Kịch bản nào khi Mỹ, EU "dứt tình" với dầu khí Nga?

11/05/2022 10:53

Mỹ và phương Tây liên tục giáng đòn trừng phạt vào nền kinh tế Nga để phản ứng lại chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, mà gần đây nhất là lệnh cấm nhập khẩu dầu và than đá từ Moscow.

Liệu thị trường toàn cầu có thể chịu đựng các tác động liên tục hay sẽ chứng kiến một sự chuyển đổi nhanh chóng chưa từng có?

Dầu và khí đốt khiến Nga tự tin bất chấp trừng phạt

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây và đặc biệt là Mỹ, Anh, Canada và EU, đã nhất trí về một số biện pháp trừng phạt lớn và sâu rộng đối với Moscow nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế nước này.

Một loạt biện pháp trừng phạt đã được áp đặt nhằm vào giới tài phiệt và ngân hàng Nga. Cụ thể, một số ngân hàng bán lẻ của Nga đã bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, hệ thống nhắn tin liên ngân hàng quốc tế. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã bị chặn sử dụng dự trữ quốc tế trong một số khu vực pháp lý như Mỹ, EU, Anh, Canada, Nhật Bản, Australia và Thụy Sĩ.

Tiếp đó, phương Tây tiến hành đợt trừng phạt liên quan đến các sản phẩm công nghệ. Nga phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, với giá trị nhập khẩu khoảng 19 tỷ USD hàng năm. Nước này nhập khẩu nhiều nhất từ EU với 45%, tiếp theo là Mỹ (21%), Trung Quốc (11%) và Anh (2%), hầu hết là nhập khẩu công nghệ hạt nhân của Nga trong năm 2019 đến từ EU (68%). EU cũng là nhà cung cấp chính của công nghệ sinh học, điện tử, khoa học - đời sống và hàng hóa sản xuất cho Moscow.

Kịch bản nào khi Mỹ, EU dứt tình với dầu khí Nga? - 1

Mỹ và phương Tây áp dụng một loạt trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga (Ảnh: Reuters).

Nga đã cố gắng chống lại các lệnh trừng phạt công nghệ bằng cách thay thế nhập khẩu, nhưng không thành công. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng tăng trưởng của Nga, khiến nước này không còn là một nền kinh tế hiện đại chừng nào xung đột tại Ukraine chưa chấm dứt.

Sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt công nghệ và tài chính, áp lực dư luận, rủi ro danh tiếng, và sự sụp đổ của nền kinh tế Nga đã khiến nhiều công ty đa quốc gia rời bỏ thị trường Nga. Đồng rúp của Nga theo đó cũng bị tác động mạnh. Trên thực tế, đồng tiền này đã giảm gần 50% và ngay cả Nga cũng thừa nhận vào đầu tháng 3 rằng các lệnh trừng phạt đang là đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, Nga vẫn không từ bỏ mục tiêu tại Ukraine. Theo tổ chức tư vấn Bruegel, một yếu tố quan trọng mang lại sự tự tin cho Nga là nguồn thu lớn từ việc bán dầu, khí đốt và than đá. Nga vẫn là nước xuất khẩu dầu và khí đốt hàng đầu trên thế giới, và giá năng lượng hiện tại mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho nước này. Ước tính, Nga kiếm được khoảng 700 triệu USD mỗi ngày từ dầu thô và các sản phẩm tinh chế và 400 triệu USD mỗi ngày từ khí đốt tự nhiên bán sang EU.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga đóng vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu. Đây là một trong ba nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, cạnh tranh vị trí đầu bảng với Saudi Arabia và Mỹ. Nga chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, chiếm 45% ngân sách quốc gia. Năm 2021, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga đạt 10,5 triệu thùng/ngày, chiếm 14% tổng nguồn cung của thế giới.

Ngoài ra, Nga là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, và là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Năm 2021, quốc gia này sản xuất 762 tỷ m3 khí tự nhiên và xuất khẩu khoảng 210 tỷ m3. Khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 45% sản lượng nhập khẩu và gần 40% nhu cầu khí đốt của EU.

Mỹ và EU ra sao sau lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga?

Xuất khẩu năng lượng là nền tảng của nền kinh tế Nga. Hàng này, nước này cung cấp một lượng lớn khí đốt tự nhiên và dầu thô sang châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị trường năng lượng toàn cầu vốn đã gặp khó khăn lại phải đối diện nguy cơ gián đoạn nhiều hơn và giá cả tăng cao.

Mỹ là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Bộ Năng lượng Mỹ gần đây dự đoán rằng sản lượng của nước này sẽ tăng lên 12,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023 từ mức trung bình hiện tại là 12 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Năm 2020, sản lượng giảm mạnh 1 triệu thùng/ngày do nhu cầu giảm trong bối cảnh đại dịch, nhưng hiện đã dần phục.

Kịch bản nào khi Mỹ, EU dứt tình với dầu khí Nga? - 2

Mỹ là sản xuất dầu lớn nhất thế giới, ít phụ thuộc dầu Nga nhưng lệnh cấm dầu Nga có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này (Ảnh: Financial Times).

Sản lượng dầu của Mỹ đáp ứng phần lớn nhu cầu dầu trong nước, một phần nhập từ Mexico, Saudi Arabia, Ai Cập và Nga trước khi ban hành lệnh cấm. Lượng dầu từ Nga chỉ khoảng 3% lượng dầu mà nước này tiêu thụ, tương đương khoảng 600.000 thùng/ngày.

Ngược lại, EU lại phụ thuộc vào Nga với khoảng 1/3 tổng lượng dầu nhập khẩu. EU là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga, với 138 triệu tấn vào năm 2020 trong tổng số 260 triệu tấn xuất khẩu của Nga - tương đương 53%, theo đánh giá thống kê hàng năm về năng lượng thế giới của BP.

Dầu và khí đốt của Nga vẫn đang chảy sang EU ngay cả khi các chính phủ tuyên bố các lệnh trừng phạt. Theo các nhà nghiên cứu của Bruegel, mỗi ngày, EU chi trả 450 triệu USD cho nhập khẩu dầu và 400 triệu USD cho khí đốt tự nhiên.

Ngày 4/5, EU tuyên bố đề xuất lệnh cấm vận hoàn toàn với dầu Nga. Theo đề xuất này, trong vòng 6 tháng, châu Âu sẽ từng bước ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga, ngừng mua các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm 2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cũng áp đặt lệnh cấm ngay lập tức đối với nhập khẩu dầu thô và năng lượng khác của Nga với mục tiêu "nhắm vào huyết mạch của nền kinh tế Nga".

Lệnh cấm vận dầu Nga theo từng giai đoạn là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của EU đối với Nga, khiến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu phải tranh giành các nhà cung cấp dầu thô mới.

Trong cuộc họp báo công bố các lệnh trừng phạt vào ngày 4/ 5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề cập đến sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ của Nga, đồng thời nói: "Rõ rằng điều này không hề dễ dàng bởi một số quốc gia thành viên phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ Nga, nhưng chúng ta buộc phải hành động".

Kịch bản nào khi Mỹ, EU dứt tình với dầu khí Nga? - 3

EU lên kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu Nga theo các giai đoạn (Ảnh: AFP).

Quyết định này được đưa ra sau khi lo ngại rằng nhu cầu khí đốt của châu Âu có thể làm leo thang cuộc chiến ở Ukraine.

Các nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm vận dầu mỏ gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. Theo các nhà phân tích, EU có thể cắt đứt quan hệ dầu mỏ với Nga, nhưng nỗ lực này cần nhiều thời gian và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khiến giá xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác tăng cao. Điều này sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng vốn đang phải vật lộn với lạm phát, và cuối cùng làm trật bánh tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Còn chuyên gia phân tích Simone Tagliapietra cho rằng, kế hoạch cấm vận dầu mỏ Nga của EU là một "canh bạc rủi ro" bởi trong ngắn hạn nó sẽ gây ra tác động tiêu cực cho kinh tế châu Âu nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung do giá năng lượng tăng. "Đó là chưa kể đến những rủi ro Nga đáp trả bằng việc cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên", ông Simone nhấn mạnh.

EU đã nhập khẩu 3,8 triệu thùng dầu/ngày từ Nga trước khi xung đột tại Ukraine bùng nổ. Với lệnh trừng phạt theo từng giai đoạn đối với dầu, EU hiện phải đối mặt với nhiệm vụ tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Về lý thuyết, EU có thể tìm kiếm nguồn dầu thay thế từ các nhà cung cấp ở Trung Đông, những nước hiện chủ yếu xuất khẩu sang châu Á, Mỹ, Mỹ Latinh và châu Phi. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để các thị trường toàn cầu thực hiện điều chỉnh đó. Ở châu Âu, các nhà máy lọc dầu sản xuất xăng và các sản phẩm khác được thiết lập cho loại dầu đặc biệt của Nga. Một số nhà máy lọc dầu lớn phụ thuộc vào đường ống từ Nga. Các nhà phân tích cho rằng việc loại bỏ dầu của Nga có thể gây tốn kém chi phí.

Theo các nhà chuyên gia của Bruegel, sau lệnh cấm, Mỹ và EU nên sẵn sàng áp dụng các biện pháp giảm sử dụng nhiên liệu, chẳng hạn như miễn phí giao thông công cộng hay khuyến khích đi xe ghép. Nếu những biện pháp đó không hiệu quả, họ sẽ cần đến những biện pháp cứng rắn hơn như cấm lái xe chẵn lẻ dựa trên biển số xe. Các biện pháp tương tự đã được thực hiện trong lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của OPEC, khi Đức áp đặt các ngày Chủ nhật cấm ô tô.

Các nhà phân tích cho biết trên ABC News: "Điều này sẽ giúp các thị trường có đủ thời gian để tái định hướng, thoát phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga".

Việc thực hiện lệnh cấm theo từng giai đoạn là một cách để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng tại châu Âu.

Giá dầu có thể sẽ tăng cao, không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới bởi dầu mỏ là hàng hóa toàn cầu và nguồn cung ròng từ Nga có thể sẽ bị cắt. Điều đó có nghĩa là chi phí di chuyển và nhiên liệu sưởi ấm sẽ cao hơn và lạm phát tiêu dùng gia tăng.

Kịch bản nào khi Mỹ, EU dứt tình với dầu khí Nga? - 4

Theo chuyên gia, lệnh cấm vận dầu Nga của EU sẽ giúp tái cân bằng thị trường dầu thô (Ảnh: Reuters).

Các kịch bản cho thị trường dầu khí toàn cầu

Tất cả nguồn cung dầu của Nga không thể ngay lập tức được chuyển hướng từ châu Âu sang châu Á do các hạn chế về vận chuyển và hậu cần vì dầu của Nga trực tiếp qua đường ống đến nhiều nhà máy lọc dầu của EU mà không cần tính đến các tuyến đường thủy và sự chậm trễ vận chuyển của tàu.

Hiện vẫn chưa rõ các nhà nhập khẩu châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bao nhiêu mua dầu của Nga sau lệnh cấm của phương Tây.

Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) cũng tuyên bố sẽ không tăng sản lượng để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt về nguồn cung từ Nga do làn sóng tẩy chay.

Ông Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách bộ phận phân tích của Rystad Energy, cho biết: "Đó sẽ là một sự tái cân bằng lớn của dòng chảy dầu thô. Theo lý thuyết, điều đó hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, trên thực tế, nó phức tạp hơn nhiều vì không phải mọi thứ đều có thể chuyển hướng".

Nhu cầu dầu và khí đốt toàn cầu tăng vọt khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, và những bất ổn địa chính trị đã làm trầm trọng thêm vấn đề thị trường thắt chặt và giá cả cao. Tổng thống Mỹ Biden đã lệnh "xả" kho dự trữ xăng dầu chiến lược nhằm đối phó giá xăng dầu tăng cao, trong khi 30 quốc gia khác cũng đã đồng ý cung cấp thêm dầu ra thị trường toàn cầu.

Kịch bản nghiêm trọng nhất là Nga mất 3,8 triệu thùng dầu xuất sang châu Âu và các quốc gia khác từ chối khai thác mua dầu của Nga. Khi đó, mức giá có thể tăng vọt lên 180 USD/ thùng, và sau đó là sự sụt giảm mạnh do nhu cầu và tăng trưởng kinh tế suy giảm. Theo đó, Rystad Energy ước tính giá dầu có thể đạt 120 - 130 USD/thùng vào cuối năm. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra, ông Galimberti nói.

Một kịch bản nhẹ nhàng hơn là dầu của Nga sẽ bán sang các nước "khát" năng lượng khác với giá thấp hơn, và khi đó, Nga chỉ mất 1 triệu thùng/ngày. Theo kịch bản này, giá dầu sẽ giảm xuống dưới 100 USD/thùng vào tháng 6 và tiếp tục giảm xuống 60 USD/thùng vào cuối năm. Điều đó không khác nhiều với tình hình hiện tại, khi một số doanh nghiệp và ngân hàng đang dần xa lánh dầu của Nga kể cả không có lệnh trừng phạt.

Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/kich-ban-nao-khi-my-eu-dut-tinh-voi-dau-khi-nga-20220510154306352.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/kich-ban-nao-khi-my-eu-dut-tinh-voi-dau-khi-nga-20220510154306352.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kịch bản nào khi Mỹ, EU "dứt tình" với dầu khí Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO