
Lời kêu gọi của ông Zelensky đã nhận được sự hưởng ứng từ nhiều quan chức cấp cao phương Tây. Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley vào cuối tháng 7, 6 Thượng nghị sĩ Mỹ đã nêu bật tầm quan trọng của các tổ hợp phòng không có tầm bắn xa hơn đối với quân đội Ukraine trong việc đối phó với các máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình của Nga.
"Việc bảo vệ các thành phố, cơ sở quân sự và binh sĩ Ukraine trước sự tấn công của tiêm kích và tên lửa Nga sẽ cần sự hỗ trợ của các tổ hợp vũ khí chống rocket, đạn pháo và đạn cối C-RAM cũng như các hệ thống tên lửa phòng không Avenger. Các tên lửa với tầm bắn xa hơn này sẽ cho phép quân đội Ukraine bắn tới các mục tiêu của Nga bay ở độ cao vượt ra ngoài tầm bắn của các vũ khí phòng không thông thường.
Viện trợ của Mỹ cần phải được thực hiện một cách quyết đoán chứ không chỉ bằng lời nói. Vì vậy, quân đội Mỹ cần hành động khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh NATO để chuyển các loại vũ khí này cho Ukraine trong thời gian sớm nhất", các Thượng nghị sĩ Mỹ viết trong thư.
Đáp lại những lời kêu gọi trên, từ tháng 7/2022, nhiều hệ thống phòng không hiện đại với uy lực mạnh mẽ đã được chuyển đến Ukraine.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 26/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov cho biết quân đội nước này đã nhận được những hệ thống phòng không tự hành Gepard ("Báo săn") đầu tiên từ Đức.
"Chúng tôi sẽ nhận được 15 pháo phòng không tự hành Gepard. Ba hệ thống Gepard đầu tiên, cùng hàng chục ngàn đạn pháo, đã được chuyển giao cho Ukraine", ông Reznikov nói.
Các hệ thống Gepard này nằm trong gói viện trợ 30 pháo phòng không tự hành mà Đức cam kết sẽ chuyển giao cho Ukraine. Theo kế hoạch, 15 hệ thống Gepard đầu tiên sẽ được Berlin chuyển cho Kiev trong tháng này. 15 hệ thống còn lại sẽ được bàn giao trong tháng 8.
Trước đó, Anh đã chuyển giao nhiều tổ hợp Stormer HVM được mệnh danh là hệ thống phòng không nhanh nhất thế giới cho quân đội Ukraine. Được trang bị tên lửa Starstreak với khả năng đạt tốc độ Mach 4 (khoảng 4.800 km/h), nhiều chuyên gia phân tích nhận định các hệ thống Stormer HVM sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc bảo vệ các binh sĩ và khí tài của quân đội Ukraine trước máy bay chiến đấu của Nga.
Không chỉ được viện trợ vũ khí phòng không, Không quân Ukraine cũng đang nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực từ các đồng minh.
Ngày 26/7, giới truyền thông đưa tin Bộ Quốc phòng Slovakia đã tuyên bố sẵn sàng bán 11 tiêm kích MiG-29 sắp loại biên cho Không quân Ukraine. Việc giao hàng có thể được thực hiện ngay trong tháng 8. Đây là một tín hiệu tích cực cho Không quân Ukraine vì Kiev đã mất khá nhiều máy bay loại này trong không chiến với các tiêm kích Nga. Thêm vào đó, các phi công Ukraine đã quen thuộc với việc sử dụng MiG-29 nên các tiêm kích này có thể được đưa vào trực chiến ngay lập tức.
Hạ viện Mỹ ngày 15/7 cũng đã thông qua đạo luật phân bổ ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023. Theo đạo luật này, 100 triệu USD sẽ được sử dụng cho việc đào tạo các phi công quân sự Ukraine sử dụng các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất. Đây được xem là bước khởi đầu cho quá trình chuyển giao các tiêm kích hiện đại F-15 và F-16 cho Ukraine.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của lực lượng Phòng không Không quân Ukraine cho thấy cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời tại quốc gia này sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt trong thời gian tới. Với quân đội Nga, để chặn đứng đà phản công của đối phương, Không quân nước này sẽ cần phải nhanh chóng đưa ra những đòn "chí mạng" nhằm vào các tổ hợp vũ khí hiện đại của Kiev nhằm bảo vệ cho các lực lượng phòng thủ thân Nga tại vùng lãnh thổ phía Nam Ukraine.
Tùng Nguyễn
Theo Guardian, Defense Express, CNN, NBC
01/08/2022
04/08/2022