Khách hàng bắt đầu la hét với Khalil Mohamed, 25 tuổi, nhân viên cửa hàng làm bánh. “Bạn nên chứng kiến cảnh đó, giống như một cuộc khủng hoảng đói vậy”, Mohamed nói với Wall Street Journal.
Ai Cập, quốc gia nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, chịu ảnh hưởng đáng kể từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina, khiến nguồn cung từ hai quốc gia này bị gián đoạn. Nga và Ukraina đáp ứng hơn 80% lượng lúa mì nhập khẩu của Ai Cập.
Nguy cơ thiếu bánh mì đang là một trong những thách thức an ninh cấp bách nhất chính phủ Ai Cập phải đối mặt kể từ sau cuộc đảo chính năm 2013, đưa Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi lên nắm quyền. Ai Cập phải tìm đến các nguồn cung thay thế, từ Paraguay cho đến Ấn Độ. Cairo cũng kêu gọi nông dân thu hoạch lúa mì sớm hơn, đặt mục tiêu mua thêm 57% ngũ cốc trong nước so với năm ngoái.
Ai Cập còn tìm kiếm các khoản vay và đầu tư hàng tỉ USD từ các quốc gia láng giềng và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để chi trả cho các dịch vụ xã hội như chương trình trợ giá bánh mì, giúp cung cấp bánh mì baladi và nhiều hàng thiết yếu khác gần như miễn phí cho 72 triệu người trong tổng dân số 103 triệu người.
Nhà chức trách thiết lập giá trần đối với bánh mì baladi và bánh mì fino không trợ giá. Bánh mì baladi, dạng dẹt, và bánh mì fino, dạng cuộn dài, là những món ăn phổ biến với tầng lớp lao động Ai Cập.
Các biện pháp trên đang bóp nghẹt các khu chợ trời – nơi nhiều người mua sắm hàng cơ bản. Những người bán bánh mì nói các cửa hàng bánh đang bán giá cao hơn, trong khi chính phủ Ai Cập không cho phép họ chuyển chi phí sang khách hàng. Các cửa hàng bánh lại đang phải trả nhiều tiền hơn cho bột mì và đường, đôi khi sản xuất ít bánh mì hơn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt.
“Chúng tôi đang chịu nhiều áp lực”, Mahmoud Mamdouh, 35 tuổi, bán bánh quy và bánh mì fino không trợ giá, chia sẻ.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, các quốc gia từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Indonesia, từ Somalia cho đến Lebanon, đều gấp rút đi tìm nguồn cung mới và đối phó tình trạng tăng giá. Thách thức là đặc biệt lớn với Ai Cập, quốc gia đông dân nhất Trung Đông, nơi nền kinh tế đã bấp bênh từ trước.
Tháng 3, Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) cho phép nội tệ bảng Ai Cập (EGP) mất giá 14% so với USD, mở đường đàm phán với IMF về các khoản vay mới. CBE đã nhận 5 tỉ USD từ Arab Saudi để bổ sung vào dự trữ tiền tệ. Nhà chức trách Ai Cập ngày 19.5 tăng lãi suất 2% nhằm đối phó với lạm phát cao nhất gần 3 năm.
Bánh mỳ là một phần trong khế ước xã hội ở Ai Cập với chính phủ cung cấp thực phẩm, xăng và điện giá phải chăng. Người Ai Cập tiêu thụ bánh mì nhiều nhất thế giới, trung bình gần 150 kg mỗi năm, gần gấp 3 toàn cầu.
Giá bánh mỳ tăng sẽ tác động mạnh tại quốc gia có khoảng 30% dân số sống với mức chi chưa đến 2 USD/ngày. Mỗi ổ bánh mì baladi hiện có giá khoảng 7 cent, so với khi được trợ giá chưa đến 1 cent.
Với chính phủ Ai Cập, chi phí để giữ giá bánh mì cùng nhiều thực phẩm khác ở mức rẻ gần đây tăng đáng kể, ước tính mất 90 tỉ EGP (4,9 tỉ USD) cho năm tài khóa 2023, tăng so với mức 87 tỉ EGP năm trước đó.
Sau khi nắm quyền, Tổng thống al-Sisi tìm cách củng cố kinh tế làm nền tảng trợ giá bánh mì, biến Ai Cập thành quốc gia xuất khẩu khí đốt và đầu tư vào hạ tầng, vận tải. Theo các điều kiện để nhận hàng tỉ USD hỗ trợ từ IMF từ năm 2016, Ai Cập thu hồi một phần trợ giá thực phẩm và năng lượng nhưng vẫn giữ nguyên trợ giá bánh mì. Nước này ngày càng khó thay đổi hơn nữa, ngoài giảm kích thước ổ bánh.
Ai Cập cũng có ít lựa chọn để có thêm lúa mì. Khoảng 98% diện tích Ai Cập là sa mạc và việc tiếp cận nguồn nước cũng khó khăn. Nhà chức trách Ai Cập từ chối những lời kêu gọi chuyển sang các loại ngũ cốc khác như lúa miến, lúa mạch – cần ít nước hơn – bởi vì lúa mì quá phổ biến.
Tháng 8.2021, ông al-Sisi đề cập ý tưởng nâng giá bánh mì trợ cấp, lần đầu tiên kể từ sau cuộc bạo loạn bánh mỳ năm 1977.
Trên mạng xã hội, người dân Ai Cập phản đối ý tưởng này, người ủng hộ ông Sisi cũng cho rằng bánh mì là “lằn ranh đỏ” không nên chạm vào. Nghị sĩ quốc hội Freddy Al-Bayadi còn viết thư ngỏ gửi ông Sisi, đề nghị xem xét lại vấn đề.
“Ổ bánh mì không chỉ là thức ăn mà còn là vấn đề an ninh quốc gia”, ông al-Bayadi viết. “Đó là bữa ăn chính, và có thể là lựa chọn duy nhất của hàng triệu người”.
Năm nay, Tổng thống al-Sisi vẫn chưa đề cập gì về ý định với bánh mì trợ giá.