Khủng hoảng 'người thừa kế' ở Nhật Bản

06/01/2023 23:00

Hàng loạt doanh nghiệp lâu đời, làm ăn có lãi tại Nhật Bản đã phải đóng cửa, nguyên nhân là không tìm được người phù hợp để tiếp quản việc kinh doanh.

nhat ban nguoi thua ke anh 1

Trên đảo Hokkaido, ông Hidekazu Yokoyama đã dành 30 năm tạo dựng một doanh nghiệp logistic luôn ăn nên làm ra. Năm ngoái, Yokoyama quyết định sẽ rút lui, an hưởng cuộc sống hưu trí.

Ở tuổi 73, Yokoyama cảm thấy bản thân đã quá già để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Nhưng bởi có nhiều hộ nông dân phụ thuộc vào doanh nghiệp của ông, Yokoyama không thể đóng cửa doanh nghiệp.

Yokoyama rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi các con của ông tỏ ra không hứng thú với doanh nghiệp gia đình. Các nhân viên của ông cũng từ chối tiếp quản công việc kinh doanh, theo New York Times.

Nguy cơ đóng cửa hàng loạt

Hoàn cảnh của ông Yokoyama phản ánh một trong những tác động kinh tế tồi tệ nhất mà tình trạng già hóa dân số tại Nhật Bản mang tới. Giới chức xứ sở Mặt Trời mọc lo ngại đất nước sẽ hứng chịu làn sóng đóng cửa doanh nghiệp hàng loạt khi các ông chủ đồng loạt đến tuổi về hưu.

Theo Nikkei Asia, Bộ Thương mại Nhật Bản dự báo vào năm 2025, khoảng 630.000 doanh nghiệp Nhật Bản phải đóng cửa dù làm ăn có lãi, làm mất 6,5 triệu việc làm và gây thiệt hại 165 tỷ USD. Giới chức Nhật Bản đang chạy đua vời thời gian để ngăn viễn cảnh thảm họa này xảy ra.

Các cơ quan chính phủ khởi động nhiều chiến dịch quan hệ công chúng nhằm giáo dục cho giới chủ các lựa chọn khả thi để tiếp tục vận hành doanh nghiệp sau khi về hưu. Nhiều trung tâm hỗ trợ kết nối chủ doanh nghiệp với người mua tiềm năng cũng được thành lập.

Nhằm kích thích các nhà đầu tư mua lại những doanh nghiệp bị rao bán, giới chức Nhật Bản thậm chí tung ra những gói trợ cấp và giảm thuế lớn.

nhat ban nguoi thua ke anh 2
Một khu trang trại nuôi bò bị bỏ hoang sau khi doanh nghiệp đóng cửa. Ảnh: New York Times.

Nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức. Theo doanh nhân Tsuneo Watanabe, một trong những khó khăn đã kéo dài nhiều năm là giúp các chủ doanh nghiệp tìm được người kế thừa phù hợp. Ông Watanabe là giám đốc Trung tâm Nihon M&A, chuyên kết nối người mua với các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, hiện ăn nên làm ra.

Xây dựng doanh nghiệp là cả một quá trình lâu dài. Trong quá khứ, chủ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt những người điều hành những doanh nghiệp trong hàng chục, hàng trăm năm, vẫn tin rằng con cháu hoặc những nhân viên lâu năm đáng tin cậy sẽ tiếp quản cơ nghiệp. Họ không muốn bán đi thành quả lao động cả đời cho người lạ, chưa nói tới các đối thủ cạnh tranh.

"Việc sáp nhập hay bán lại không được đánh giá cao. Nhiều người thà đóng cửa công ty còn hơn bán nó đi. Nhận thức có được cải thiện trong vài năm qua, nhưng vẫn còn nhiều chủ doanh nghiệp không biết là họ có thể bán hoặc sáp nhập công ty của mình cho người khác", ông Watanabe nói.

Dù những doanh nghiệp sinh lợi nhiều nhất vân có thể dễ dàng tìm được người mua, việc chuyển giao thành công các công ty nhỏ hơn không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Năm 2021, các trung tâm của chính phủ và 5 công ty cung cấp dịch vụ mua bán - sáp nhập đã môi giới thành công 2.413 vụ mua bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, 44.000 thương vụ không tìm được người mua, trong đó 55% đóng cửa dù vẫn làm ăn có lãi, theo Reuters.

Khó khăn tìm người thừa kế

Với doanh nghiệp của ông Yokoyama, sau khi hỗ trợ của chính phủ cũng không giúp tìm được người mua lại, thương nhân này được gợi ý tìm tới công ty cung cấp dịch vụ mua bán - sáp nhập Relay tại đảo Kyushu.

Nhiệm vụ của Relay trong thương vụ này không hề dễ dàng. Doanh nghiệp của Yokoyama nằm tại thị trấn Monbetsu, dân số tại đây chỉ khoảng 20.000 và đang giảm dần. Với đa phần người Nhật, Monbetsu không khác gì Bắc Cực.

Ngành kinh tế duy nhất tại Monbetsu là đánh cá và chăn nuôi, vốn gần như dừng hoạt động trong thời gian mùa đông.

Vào thời kỳ huy hoàng thập niên 1980, Monbetsu từng tấp nập ngư dân, họ sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để ăn uống, giải trí. Nhưng nay, nhiều cửa hàng, cửa hiệu đã đóng cửa. Tòa nhà lớn nhất còn hoạt động tại Monbetsu là một bệnh viện.

Năm 2001, Monbetsu xây dựng một trường tiểu học mới. Trường này đóng cửa chỉ sau 10 năm vì quá ít học sinh.

nhat ban nguoi thua ke anh 3
Ông Yokoyama và các nhân viên. Ảnh: New York Times.

Trong quá khứ, học sinh tại Monbetsu là con, cháu của các nông dân. Hiện nay, con cháu của thế hệ này phần lớn chuyển tới các thành phố lớn, tìm kiếm những công việc trả lương cao và ít nặng nhọc hơn.

Bởi không có người kế thừa, các trang trại lần lượt đóng cửa. Vài năm qua, lạm phát cao kỷ lục hệ quả từ dịch bệnh và chiến tranh đã khiến hàng chục chủ trang trại nghỉ hưu sớm.

Trong bối cảnh nông dân địa phương đã có tuổi, lợi nhuận giảm, ngày càng nhiều trang trại phụ thuộc vào doanh nghiệp của ông Yokoyama trong các công việc như thu hoạch, dọn tuyết.

Isao Ikeno, quản lý một hợp tác xã sản xuất sữa đã chuyển sang tự động hóa vì thiếu nhân công, nói tình hình sẽ cực kỳ khó khăn nếu doanh nghiệp của Yokoyama đóng cửa.

Tại trang trại của hợp tác xã, 17 lao động phải chăn nuôi 3.000 đầu gia súc. Ngoài công ty của ông Yokoyama, hợp tác xã không có lựa chọn nào khác.

Ông Yokoyama đã lên kế hoạch nghỉ hưu từ 6 năm trước, nhưng vẫn còn đắn đo vì chưa biết tương lai doanh nghiệp của mình sẽ ra sao. Dù đang có khoản nợ 500.000 USD, các chính sách kích thích kinh tế cùng lãi suất thấp giúp doanh nghiệp của Yokoyama thu về lợi nhuận khoảng 30% mỗi năm.

Yokoyama thừa nhận tiếp quản lại doanh nghiệp của ông là điều đầy thử thách, nhưng sẽ không cần có kinh nghiệm. Ông hoan nghênh các ứng viên "trẻ và sẵn sàng lao động".

Người được chọn tiếp quản doanh nghiệp của Yokoyama sẽ gánh khoản nợ 500.000 USD, nhưng đổi lại cũng được thừa hưởng toàn bộ máy móc, thiết bị, cùng hơn 600.000 m2 đất nông nghiệp và đất rừng màu mỡ. Các con của ông Yokoyama sẽ không được để lại bất cứ thứ gì.

Thông qua quảng cáo của Relay, 30 ứng viên đã tìm tới ông Yokoyama, trong số này thanh niên 26 tuổi Kai Fujisawa gây được ấn tượng mạnh nhất. Nhờ tuổi trẻ và nhiệt huyết, Fujisawa được ông Yokoyama lựa chọn.

Nhưng quá trình chuyển giao không hề suôn sẻ. Ông Yokoyama chưa hoàn toàn tin rằng Fujisawa phù hợp với công việc của mình. Các nhân viên trong công ty cũng hoài nghi chàng thanh niên trẻ khó có thể thay thế người chủ cũ.

Đa phần nhân viên trong công ty của ông Yokoyama đã ngoài 50 tuổi. Việc tìm người thay thế các lao động này khi họ về hưu cũng sẽ là một thách thức.

"Có rất nhiều áp lực. Nhưng khi quyết định tới đây, tôi đã chuẩn bị để làm công việc này suốt phần đời còn lại của mình", Fujisawa nói.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/khung-hoang-nguoi-thua-ke-o-nhat-ban-post1391417.html
Copy Link
https://zingnews.vn/khung-hoang-nguoi-thua-ke-o-nhat-ban-post1391417.html
    Bài liên quan
    • Người Nhật Bản đang nghèo đi
      Do dịch COVID-19, ngày càng nhiều người có mức sống khá ở Nhật Bản bị ảnh hưởng, thậm chí đứng trước nguy cơ mất việc.
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Khủng hoảng 'người thừa kế' ở Nhật Bản
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO