Theo Economist, 4 trong 5 công ty vận tải container lớn nhất thế giới, bao gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC, đã tạm dừng hoặc đình chỉ các dịch vụ ở Biển Đỏ. Sau khi qua Kênh Suez, các tàu vận tải buộc phải di chuyển qua khu vực Biển Đỏ này để ra được Ấn Độ Dương và tới châu Á, Ấn Độ ...
Khu vực này chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 12% khối lượng thương mại toàn cầu và 30% lưu lượng container. Mỗi năm, khoảng 1.000 tỷ USD hàng hóa đi qua đây.
Tuy nhiên, tuyến thương mại huyết mạch này đã trở nên nguy hiểm sau khi lực lượng Houthi, hoạt động tại Yemen, bắt đầu tấn công tàu thuyền. Các cuộc tấn công diễn ra trong nhiều tuần, nhưng đã leo thang nhanh chóng trong những ngày gần đây.
Đối mặt với rủi ro lớn, ngành vận tải biển toàn cầu nhanh chóng dừng hoạt động trên tuyến vận tải này. Ngày 15/12, Maersk và Hapag-Lloyd là 2 doanh nghiệp đầu tiên tuyên bố tạm dừng tất cả dịch vụ tại Biển Đỏ. Sau đó, CMA CGM cũng nối gót dừng hoạt động.
4 công ty trên đóng góp 53% thương mại container toàn cầu. Những công ty nhỏ hơn, cũng như các hãng vận tải hàng rời hay tàu chở dầu cũng được dự báo sẽ tạm dừng hoạt động tại Biển Đỏ.
Theo đánh giá của Economist, đối với kinh tế toàn cầu, việc kênh Suez đóng cửa kéo dài sẽ làm tăng chi phí vận tải và kéo dài thời gian. Rủi ro xung đột cũng khiến phí bảo hiểm tăng lên, tất cả những yếu tố này có thể được phản ánh vào giá hàng hóa.
Tuyến vận tải Địa Trung Hải - Suez ngắn hơn Địa Trung Hải - Mũi Hảo Vọng khoảng 9.000 km và thời gian di chuyển được rút ngắn khoảng 2 tuần. Nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng, 2 tuyến vận tải biển này có thể làm đứt gãy nền kinh tế thế giới
Năm 2021, con tàu Ever Given mắc cạn và chặn kênh đào trong 6 ngày, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo một số ước tính, vụ việc này đã khiến 10 tỷ USD hàng hóa bị mắc kẹt, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, khủng hoảng tại Biển Đỏ còn có thể ảnh hưởng tới an ninh tại Biển Arab gần đó, nơi chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 1/3 nguồn cung dầu trên biển.