Khủng hoảng Ukraine "phủ sóng" hội nghị Munich

18/02/2023 09:30

Năm nay, ghi nhận lần đầu tiên giới chức Nga không được mời đến Hội nghị An ninh Munich trong 2 thập kỷ qua

Các chính khách, quan chức quân sự và nhà ngoại giao hàng đầu thế giới ngày 17-2 tập trung tại TP Munich - Đức để thảo luận về tình hình an ninh châu Âu sau khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu diễn ra gần 1 năm trước.

Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 56 nói trên diễn ra đến ngày 19-2, thu hút sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị…

Theo Reuters, hội nghị dự kiến có sự hiện diện của một số quan chức cấp cao Ukraine nhưng tiếp tục vắng bóng đại diện của Nga. Năm nay, ghi nhận lần đầu tiên giới chức Nga không được mời đến MSC trong 2 thập kỷ qua.

Tại hội nghị năm ngoái, các quan chức nước này dù được mời nhưng không có mặt. MSC 2022 khép lại 4 ngày trước khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu hôm 24-2. Ở chiều ngược lại, Mỹ cử lực lượng hùng hậu đến MSC 2023, ngoài Phó Tổng thống còn có Ngoại trưởng Antony Blinken và nhiều thượng nghị sĩ.

Khủng hoảng Ukraine phủ sóng hội nghị Munich - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu với giới truyền thông tại TP Munich hôm 17-2, ngày đầu tiên của Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: REUTERS

Theo tờ The New York Times, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn tiếp diễn, giới chức phương Tây có ý nêu bật sự đoàn kết và hậu thuẫn dành cho Kiev tại MSC 2023.

Đáng chú ý, Phó Tổng thống Mỹ Harris dự kiến có bài phát biểu về việc hỗ trợ Ukraine và an ninh châu Âu trong bài phát biểu ngày 18-2. Nhà Trắng cho biết bà Harris dự kiến gặp các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Anh bên lề hội nghị để bàn về việc tăng cường giúp đỡ Ukraine và nỗ lực trừng phạt Nga.

Dù vậy, chiến sự ở Ukraine nhiều khả năng khơi lại các cuộc tranh luận lâu nay ở Munich về những vấn đề như châu Âu nên tăng cường năng lưc quân sự thế nào, dựa vào Mỹ đến đâu về vấn đề an ninh và chi tiêu bao nhiêu cho quốc phòng. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về tác động toàn cầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine, như nguồn cung năng lượng, giá lương thực.

Ngay trước thềm hội nghị, MSC đã công bố báo cáo thường niên dài 176 trang, trong đó tập trung nói đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Báo cáo cũng cảnh báo về sự chia rẽ ngày càng tăng giữa "các trật tự thế giới đang cạnh tranh với nhau", theo đài DW. Ông Christoph Heusgen, Chủ tịch MSC, nhận định tình hình Ukraine là mối đe dọa tức thì đối với châu Âu và đây là lý do để tăng cường đối thoại.

Nhiều vấn đề quốc tế đáng chú ý khác cũng được đề cập tại MSC, trong đó nổi bật có quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc... Tại MSC 2023, ông Vương Nghị sẽ có bài phát biểu về tầm nhìn chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Đã xuất hiện thông tin về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa hai ông Blinken và Vương Nghị bên lề hội nghị. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai quan chức này sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc hôm 4-2.

Washington cáo buộc khinh khí cầu Trung Quốc được sử dụng cho mục đích do thám. Đáp lại, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này, đồng thời chỉ trích Mỹ có phản ứng "thái quá" và "vô trách nhiệm". Vụ việc này gây ra khủng hoảng mới trong quan hệ Mỹ - Trung và buộc ông Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh đã lên kế hoạch từ trước.

Hoàng Phương

Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-ukraine-phu-song-hoi-nghi-munich-20230217214249774.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-ukraine-phu-song-hoi-nghi-munich-20230217214249774.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng Ukraine "phủ sóng" hội nghị Munich
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO