Khủng hoảng Sri Lanka: Ấn Độ bác tin điều binh, cảnh giác ở biên giới, khẳng định đứng về phía người dân nước láng giềng

Bảo hà| 11/07/2022 18:21

Văn phòng Cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka ngày 10/7 đã kiên quyết bác bỏ “những thông tin truyền thông mang tính suy đoán” về việc New Delhi điều binh sĩ tới Sri Lanka.

Cảnh sát sử dụng súng nước và hơi cay để giải tán những người biểu tình ở Colombo. (AP)
Cảnh sát tìm cách giải tán những người biểu tình ở thủ đô Colombo của Sri Lanka vào cuối tuần trước. (AP)

Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, cơ quan trên nêu rõ: “Văn phòng Cao ủy kiên quyết bác bỏ những thông tin mang tính suy đoán trên các phương tiện truyền thông về việc Ấn Độ đưa binh sĩ tới Sri Lanka. Những thông tin này và những quan điểm như vậy không phù hợp với lập trường của chính phủ Ấn Độ”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi tuyên bố, nước này là láng giềng gần gũi nhất của Sri Lanka và hai quốc gia cùng chia sẻ những mối liên hệ văn minh sâu sắc.

Theo đó, "Ấn Độ nhận thức được nhiều thách thức mà Sri Lanka và người dân nước này đang phải đối mặt, chúng tôi đứng về phía người dân Sri Lanka khi họ đang cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Bên cạnh đó, ông Baghchi cho hay, “để duy trì vị trí trung tâm mà Sri Lanka chiếm giữ trong 'Chính sách láng giềng trên hết' của Ấn Độ, trong năm 2022, New Delhi đã mở rộng khoản hỗ trợ chưa từng có lên tới hơn 3,8 tỷ USD để cải thiện tình hình kinh tế nghiêm trọng" ở quốc gia láng giềng.

Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt nguồn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại đảo quốc Nam Á này.

Giá cả của các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây và hầu hết người dân đang chật vật để trang trải cho các nhu cầu cơ bản của họ.

Ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình đã tiến về thủ đô Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống và dinh thự của Thủ tướng nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống, khiến cả Thủ tướng và Tổng thống nước này đều phải công bố kế hoạch sẽ từ chức.

Mặc dù Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka đã tuyên bố từ chức, song người biểu tình vẫn tiếp tục chiếm dinh thự của tổng thống nước này.

Trong bối cảnh đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ (ICG) đã nâng cao cảnh giác tại khu vực biên giới trên biển với Sri Lanka nhằm ngăn chặn nguy cơ dòng người tị nạn hoặc những nhân tố chống đối New Delhi tràn sang.

Hãng ANI ngày 11/7 đưa tin, ICG đã triển khai tàu đệm khí, máy bay và tàu tuần tra để tăng cường giám sát tại các khu vực trải dài từ bờ biển bang Tamil Nadu tới các địa điểm thuộc bờ biển Kerala. Ngoài ra, nước này còn triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và các khí tài dọc những khu vực khác.

Các hoạt động giám sát được tăng cường ngay sau khi bắt đầu vòng xoáy mới của cuộc khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka - nơi người dân xông vào Phủ Tổng thống và ban lãnh đạo nước này được cho là đã tháo chạy khỏi thủ đô Colombo.

Cùng với các cơ quan trung ương khác, cảnh sát bang duyên hải Tamil Nadu của Ấn Độ cũng được đặt trong tình trạng báo động cao.

Các đơn vị tàu đệm khí vốn được triển khai tại Mandalay của Myanmar sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động giám sát do có thể di chuyển với tốc độ cao trong vùng đầm lầy cũng như vùng nước nông giữa các bờ biển của Ấn Độ và Sri Lanka.

Các máy bay giám sát của ICG cũng đang thực hiện nhiều lượt bay hơn để canh chừng vùng hải giới này.

Cũng theo nguồn tin trên, kể từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng chính trị Sri Lanka, một số người đã tìm cách vượt biên, nhưng số lượng không đáng kể. Gió mùa đã gây ra biển động, đe dọa những người tìm cách vượt biển sang Ấn Độ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng Sri Lanka: Ấn Độ bác tin điều binh, cảnh giác ở biên giới, khẳng định đứng về phía người dân nước láng giềng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO