Dân cùng cực sau "công trình ánh sáng"
Dự án Thủy điện Đăk Đrinh được khởi công từ tháng 9/2009. Nhà máy có công suất 125MW, nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) làm chủ đầu tư.
Khi triển khai đã có 192 hộ với 843 khẩu ở xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) nhường đất để thực hiện dự án. Nhằm đưa người dân ra khỏi vùng lòng hồ, tránh nguy hiểm mùa mưa lũ, dự án đã xây dựng 192 căn nhà tái định cư cùng hệ thống đường, điện…
Khu tái định cư được đầu tư xây dựng kiên cố nhưng bị bỏ hoang suốt gần 10 năm qua. Ban đầu cũng có một số căn nhà đón người dân về ở trong một thời gian ngắn, rồi chịu cảnh hoang hóa, dẫn tới hàng chục căn nhà bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây ra sự lãng phí rất lớn.
Theo thống kê của UBND xã Đắk Nên, trong tổng số 192 căn nhà tái định cư của dự án thủy điện Đắk Đrinh, có trên 50 căn bị bỏ hoang. Nhiều căn nhà có người dân đến ở nhưng không thường xuyên, bà con thường ở trong nhà rẫy (vị trí làng cũ trước khi di dời), cách khu tái định cư khoảng 10km.
Gia đình anh A Hương (thôn Tu Rét, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) có 5 thửa đất rẫy và 3 thửa đất ruộng để sản xuất với tổng diện tích 4,4ha. Năm 2013, vì tiến độ thi công gấp rút của Dự án thủy điện Đăk Đrinh nên toàn bộ diện tích của gia đình anh Hương bị thu hồi với số tiền đền bù 565 triệu đồng. Trong số tổng giá trị bồi thường được phê duyệt, anh Hương chỉ mới nhận được một triệu đồng tiền khai hoang 3 thửa đất lúa. Số tiền còn lại đã gần 10 năm nay gia đình anh vẫn từng ngày ngóng đợi trong vô vọng.
Khu tái định cư mà anh A Hương về ở nằm ở vùng trũng, bốn bề là núi cao nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Vì thiếu đất sản xuất và vốn làm kinh tế nên gia đình anh phải quay trở về làng cũ để canh tác, sinh sống.
"Thủy điện còn nợ trên 500 triệu đồng, bây giờ gia đình mong muốn nhà nước trả sớm để làm kinh tế, nuôi con cái học hành. Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng tìm những vị trí đất thuận lợi để bà con canh tác, ổn định ở vùng tái định cư", anh A Hương mong mỏi.
Anh A Hrum - Trưởng thôn Tu Rét - cho biết trong thôn có 36 hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng khu tái định cư. Đến nay chỉ có 14 hộ được nhận một phần tiền đền bù hỗ trợ, còn lại hầu hết là chưa được nhận. Hộ nhiều nhất chưa nhận 500-600 triệu đồng, hộ ít nhất là 50 triệu đồng.
Kiến nghị đến bao giờ?
Trưởng thôn Tu Rét cho biết: "Do chưa được thủy điện chi trả tiền đền bù, đất đai sản xuất thiếu thốn, các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần không được giải quyết. Để tồn tại giữa vùng rừng núi, người dân đã quay trở về làng cũ sinh sống. Người dân quay trở về làng cũng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi mùa lũ lụt đang cận kề, giao thông đi lại khó khăn".
Tại buổi thông tin về tình hình kinh tế - xã hội huyện Kon Plông mới đây, ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, UBND huyện Kon Plông đã có báo cáo số 522/BC-UBND về việc chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh.
Trong đó, UBND huyện Kon Plông kiến nghị, số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 27,8 tỷ đồng gồm: hỗ trợ đất và tài sản trên đất các khu tái định cư. Khoản chi phí này không thuộc khoản chi phí bồi thường hỗ trợ tăng thêm 33,286 tỷ đồng. Qua đó, huyện đề nghị chủ đầu tư dự án sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống.
"Về nội dung liên quan đến việc phát sinh thêm về kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định canh, tái định cư khoảng 33,268 tỷ đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủy điện Đăk Đrinh tại địa bàn huyện, UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo đề xuất trình Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành Trung ương có liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, theo quy định pháp luật", ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - thông tin.
Văn phòng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và đơn vị chủ đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh rà soát, kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật.
Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Kon Plông và chủ đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh triển khai thực hiện theo quy định.