Khủng hoảng khí hậu tràn vào cửa ngõ châu Âu

21/05/2023 07:17

Chuyên gia nhận định trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 100 năm qua tại Italy là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu không còn là viễn cảnh xa vời, mà đã ở “cửa ngõ” châu Âu.

bien doi khi hau anh 1

Tuần này, một phần vùng Emilia-Romagna phía bắc Italy đã hứng chịu 50% lượng mưa trung bình hàng năm chỉ trong 36 giờ. Trong thời gian này, khu vực nhận lượng mưa trung bình 200 mm, có nơi tới ít nhất 500 mm, Guardian đưa tin.

Các con sông vỡ bờ và hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp bị nhấn chìm. Tính tới tối 20/5, ước tính có khoảng 20.000 người mất nhà cửa và 13 người thiệt mạng.

Trận mưa lũ này là thảm họa thời tiết mới nhất tấn công Italy. 6 tháng trước, 12 người trên hòn đảo Ischia phía nam qua đời sau một trận lở đất do mưa lớn. Tháng 9 năm ngoái, 11 người thiệt mạng do lũ quét ở khu vực miền Trung Marche.

Tháng 7/2022, giữa đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất Italy trong ít nhất 7 thập niên, trận lở băng tuyết ở dãy núi Alps của Italy đã giết chết 11 người.

Có thể thấy, bão, tuyết lở, lũ lụt và hạn hán đã giáng xuống Italy trong suốt năm qua, biến những thảm họa đặc biệt trở thành phần quen thuộc của cuộc sống, khiến chính phủ loay hoay tìm câu trả lời.

“Biến đổi khí hậu hiện diện ngay tại đây và chúng ta đang gánh chịu hậu quả. Đó không còn là viễn cảnh xa vời mà là điều bình thường mới”, Paola Pino d'Astore - chuyên gia tại Hiệp hội Địa chất Môi trường Italy (SIGEA) - cho biết.

Điều bình thường mới

Theo các chuyên gia, vị trí địa lý khiến Italy đặc biệt dễ bị tổn thương trước các thảm họa khí hậu. Địa chất đa dạng khiến nước này dễ bị lũ lụt và sạt lở đất, trong khi vùng biển ấm lên nhanh chóng ở cả hai bên khiến Italy bị ảnh hưởng bởi những cơn bão ngày càng mạnh, trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao.

Nhóm nông dân quốc gia Coldiretti cho biết số lượng sự kiện thời tiết khắc nghiệt được ghi nhận vào mùa hè năm ngoái - như lốc xoáy, mưa đá và sét đánh - cao hơn gấp 5 lần so với con số ghi nhận cách đây một thập niên.

Giống nhiều nơi trên thế giới cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu, nông dân là đối tượng hứng chịu hậu quả nhiều nhất: Đợt hạn hán năm ngoái khiến năng suất cây trồng giảm tới 45%.

bien doi khi hau anh 2
Italy vừa trải qua trận lũ lụt được đánh giá là tồi tệ nhất trong 100 năm qua. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nhiều năm xây dựng không kiểm soát và nông nghiệp quy mô công nghiệp đã làm trầm trọng thêm mối đe dọa khí hậu. Nhóm môi trường WWF Italy cho biết việc loại bỏ các khu rừng và thảm thực vật dọc theo bờ sông ở Emilia-Romagna đã khiến thảm họa trong tuần này có hậu quả nghiêm trọng hơn.

Bất chấp các thảm họa thời tiết khắc nghiệt diễn ra ngày càng thường xuyên, giới hoạch định chính sách Italy chỉ mới bắt đầu can thiệp. Bộ Môi trường Italy công bố kế hoạch quốc gia đầu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 12/2022 sau gần 4 năm trì hoãn.

Nhiều người chỉ trích kế hoạch này thiếu vốn và cáo buộc chính phủ cản trở nỗ lực của EU nhằm giảm lượng khí thải carbon, Reuters đưa tin.

Những phát hiện “đáng sợ”

Cho đến nay, “tiền tuyến” cuộc khủng hoảng khí hậu chủ yếu vẫn nằm ở phía nam bán cầu, khiến nhiều ý kiến cho rằng nhóm ít trách nhiệm nhất trong cuộc khủng hoảng khí hậu lại đối mặt với những tác động tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, với Italy bây giờ, và có lẽ sắp tới là phần còn lại của châu Âu, thảm họa đang “đứng trước cổng”, theo tác giả Damien Gayle của Guardian.

Trên khắp châu Âu, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên, thời tiết cũng khắc nghiệt hơn. Những năm hạn hán liên tiếp ảnh hưởng đến nông dân ở Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp, trong khi năm ngoái lục địa chứng kiến những đợt nắng nóng chưa từng có.

Guardian dẫn báo cáo từ Copernicus Climate Change Service (C3S) cho biết những đợt nắng nóng lan rộng đã khiến châu Âu phải hứng chịu mùa hè nóng nhất được ghi nhận vào năm 2022. Hiện tượng này gần như không thể xảy ra nếu Trái Đất không nóng lên.

Ở Anh, lần đầu tiên nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Tháng 8/2022, một trạm thời tiết gần Syracuse trên đảo phía nam Sicily ghi nhận 48,8 độ C. Đây được cho là nhiệt độ cao nhất từng đo được ở châu Âu.

Người dân ở Nam Âu trải qua 70-100 ngày nắng nóng, trong đó nhiệt độ ít nhất là 32 độ C, do gió và các yếu tố khác. Nam Âu trải qua số ngày kỷ lục “căng thẳng nhiệt rất cao” (từ 38-46 độ C), trong khi số ngày hè với nhiệt độ “cao” (32-38 độ) hoặc “rất cao” gia tăng khắp lục địa, theo AP.

Căng thẳng nhiệt ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trên toàn thế giới, khi có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe, như phát ban, mất nước hoặc say nắng.

bien doi khi hau anh 3
Biến đổi khí hậu không chỉ thể hiện ở nhiệt độ trung bình tăng, mà còn thúc đẩy các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu không chỉ thể hiện khiến nhiệt độ trung bình tăng cao, mà còn làm cho các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác cũng xuất hiện thường xuyên hơn, El Pais nhận định.

Báo cáo tiết lộ nắng nóng cộng lượng mưa thấp gây hạn hán, ảnh hưởng đến hơn 1/3 lục địa vào lúc đỉnh điểm, khiến 2022 trở thành năm khô hạn nhất. Dòng chảy ở gần 2/3 con sông của châu Âu thấp hơn mức trung bình.

Nhiệt độ cao đồng nghĩa lượng khí thải carbon từ các vụ cháy rừng vào mùa hè cao nhất trong 15 năm, trong khi dãy núi Alps ở châu Âu mất đi lượng băng kỷ lục từ các sông băng.

Nhìn chung, châu Âu trải qua năm nóng thứ hai từng được ghi nhận, với nhiệt độ tăng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu và nhanh hơn mọi lục địa khác. Trong khi thế giới đang vật lộn giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C, trong 5 năm qua, nhiệt độ trung bình ở châu Âu đã cao hơn 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tây Ban Nha nổi lên như một trong những “điểm đen” về hạn hán. Theo Samantha Burgess - Phó giám đốc C3S, nước này dự kiến chứng kiến tình trạng thiếu nước.

Vị chuyên gia tin “có khả năng” Tây Ban Nha sẽ xảy ra vấn đề về nguồn nước vào mùa hè nếu tình hình không thay đổi. Bà Burgess cho biết thêm tình trạng khô hạn dự kiến kéo dài ở miền Nam châu Âu vào mùa xuân và mùa hè, khiến giảm sản xuất nông nghiệp và nhiều vấn đề khác.

“Tôi phải nói những phát hiện này thật đáng sợ, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải biết sự thật”, Mauro Facchini - người đứng đầu bộ phận quan sát Trái Đất tại Ủy ban châu Âu - cho biết. “Ngày càng có nhiều sự kiện cực đoan xảy ra ở châu Âu. Mỗi người trong chúng ta đều có thể chứng kiến ​​điều đó”.

Trận lũ lụt thảm khốc nhất Italy trong 100 năm qua Người già và người khuyết tật mắc kẹt trong nhà, giữa lúc lực lượng cứu hộ nỗ lực suốt đêm giải cứu những người còn mắc kẹt trong trận lũ lụt tồi tệ nhất Italy trong 100 năm qua.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng khí hậu tràn vào cửa ngõ châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO