Không về quê dịp 2.9, công nhân đăng ký làm thêm bù đắp thu nhập

03/09/2022 17:06

Lịch nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp theo quy định. Sau thời gian bị giãn việc, nhiều công nhân không về quê như mọi năm mà ở lại đăng ký đi làm để hưởng lương cao gấp 2-3 lần.

Không về quê dịp 2.9, công nhân đăng ký làm thêm bù đắp thu nhập
Sau thời gian bị giãn việc, nhiều công nhân không về quê như mọi năm mà ở lại đăng ký đi làm để tăng thu nhập. Ảnh: Minh Hương

“Cày cuốc” ngày lễ

Trong tháng 6 và 7, chị Hoàng Thị Ngân - công nhân công ty chuyên về linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) phải ngưng việc 2 tuần vì công ty thiếu đơn hàng. Trong thời gian không có việc làm, chị được trả 70% lương cơ bản, từ một người đang có thu nhập 8-9 triệu/tháng, chị Ngân chỉ nhận về hơn 5 triệu đồng.

Không được tăng ca, một số bộ phận trong nhà máy phải ngưng hoạt động, theo chị Ngân, nhiều công nhân đã phải xin nghỉ việc. Còn chị vẫn chọn ở lại vì tin tưởng thời gian ít việc sẽ qua nhanh.

“Đến giữa tháng 8, công ty bắt đầu nhiều việc trở lại, tôi thường xuyên làm việc 12 tiếng/ngày. Thu nhập cũng cải thiện hơn do làm thêm cả thứ 7, chủ nhật” - chị Ngân nói.

Công việc đang thuận lợi, do vậy, khi được thông báo dịp 2.9 được nghỉ 4 ngày, nữ công nhân liền đăng ký làm thêm 3 ngày; còn 1 ngày, chị Ngân sẽ nghỉ ngơi tại phòng trọ để tái tạo sức lao động.

“Năm nay tôi không về quê mà ở lại “cày cuốc” vì tôi biết làm thêm vào ngày lễ lương sẽ cao gấp 2-3 lần” - chị Ngân nói và cho biết thêm, cuối tuần trước, chị mới gửi về quê 8 triệu đồng để chồng lo liệu, sắm sửa cho 2 con vào năm học mới. Chồng ở quê chăn nuôi, do vậy, đồng lương công nhân của chị Ngân là khoản chi cố định cho cả gia đình.

Trả ít nhất 300% lương so với ngày thường

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, anh Nguyễn Quốc Hoàn - công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) đăng ký đi làm 2,5 ngày, anh cũng không về quê như những năm trước.

Quê ở Nghệ An, anh Hoàn cho biết, vé xe khách giường nằm năm nay có giá 350.000 đồng/lượt, tính 2 chiều là 700.000 đồng. Kể từ đợt Tết Nguyên đán 2022, nam công nhân 37 tuổi mới về thăm quê 1 lần. “Không về nhớ nhà lắm, nhưng về thì xót tiền. Tôi chọn ở lại đi làm để hưởng lương cao hơn ngày thường” - anh Hoàn cho hay.

Có 2 người con đang học cấp 2, mỗi tháng, anh Hoàn đều đặn gửi về cho gia đình 4-5 triệu đồng, riêng tháng 8, anh gửi 10 triệu đồng để đóng tiền học hè, cặp sách... cho con trước thềm tựu trường. Tháng 7 vừa qua, anh Hoàn có 1 tuần bị ngưng việc và không được làm thêm giờ, nên số tiền cho vợ và các con, anh phải vay mượn thêm từ bạn bè mới đủ.

Nhớ lại dịp lễ 2.9 năm 2021, TP.Hà Nội còn đang giãn cách xã hội, anh Hoàn ở lại công ty thực hiện “3 tại chỗ”. Anh Hoàn hy vọng, dịch bệnh sẽ không bao giờ căng thẳng trở lại để người làm công ăn lương như anh được ổn định làm việc.

Dãy trọ anh Hoàn sinh sống có khoảng 10 phòng trọ thì có 7 phòng về quê dịp lễ. Để khoả lấp nỗi nhớ gia đình, anh Hoàn cho biết, công nhân trong xóm trọ hẹn sáng chủ nhật cùng đi chợ rồi làm vài mâm cơm quây quần trước khi kết thúc kỳ nghỉ lễ.

Luật sư Trần Thị Trâm (Công ty Luật TNHH Levina, Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay, nếu người lao động làm việc vào ngày lễ Quốc khánh 2.9 thì doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động ít nhất bằng bằng 300% so với tiền lương làm việc bình thường và cộng thêm 100% tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương (tổng cộng là ít nhất 400%). Nếu người lao động làm việc vào ban đêm, được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Không về quê dịp 2.9, công nhân đăng ký làm thêm bù đắp thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO