Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, vừa được Bộ Tư pháp công bố.
Tại dự thảo, Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không xuất trình thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước (gọi tắt là thẻ căn cước) khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.
Hành vi không thực hiện đúng quy định pháp luật về cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; không nộp lại căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù… trong trường hợp phải cấp đổi, hủy và xác lập lại số định danh cá nhân cũng có thể bị phạt 300.000-500.000 đồng.
Bộ Công an đề nghị phạt tiền 1-2 triệu đồng với một trong các hành vi: Chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước; tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của thẻ căn cước; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng thẻ căn cước; không nộp lại thẻ căn cước cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc xác định có quốc tịch nước ngoài.
Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng với hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp thẻ căn cước nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp thẻ căn cước cũng bị xử phạt với mức tiền này.
Ngoài ra, theo dự thảo, phạt tiền 4-6 triệu đồng với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước công dân hoặc mua bán, cho thuê, thuê thẻ căn cước công dân; mượn, cho mượn thẻ căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại thẻ căn cước và nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Căn cước điện tử và 2 trường hợp chưa phải đổi thẻ căn cước
Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7 đã quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước và căn cước điện tử.
Trong đó, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử, gồm các thông tin sau: Nơi sinh; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; nhóm máu; số chứng minh nhân dân 9 số; ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 9 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử; thông tin nhân dạng…
Điều 46 Luật căn cước quy định 2 trường hợp chưa cần phải đi đổi thẻ căn cước: Thứ nhất, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7 và có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ; thứ hai, chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến hết ngày 31/12 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày này.