Khu giàu có bậc nhất ở Hàn, nơi ai cũng ao ước được định cư

11/02/2023 19:48

Gangnam được coi là thánh địa của hàng hiệu xa xỉ, nhà hàng thời thượng và phẫu thuật thẩm mỹ. Mọi xu hướng lớn nhất ở Hàn Quốc đều bắt đầu từ đây.

Khu nha giau Han Quoc anh 1

Gangnam, khu phố sang trọng từng là bối cảnh của siêu hit Gangnam Style (2012), có đầy đủ yếu tố để chiếm được tình cảm của người dân địa phương và khách du lịch.

“Gangnam” có nghĩa là phía nam của dòng sông, đề cập đến 3 quận ở Seoul kế bên sông Hàn: Gangnam, Seocho và Songpa.

Cư dân trong toàn bộ khu vực Gangnam thường được đặc trưng là xuất thân từ gia đình giàu có hoặc những người lao động chăm chỉ với công việc chuyên môn.

Do vậy, sống ở Gangnam được coi là thước đo cho sự thành công về tài chính của một cá nhân, theo Korea JoongAng Daily.

Trong số tất cả hộ gia đình ở Seoul có thu nhập hàng tháng trên 8 triệu won (6.400 USD), 33,2% ở quận Gangnam và 27,9% ở quận Seocho, theo báo cáo được thành phố Seoul công bố tháng 6/2022. Quận Songpa đứng ở vị trí thứ 5 với 23,8%.

Nhiều ngôi sao thể thao, người nổi tiếng và nhà lập pháp đang hoặc từng là cư dân của khu vực này, bao gồm cả Tổng thống Yoon Suk Yeol, trước khi ông chuyển vào văn phòng tổng thống ở quận Yongsan.

Nhưng Gangnam không phải luôn hoa lệ như vậy. Chỉ trong vài thập kỷ qua, khu vực này mới bắt đầu tạo dựng được danh tiếng như ngày nay.

Vì sao mọi người ao ước sống ở Gangnam?

Gangnam có tất cả đặc điểm mà một khu phố cần để thu hút mọi người như công việc tốt, giao thông, giáo dục và môi trường xung quanh.

Trong số 848.552 công ty ở Seoul, 14% ở Gangnam, theo Dịch vụ Thông tin Thống kê Hàn Quốc.

Một số công ty lớn có trụ sở tại 3 quận bao gồm Hyundai Motor, GS Caltex, NCSoft và nhà điều hành sàn giao dịch tiền điện tử Upbit Dunamu.

Gangnam cũng là địa điểm phổ biến đối với các công ty khởi nghiệp khi muốn xây dựng mạng lưới và tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng trong khu vực.

“Rất nhiều startup mở văn phòng ở Gangnam, đặc biệt là trên phố Teheran vì có thể dễ dàng kết nối và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng. Rất nhiều tổ chức cung cấp chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thành lập cũng có trụ sở tại Gangnam”, Kaia Cha, quản lý của Startup Alliance, cho biết.

Ngay cả đối với người không đi làm, Gangnam vẫn là nơi hấp dẫn để sống, đặc biệt là những ai đang nuôi con nhỏ.

Nơi này tọa lạc một số trường học danh tiếng nhất Hàn Quốc và có điểm nóng giáo dục nổi tiếng Daechi-dong.

Daechi-dong là trung tâm giáo dục tư nhân với hơn 900 hagwon (cơ sở luyện thi tư nhân) chen chúc trong vài dãy nhà. Con số này gấp 4 lần so với quận Nowon, phía bắc Seoul, nơi có con đường hagwon lớn thứ 2 của thành phố.

Khu nha giau Han Quoc anh 2
Học sinh tranh nhau suất đăng ký vào các cơ sở luyện thi tư nhân ở Daechi-dong tại quận Gangnam, phía nam Seoul. Ảnh: Yonhap.

Để được nhận vào hagwon nổi tiếng, học sinh phải đợi hàng tháng trời chỉ để làm bài kiểm tra xếp lớp. Một số phụ huynh xếp hàng đợi hàng giờ từ sáng sớm chỉ để đăng ký lớp học do các giáo viên hagwon nổi tiếng đứng lớp.

Trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, học sinh trên toàn quốc đổ xô đến khu vực lân cận để theo học ở hagwon, tạo ra nhu cầu ổn định đối với các căn hộ chung cư gần đó.

Trong số tất cả học sinh được nhận vào Đại học Quốc gia Seoul (SNU) năm 2022, trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc, 11,9% tốt nghiệp các trường trung học ở quận Gangnam và Seocho.

Cơn sốt giáo dục này được phản ánh trong giá nhà đất.

Giá của căn hộ khoảng 110 m2 tại khu Eunma Town ở Daechi-dong tăng 170% trong thập kỷ qua tính đến tháng 1. Trong khi đó, giá jeonse (tiền đặt cọc một lần) tăng 68%, theo nhà cung cấp thông tin căn hộ HogangNoNo.

Các đơn vị nhà ở 44 năm tuổi được bán với giá 2,82 tỷ won (2,24 triệu USD) vào lúc cao điểm tháng 11/2021.

Trong cùng thời kỳ, giá bán căn hộ trung bình trên m2 toàn quốc tăng 96%, giá jeonse trung bình tăng 86%, theo KB Land.

Gangnam còn nổi tiếng vì điều gì nữa?

Ngoài giáo dục, Gangnam còn nổi tiếng về mua sắm xa xỉ.

Cheongdam-dong ở quận Gangnam có những con phố mua sắm sang trọng, tràn ngập cửa hàng của thương hiệu cao cấp toàn cầu như Chanel, Louis Vuitton, Gucci và Dior.

Các cửa hàng bách hóa ở Gangnam cũng có nhiều thương hiệu cao cấp hơn.

Chất lượng của cửa hàng bách hóa thường được đánh giá bằng việc có bán 3 thương hiệu hàng đầu Hermes, Louis Vuitton và Chanel hay không.

Trong số 7 cửa hàng bách hóa tại xứ kim chi có cả 3 thương hiệu, 4 cửa hàng nằm ở Gangnam.

Đương nhiên, các cửa hàng bách hóa ở Gangnam có doanh thu cao nhất.

Năm ngoái, chi nhánh Gangnam của Shinsegae Department Store ở quận Seocho báo cáo doanh thu 2.840 tỷ won, tiếp theo là chi nhánh Jamsil của Lotte Department Store ở quận Songpa với 2.600 tỷ won.

Danh tiếng của các cửa hàng bách hóa thu hút khách hàng từ bên ngoài Gangnam. Dễ dàng tiếp cận là yếu tố khác thu hút nhiều người mua sắm đến đây.

Khu nha giau Han Quoc anh 3
Cửa hàng bách hóa Galleria Luxury Hall West ở Apgujeong-dong, quận Gangnam, phía nam Seoul. Ảnh: Gangnam-Gu Office.

Gangnam cũng được biết đến với số lượng lớn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là ở Sinsa-dong.

Ga tàu điện ngầm Sinsa tràn ngập quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ, xe buýt cũng được dán quảng cáo cho các cơ sở làm đẹp.

Không có gì lạ khi bắt gặp những người có khuôn mặt quấn băng do dao kéo đi trên đường phố.

Theo Dịch vụ Thuế Quốc gia, 470 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được đăng ký tại Gangnam vào năm 2017, tức hơn 30% tổng số cơ sở trong cả nước.

Có phải Gangnam luôn nổi tiếng?

Danh tiếng hiện tại của Gangnam không thực sự có từ quá lâu. Sự phát triển của khu vực bắt đầu vào những năm 1960 dưới thời tổng thống Park Chung Hee.

Trước khi phát triển, đây là vùng đất nông nghiệp với rất nhiều ruộng dâu.

Gangnam từ lâu đã bị loại khỏi các kế hoạch phát triển vì vùng đất thấp và đầm lầy khiến việc xây dựng gặp nhiều khó khăn. Các đặc điểm địa lý vẫn khiến khu vực này dễ bị lũ lụt.

Trở lại những năm 1960, Gangbuk, hoặc các khu vực phía bắc sông Hàn, nổi tiếng hơn so với Gangnam. Hầu hết cửa hàng bách hóa và trường học danh tiếng đều nằm ở Gangbuk, nơi phần lớn dân cư rất giàu có.

Gangnam vào thời điểm đó chỉ là “ngôi làng hẻo lánh và yên bình với vài ngôi nhà tranh tồi tàn nằm dưới chân đồi”, theo Son Jeong-mok, cựu Giám đốc Cục Quy hoạch Đô thị của Chính quyền thành phố Seoul, trong cuộc phỏng vấn với JoongAng Ilbo năm 2014.

Thậm chí hai thập kỷ sau khi bắt đầu phát triển, Gangnam vẫn giống như vùng nông thôn.

“Gangnam chỉ toàn đất nông nghiệp khi chúng tôi chuyển đến. Tôi nhìn thấy những con bò đang cày ruộng và ngửi được mùi phân bón. Môi trường hơi đáng sợ vì tất cả xung quanh đều là ruộng và núi”, một cư dân quận Gangnam chuyển đến thành phố năm 1982 từ Gangbuk cho biết.

Khu nha giau Han Quoc anh 4
Gangnam từng là vùng đất nông nghiệp nghèo nàn cho đến khi được đầu tư phát triển cách đây vài thập kỷ. Ảnh: Shutterstock.

Lý do Gangnam được đầu tư phát triển là để giải tán dân số Seoul vốn tập trung đông đúc ở Gangbuk. Vào những năm 1960, hơn 70% dân số Seoul sống ở Gangbuk. Năm 1970, dân số Seoul đạt 5,43 triệu người, tăng 14% so với một năm trước đó.

Vấn đề dân số quá đông gây ra vấn đề thiếu nhà ở và dẫn đến sự phát triển đô thị vô tổ chức trong thành phố.

Gangbuk không thể chống chọi khi dân số tiếp tục tăng. Sự phát triển của Gangnam bắt đầu một cách nghiêm túc vào những năm 1970 và dân số vào thời điểm đó là khoảng 6 triệu người.

Lo ngại về chiến tranh là động lực khác cho sự phát triển của Gangnam.

Năm 1975, Seoul công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để phát triển các chức năng đô thị ở Gangnam. Mục tiêu đầu tiên là chuyển giao các văn phòng chính phủ, như Tòa thị chính, Văn phòng Công tố và trụ sở của các tổ chức tài chính, bao gồm Ngân hàng Hàn Quốc và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.

Nỗ lực thất bại và chỉ có Tòa án Tối cao và Văn phòng Công tố chuyển đến Gangnam. Nhưng trong nhiều năm, các tổ chức khác, như Cục Tình báo Quốc gia, cũng được di dời đến đây.

Một nhược điểm lớn của sự phát triển là tạo ra cảm giác không thoải mái cho cả cư dân cả trong và ngoài Gangnam.

“Bạn cảm thấy thế nào khi sống ở Gangnam? Tôi xuất thân từ gia đình nghèo ở Daejeon. Tôi thường đến Gangnam vì công việc, nhưng mỗi lần tới đây, tôi lại cảm thấy ghen tỵ, kém cỏi và tự hỏi cảm giác sống trong căn hộ ít nhất 2 tỷ won sẽ như thế nào”, một người chia sẻ trên Blind, cộng đồng ẩn danh dành cho người lao động, hôm 8/2.

Khu nha giau Han Quoc anh 5
Tháng 8/2022, Seoul hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất lịch sử khiến khu Gangnam ngập nặng. Ảnh: Yonhap.

Cư dân Gangnam cũng có xu hướng cảm nhận như vậy.

“Tôi lớn lên và có ngôi nhà đứng tên mình tại Gangnam, nhưng tôi sợ phải sống ở đây. Để có mức tiền tiêu vặt và giáo dục tốt cho các con, tôi cần có thu nhập cao. Điều đó không thể xảy ra với một nhân viên văn phòng bình thường và các con tôi sẽ bị chế nhạo”, một người cho biết.

Chi phí trung bình để tham gia các lớp học tại một hagwon ở Daechi-dong là 28.000 won/giờ, cao nhất ở Seoul, gấp đôi so với chi phí ở quận Mapo, phía tây Seoul.

Kim Jun-hyung, giáo sư giảng dạy bất động sản tại Đại học Myongji, cho biết: “Mỗi quốc gia đều có khu dân cư giàu có. Nhưng vấn đề ở Hàn Quốc là chính phủ không tiết lộ thu nhập của cư dân sống trong mỗi quận. Tiết lộ thông tin một cách minh bạch, thu số tiền thuế lớn hơn từ các khu dân cư giàu có và chi cho các khu dân cư có thu nhập từ trung bình đến thấp sẽ là phúc lợi tốt, có thể mang lại nhiều cơ hội hơn cho người có thu nhập từ trung bình đến thấp vào Gangnam”.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Khu giàu có bậc nhất ở Hàn, nơi ai cũng ao ước được định cư
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO