LTS: Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt là người có mối thân tình và có nhiều kỉ niệm với gia đình nhà thơ Nguyễn Bính. Qua những cuộc trò chuyện với bà Hồng Châu, người vợ đầu tiên của nhà thơ, ông hiểu thêm về bà, về nhà thơ với nhiều chi tiết thú vị, ít người biết.
Gốc tích nhà lưu niệm Nguyễn Bính ở Gò Vấp
Hồi nhỏ, tôi rất mê thơ Nguyễn Bính. Năm 1969, đang học lớp đệ ngũ, tôi đã thuộc làu “Lỡ bước sang ngang”, tới giờ vẫn thuộc.
Năm 1986, chương trình “Đố em” của Đài Truyền hình thành phố mời Thành đoàn và Tỉnh đoàn Cửu Long tham gia. Chị Hồng Giang, lúc đó là Trưởng ban Thiếu nhi Tỉnh đoàn cùng làm giám khảo với tôi. Hồng Giang rất thân thiết với chị Nguyễn Bính Hồng Cầu, trưởng nữ của nhà thơ, cho biết gia đình Nguyễn Bính đang ở Vĩnh Long.
Tôi điện thoại hỏi thăm và mong có dịp sẽ xuống nhà chơi. Chưa kịp thực hiện lời hẹn thì gia đình nhà thơ chuyển lên Sài Gòn, thuê nhà trọ ở đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1. Tôi có đến thăm và gởi gắm, nhờ anh em quận đoàn quan tâm. Gia đình lúc đó có 3 người. Bà Lục Hà (Hồng Châu 1920 - 2017, vợ nhà thơ); Hồng Cầu và con trai là Hồng Kỳ.
Anh Lê Sỹ Tiến, Hiệu trưởng trường PTCS Hồng Bàng (quận 5) thời đó, cũng rất yêu mến nhà thơ; nhận Hồng Kỳ, vừa tốt nghiệp phổ thông vào phụ làm giám thị. Chị Hồng Cầu chuyển công tác về Fahasa. Với vốn liếng gom góp được và vay thêm bạn bè; gia đình mua được căn nhà cấp 4 gần chùa Nghệ sĩ (chùa Phật Quang, Nhựt Quang) ở đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp. Khu vực này vắng vẻ, đường đất đỏ, cảnh quan dân dã như miền quê, giá rẻ nên một số nhà văn chọn làm chốn an cư.
Vợ chồng nhà thơ Kiên Giang với gia đình nhà thơ Nguyễn Bính. Bà Hồng Châu (ngồi giữa), Hương Mai (ngồi bên trái), Hồng Cầu (đứng giữa), Hồng Kỳ (đứng bên phải), Hồng Khương (chắt ngoại, ngồi cạnh bà cố). Ảnh Tư liệu gia đình.
Nhờ bạn bè chung sức, góp tay, nhà cấp 4 xập xệ được cải tạo thành cấp 4+, thoáng đãng, tươm tất, có cả khoảng sân nhỏ, hoàn tất đúng ngày giỗ 30 năm nhà thơ (1996). Từ ngày có nhà mới, đám giỗ nhà thơ càng nghĩa tình, ấm cúng.
Có đến mấy chục nhà văn, nhà thơ về dự. Có cả lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy. Bà Hồng Châu, thay mặt gia đình cám ơn thân hữu và rưng rưng “Nếu anh Bính còn sống, chắc cũng không nghĩ rằng có ngày vợ con anh được ở trong căn nhà lịch sự thế này”.
Cuối năm 2000, Nguyễn Bính được giải thưởng Hồ Chí Minh, gia đình mừng khôn xiết. Thân hữu tại tiếp sức nâng cấp căn nhà cấp 4, cơi thêm lầu 1 làm chỗ ở gia đình, tầng trệt được dùng làm nhà lưu niệm Nguyễn Bính với nhiều thủ bút và hiện vật của nhà thơ. Không gian chỉ hơn 30m2 nhưng sống động nhịp đập thơ ca Nguyễn Bính. Tôi thích nhất là thủ bút “Nhà ta quí Chữ hơn Vàng. Coi Tài hơn cả giàu sang ở đời”.
Đám giỗ nhà thơ 2001, bạn văn lại về tụ hội. Bà Hồng Châu cho biết số tiền 25 triệu của giải thưởng được chia cho các con. Bà gởi cho Hương Mai (con gái của nhà thơ với bà vợ thứ hai), đang làm việc ở Sở Giáo dục Đào tạo Bến Tre 2 triệu. 3 triệu để Hồng Cầu góp thêm mua chiếc tủ thờ mới. 20 triệu làm sổ tiết kiệm tặng con trai út Mạnh Hùng (con trai của nhà thơ với người vợ thứ tư), đang làm việc ở Nga vì “nó vất vả nhất”. Còn chi phí đám giỗ là lương hưu ky cóp của bà.
Bà Hồng Châu và con trai út Mạnh Hùng, ảnh chụp năm 1981 ở Hà Nội. Ảnh Tư liệu gia đình.
Ai nghe cũng cảm kích. Nhà thơ Kiên Giang (1929 – 2014) liền khẩu khí, họa tiếp bài thơ của Nguyễn Bính năm xưa “Từ độ về đây anh đã giàu. Bạn bè đã có chỗ gặp nhau. Vinh quang đến muộn nhưng ngời sáng. Hoa hồng thắm nở trên thảm rêu”. Thấy tôi xăng xái như người trong nhà, mấy khách đến dự đám giỗ nhà thơ, hỏi “Anh là gì của gia đình?” Tôi chỉ biết cười “Dạ, cũng chỉ là người quen thôi ạ”. Tôi không dám nhận mình là người nhà, vì sợ hiểu lầm.
Từ đó, năm vài lần, tôi đưa các con về thăm bà. Lần nào bà cũng mừng rỡ, dành sẵn quà, nhất là mấy quả khế rất ngọt trước sân. Bà xem các con tôi như cháu nội. Các cháu cũng rất quí bà. Lâu chưa ghé là nhắc. Khi mở đường, dự tính phải chặt cây khế nhưng bà không chịu, nhất quyết “Phải giữ cho con thằng Huy” (tên thường dùng của tôi trước đây). Cây khế được dời vào sân, bao năm vẫn xanh tốt quả ngọt như tình cảm bà dành cho các cháu. Nhớ bà, con gái tôi, lập gia đình, có nhà riêng cũng trồng cây khế trong sân, trái rất ngọt, như cây khế của bà.
Cây khế trồng trong vườn nhà con gái để tưởng nhớ bà
Mối lương duyên của nhà thơ với nhà báo
Trong lúc trò chuyện, tôi hiểu thêm về bà, về nhà thơ với nhiều chi tiết thú vị. Năm 1998, bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Trưởng Ban tổ chức “Họp mặt đại biểu Phụ nữ Nam bộ” (tôi là thành viên Ban tổ chức), nói về bà “Hồng Châu hồi xưa xinh lắm. Gia đình nề nếp, trí thức, thích văn chương, có truyền thống yêu nước, hoạt động cách mạng rất tích cực”.
Từ một nhà thơ đa tài, đa tình, lãng mạn, chân quê; Nguyễn Bính theo Việt Minh. Ít ai biết rằng tác giả Lỡ bước sang ngang từng là chỉ huy du kích, rất được mến mộ, không chỉ dạy đánh giặc mà còn dạy làm người. Bài hát “Tiểu đoàn 307” gắn liền với tên tuổi ca sĩ Quốc Hương (1920 – 1987) được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (1917 – 1979) phổ nhạc theo lời bài thơ “Cửu Long Giang” của Nguyễn Bính đăng trên báo Tổ quốc (khu 8) cuối 1949. Giọng thơ hoàn toàn khác Lỡ bước sang ngang nhưng vẫn rất Nguyễn Bính.
Nhà báo Hồng Châu, ảnh chụp năm 1952. Ảnh Tư liệu Gia đình.
Nguyễn Bính vừa có tài, có uy tín trong giới văn nghệ cả nước nên Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh của chính phủ Nam kỳ tự trị tìm nhiều cách và từng treo giải 1.000 đồng Đông Dương (số tiền rất lớn vào thời đó) cho nhà thơ hoặc ai thuyết phục được nhà thơ bỏ Việt Minh. Nguyễn Bính khẳng định dứt khoát “Mình không bỏ Sở sang Tề. Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi”.
Việt Minh tìm cách mai mối Hồng Châu (tên thật là Nguyễn Lục Hà), biên tập báo “Tiếng súng kháng địch” của khu 9, một nhà báo tài sắc, cho nhà thơ. Ngay lần đầu gặp nhau, Nguyễn Bính đã có tình ý với bà. Hồng Châu vốn rất quí trọng nhà thơ nhưng làm vợ thì chưa nghĩ tới. Bà sợ khổ vì nhà thơ đào hoa nên tìm cách trì hoãn “Cho em về xin ý kiến ba mẹ, rồi trả lời”.
Ai ngờ, vừa nghe con gái rào đón giới thiệu, gia đình liền ủng hộ “Được đó con. Nó không đẹp trai, giàu có nhưng có tài, lại là cán bộ Việt Minh”. Hồng Châu tiếp tục tìm sự hỗ trợ của bà Nguyễn Thị Thập (1908 – 1996), thủ lĩnh phụ nữ Việt Minh Nam bộ hòng hoãn binh. Bà Thập liền phán “Anh Ba (Lê Duẩn, 1907 - 1986) muốn nhà báo và nhà thơ kết hợp. Với lại, tao thấy, nó xứng với mày nhất”.
Thế là bà nên duyên với nhà thơ. Bà thú thật là chỉ thương và vì tổ chức mà kết duyên. Hai người có 1 cô con gái chung là nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu. Cuối năm 1954, Nguyễn Bính tạm biệt vợ con, tập kết ra Bắc. Nhà thơ và vài bạn hữu làm báo Trăm hoa, báo tư nhân thời đó, theo phong cách đặc trưng Nguyễn Bính – chân quê – bộc trực – lich lãm. Báo lỗ nặng, phải đóng cửa. Vì nhiều lý do, nhà thơ “tự làm khổ mình”, rời Hà Nội, về quê làm nhân viên hợp đồng ở Sở Văn hóa Thông tin Nam Định và mất trong cảnh nghèo túng, không có người thân bên cạnh.
Nguyễn Bính mất vào chiều 29 tháng chạp năm Bính Ngọ 1966, đúng ngày giao thừa; năm đó tháng chạp không có ngày 30. Hoàn cảnh nhà thơ lúc mất cũng có nhiều đồn thổi không chính xác.
Nhà thơ đã từng dự báo về sự ra đi của mình “Tối nay là tối ba mươi. Nhà tôi chỉ, một mình tôi, vắng nhà”. Sinh thời, thi thoảng ông còn ngâm nga câu thơ của Tản Đà (1889 – 1939) “Tính trăm tuổi đời người ta có nửa”. Tản Đà mất lúc 50 tuổi Nguyễn Bính mất lúc 49 tuổi, tính cả tuổi mụ cũng 50 (nhà thơ sinh năm 1917).
“Tim vàng nửa mảnh còn đau”
Sau ngày đất nước thống nhất, đến năm 1981, bà Hồng Châu và con gái mới có dịp về quê chồng, viếng mộ ông ở Nam Định. Trước mộ nhà thơ, bà đọc tặng ông bài thơ xúc động “Găp nhau thủa tóc còn xanh. Giờ đây gặp lại đầu xanh phai màu. Tim vàng nửa mảnh còn đau. Thầm thì lòng đất thơ sao xé lòng…”.
Theo bà Hồng Châu, người yêu Nguyễn Bính nhất là cô Vân Thanh, dám vượt qua mọi thứ rào cản, từ tuổi tác chênh lệch đến hoàn cảnh. Vân Thanh cùng làm báo Trăm hoa và rất thần tượng nhà thơ. Hai người đến với nhau, có con nhưng gia đình kịch liệt cấm cản, ép buộc. Cuối cùng, cô đã buông tay, bỏ con và rời Nguyễn Bính. Tôi nghĩ tình yêu của cô với nhà thơ là có nhưng chưa đủ tầm. Nghèo túng, con còn quá nhỏ, gào khóc vì nhớ mẹ và đói sữa, nhà thơ ra chợ mướn người nuôi giúp và lạc con từ đó. Đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Nỗi đau này ám ảnh suốt đời ông.
Tôi chưa gặp người phụ nữ nào như bà Hồng Châu. Không giận chồng. Cũng không đố kỵ ganh ghét với những người phụ nữ từng chia sẻ tình cảm với chồng mình. Thậm chí bà luôn sẵn lòng nâng đỡ. Cuối năm 2003, tôi mời bà đi tour “Đường Hồ Chí Minh”. Đoàn toàn các bậc lão thành. Đầu giờ chiều, qua đèo Ngang, đoàn dừng ngoạn cảnh, chụp hình. Bà liền ứng khẩu “Bước tới đèo Ngang nắng thấy bà. Cỏ cây khô héo nói chi hoa”.
Ghé động Phong Nha, tôi mời bà ly nước ngọt, bà bảo “Giám đốc mời không uống. Con trai mời mới uống”. Tôi bảo “Thì con trai mời mẹ”. Bà cười sảng khoái. Bà xem tôi như con trai, gia đình xem tôi như người nhà. Có chuyện gì quan trọng, chị Hồng Cầu lại điện thoại “Cậu Huy ơi”, như vai em của chị để bàn bạc, trao đổi.
Trên tour, tôi tổ chức giao lưu. Khách rất ngạc nhiên khi biết có vợ nhà thơ Nguyễn Bính cùng tham gia. Bà vui vẻ kể “Làm vợ nhà thơ, nhất là nhà thơ nổi tiếng thì phải chấp nhận. Sau 1975, tôi có thêm mấy đứa con mà không phải nuôi nấng. Đứa nào cũng một má, hai má”. Các con Nguyễn Bính, từ Hồng Cầu, Hương Mai đến Mạnh Hùng đều yêu thương nhau và hết mực kính trọng má Châu.
Qua bà, tôi biết thêm nhiều chuyện thú vị về nhà thơ Nguyễn Bính và mong muốn bà viết hồi ký để hệ thống lại.
Học sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp) tham quan nhà lưu niệm Nguyễn Bính
Năm 2005, ghé nhà lưu niệm, bà ký tặng tôi tập hồi ký “Đi qua tâm bão”. Như bộ phim bằng chữ và đúng như tên sách, hồi ký thuật lại cuộc đời của bà, một phụ nữ đặc trưng Nam bộ. Tôi biết thêm nhiều chuyện về bà. Tôi mới hay, trước khi lấy Nguyễn Bính, bà từng có một người con, phải nhờ người thân nuôi để hoạt động cách mạng. Do thiếu thốn, cả sữa lẫn thuốc, cháu bé chết vì kiệt sức, không có mẹ bên cạnh. Có nỗi đau nào hơn thế? Giữa muôn trùng gian nan, nguy hiểm, bà vẫn vững vàng vượt qua.
Nhân dịp Quốc khánh 2/9/2017, bà được trao tặng huy hiệu “80 năm tuổi Đảng”. Sức khỏe bà đã yếu nhưng vẫn minh mẫn. Ngày 22/10 năm đó, bà ra đi thanh thản, thong dong về chốn vĩnh hằng. Căn nhà cấp 4 năm xưa, giờ thêm tầng khang trang, có sân thượng nhỏ. Tầng trệt vẫn là nhà lưu niệm sống động, là nơi sinh hoạt của “Chân quê thi hội” trước đây và nay là nhóm “Thi sĩ của yêu thương”.
Ngành Giáo dục và Du lịch, nếu biết tận dụng, nhà lưu niệm Nguyễn Bính không chỉ là điểm ngoại khóa, chuyên đề văn học của học sinh, sinh viên, giáo viên; mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách, kết nối với chùa Nghệ sĩ và các làng nghề Gò Vấp.
Gần 5 năm ngày bà mất, cây khế yêu thương của bà vẫn xanh tươi quả ngọt. Tôi vẫn nhớ như in dáng người phúc hậu, đẹp lão, chân quê Nam bộ mà lịch lãm, đặc biệt là nụ cười Bồ Tát của bà.