Khu vườn rộng 50.000m2 của vợ chồng chị Trần Thị Nga nằm ở làng Huỳnh Cung, (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), cách bán đảo Linh Đàm 900m. Vườn được xây dựng, cải tạo và phát triển từ năm 2013.
Sau gần 10 năm, đến nay khu vườn sở hữu thảm thực vật phong phú, quý hiếm với hơn 2000 loài hoa độc đáo khoe sắc. Suốt 4 mùa trong năm, mùa nào cũng có hoa nở rực rỡ.
Chị Nga chia sẻ, chồng chị là nghệ nhân bonsai Đào Mạnh Hùng. Khu vườn trước đây là cánh đồng làng Huỳnh Cung. Khi các nhà máy, xí nghiệp xung quanh mọc lên như nấm, cánh đồng trở thành vùng trũng, người dân khó canh tác.
Vợ chồng chị Nga quyết định thuê lại đất ruộng của 100 hộ dân, kết hợp phần đất của gia đình, phát triển thành công viên hoa rộng 50.000m2.
Để trồng được cây trên mảnh đất cằn, vợ chồng chị vất vả nghiên cứu, bổ sung dinh dưỡng cho đất.
Người phụ nữ này chia sẻ, đầu tiên chị cải tạo môi trường khu vực. Vì đây là điểm nóng ô nhiễm của phía nam Hà Nội.
Khó khăn nhất là cải tạo khu vực trũng. Sau mỗi trận mưa cây cối bị ngập úng, chết khá nhiều.
Trong vườn hiện có nhiều bonsai được trưng bày riêng 1 khu. Ngoài ra, chị chia vườn thành các bộ sưu tập khác nhau.
Bộ sưu tập 270 loài hoa hồng được nhiệt đới hóa đã đăng ký bản quyền. Chị Nga nhập hoa hồng về, giúp thích nghi khí hậu bằng phương pháp trồng trọt tiên tiến, đặt tên hoa Việt hóa sau đó nhân giống và phát triển.
"Nhiều giống hiếm, vợ chồng tôi săn lùng, tìm kiếm bên nước ngoài hàng tháng trời mới mang được một vài mầm cây nhỏ", chị Nga kể.
Sau khi mang về, nếu không cẩn thận, mầm cây chết, toàn bộ chuyến đi thành công cốc.
Nhiều khách tìm đến chơi, muốn nghiên cứu cách chăm sóc cây, chị và ông xã tận tình chỉ dẫn. Thi thoảng, chị còn làm clip hướng dẫn chăm sóc cây, hoa, chia sẻ với mọi người.
Ngoài ra, vợ chồng chị quy hoạch bộ sưu tập cây leo rủ như: Cây huyết rồng, hoa thiên hài, móng cọp vàng, móng cọp xanh…
Hay nho thân gỗ nhập từ Brazil, vị giống rượu vang đỏ đang vào mùa chín rộ.
Chủ nhân khu vườn cố gắng khai thác các giống cây quý, độc đáo. Điển hình là 500 - 600 gốc cúc, với nhiều giống cúc cổ Việt Nam như hồng tú kiều, bạch lệ mi, cúc trà, cúc rượu…
Mục đích của vợ chồng chị Nga là giữ gìn, bảo tồn các giống cúc quý hiếm của Việt Nam.
Đầu năm 2021, chị tổ chức triển lãm hoa cúc cổ, cúc quý với mong muốn mượn nghệ thuật để khơi dậy nét truyền thống của văn hóa Việt.
Đặc biệt, ngôi làng Huỳnh Cung có nghề rượu truyền thống tiến vua được nấu từ hoa cúc nên giống hoa này gọi là cúc tửu. Hiện bộ nấu rượu vẫn đang trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.
Chị chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, trồng cây theo hướng an toàn sinh học, giúp cây sinh trưởng tốt, thân thiện với môi trường.
Nữ chủ nhân cho biết thêm, đây là khu vực đất xấu, bạc màu. Để có được thảm thực vật đa dạng, sinh trưởng tốt như hiện nay, chị dày công cải tạo. Nếu sử dụng phân bón hóa học, chất hóa học như: Thuốc diệt cỏ, phun thuốc sâu... sẽ khiến đất ngày càng ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến môi trường sống.
Chị Nga chia sẻ thêm, mất nhiều năm chị mới có thể sưu tập được bộ sưu tập hoa hồng - hoa cúc và rất nhiều loài thực vật cảnh khác nhau.
"Tôi vốn là người yêu hoa, khi lấy chồng, ông xã là người đam mê cây cảnh. Vì vậy, tình yêu đó càng được vun đắp và phát triển. Khu vườn này là tâm huyết của vợ chồng tôi. Thi thoảng, các trường đưa học sinh xuống tìm hiểu về thực vật, tôi cảm thấy vui vì công sức của mình bao năm qua không bị hoài phí", chị Nga tâm sự.
Tuy quanh năm cuộc sống gắn liền với đất và cây nhưng chị thừa nhận, bản thân rất nhẹ nhõm, an nhiên.
"Mỗi sáng thức dậy, nghe tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng vườn cây rì rào đón gió thì lại là một ngày cảm thấy cuộc sống đáng trân quý", chị nói.