Khủng hoảng Kazakhstan lộ rõ cạnh tranh chiến lược Nga - Trung ở Trung Á

Thanh Thành| 12/01/2022 20:32

Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào khu vực Trung Á ngày càng phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Nga.

Khủng hoảng Kazakhstan lộ rõ cạnh tranh chiến lược Nga - Trung ở Trung Á - 1

Các phương tiện quân sự của Nga đến Kazakhstan chờ được đưa lên máy bay tại một sân bay ở Nga hôm 7/1 (Ảnh: AP).

Theo Wall Street Journal (WSJ), trong nhiều năm, Nga và Trung Quốc dường như đã có sự "phân công ngầm" ở khu vực Trung Á, nơi cả hai đều coi là sân sau chiến lược: Moscow giám sát an ninh, trong khi Bắc Kinh giúp phát triển nền kinh tế khu vực.

Cuộc bạo loạn trong tháng này ở Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Á, đã tái khẳng định rằng, ưu thế an ninh của Moscow vẫn không thể tranh cãi bất chấp sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm mở rộng dấu ấn an ninh của riêng mình.

Nga đã điều hàng nghìn binh sĩ tới Kazakhstan theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev vào ngày 5/1. Mãi đến ngày 10/1, Trung Quốc mới đề nghị hỗ trợ an ninh, trong một cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu của Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi. Đến lúc đó, mọi việc đã được kiểm soát, và đất nước Kazakhstan đã không còn rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào Kazakhstan và phần còn lại của Trung Á, hầu hết vào lĩnh vực dầu khí và khoáng sản, trong thập niên qua.

Khu vực này rất quan trọng đối với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh: trong chuyến thăm tới Kazakhstan vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố dự án được xem là tiền thân của sáng kiến Vành đai, con đường. Trong tất cả các nhà lãnh đạo Trung Á, Tổng thống Tokayev có mối quan hệ cá nhân thân thiết nhất với Trung Quốc: là một người thông thạo tiếng Quan thoại, bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là nhà ngoại giao Liên Xô tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hiện tại, ít nhất là Trung Quốc không có khả năng quân sự hoặc tình báo để bảo vệ các đồng minh trong khu vực tại thời điểm họ cần. Alexander Gabuev, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết: "Trung Quốc thiếu các loại công cụ cần thiết như Nga, chẳng hạn như các binh sĩ quân đội có thể hiểu được tiếng nói của người dân địa phương Kazakhstan và sự sẵn sàng giúp đỡ ngay lập tức".

Tuy nhiên, việc triển khai quân đội một cách công khai của Nga ở Kazakhstan cũng làm nổi bật những rủi ro mới đối với Bắc Kinh và có thể thúc đẩy Trung Quốc cạnh tranh với Nga trong các vấn đề an ninh khu vực trong những năm tới, Dean Cheng, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Di sản cho biết.

"Trung Quốc chắc chắn sẽ phải bắt đầu đánh giá lại tính dễ bị tổn thương trong các khoản đầu tư kinh tế. Trước đây, họ nắm giữ những con át chủ bài kinh tế và có thể kiểm soát và khiến chính quyền địa phương ủng hộ. Giờ đây, họ phải suy nghĩ về một thành phần an ninh có thể ảnh hưởng đến điều đó: các khoản đầu tư của Trung Quốc hiện đang hoạt động theo niềm vui của các lực lượng quân sự Nga", ông Cheng nói thêm.

Theo WSJ, hỗ trợ an ninh của Bắc Kinh cho Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác có thể sẽ bị giới hạn trong các lĩnh vực mà Trung Quốc vượt trội trên sân nhà, chẳng hạn như công nghệ giám sát, hệ thống nhận dạng khuôn mặt và thiết bị kiểm soát thông tin liên lạc có thể đối phó các cuộc biểu tình trong tương lai.

"Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Kazakhstan để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh, tăng cường hợp tác song phương chống lại sự can thiệp từ bên ngoài, giữ vững hệ thống chính trị của hai nước và an ninh quyền lực chính trị, ngăn chặn mọi nỗ lực xúi giục của các cuộc cách mạng màu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố hôm 10/1.

Kazakhstan và các quốc gia Trung Á nhỏ hơn như Kyrgyzstan và Tajikistan, cùng với Nga, Belarus và Armenia tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), lực lượng do Nga dẫn đầu đưa quân đến giúp Kazakhstan dẹp yên bạo loạn.

Một tổ chức khác trong khu vực - Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - cũng bao gồm các quốc gia Trung Á, Nga và Trung Quốc, nhưng không có khuôn khổ quân sự tương tự CSTO, mặc dù các thành viên của tổ chức này trao đổi thông tin tình báo và đào tạo chung về chống khủng bố.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai Cảnh sát Vũ trang Nhân dân tới các vùng xa xôi của Tajikistan, nơi kết nối Afghanistan với khu vực phía tây Tân Cương của nước này, và đã tăng cường cung cấp vũ khí cho một số quốc gia Trung Á. Nga hiện diện quân sự lớn hơn ở Tajikistan, đặc biệt kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul vào tháng 8/2021, và cũng duy trì quân đội ở Kyrgyzstan.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/khung-hoang-kazakhstan-lo-ro-canh-tranh-chien-luoc-nga-trung-o-trung-a-20220112202324899.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-gioi/khung-hoang-kazakhstan-lo-ro-canh-tranh-chien-luoc-nga-trung-o-trung-a-20220112202324899.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng Kazakhstan lộ rõ cạnh tranh chiến lược Nga - Trung ở Trung Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO