Không thích tên cha mẹ đặt, đổi tên khác được không, thủ tục đổi tên thế nào?

06/07/2022 12:37

Hôm qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh chụp một website ngành công an, trong đó người Thượng tá nghỉ hưu có tên riêng rất đặc biệt. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu không thích tên được đặt trong giấy khai sinh có quyền đổi tên của mình không?

Trên thực tế, nhiều người được đặt tên trong giấy khai sinh có tên quá dài hoặc khó hiểu, hoặc rất đặc biệt, gây ấn tượng với người khác trong quá trình làm thủ tục hành chính, đi lại, công tác.

Từ sự việc nói trên, nhiều người nêu câu hỏi: Công dân không thích tên được đặt trong giấy khai sinh có quyền đổi tên của mình hay không? Thủ tục đổi tên ra sao và trong trường hợp nào thì được đổi tên hoặc không được đổi tên?

Luật sư Vũ Văn Quyết (Công ty Luật TNHH Hiệp Thành, Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Quyền đối với họ, tên là một trong những quyền nhân thân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 26 về Quyền có họ, tên.

Không thích tên cha mẹ đặt, đổi tên khác được không, thủ tục đổi tên thế nào?
Luật sư Vũ Văn Quyết.

Cụ thể tại Khoản 1, điều 26 nêu rõ: “Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”.

Theo đó, họ tên của một người sẽ gắn liền với họ trong suốt cuộc sống của mình, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, là phương tiện để thuận tiện trong quá trình giao tiếp, thực hiện các giao dịch để phục vụ cho đời sống.

Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Văn Quyết, pháp luật cũng quy định những nguyên tắc khi xác định họ tên của một cá nhân.

Điều này được quy định tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thì hành Luật Hộ tịch quy định:

Điều 14 Luật hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định những trường hợp được thay đổi tên. Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền đổi tên như sau:

“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.”

“Như vậy, cá nhân có quyền thay đổi tên của mình, nhưng không phải trong trường hợp nào cũng được chấp nhận.

Việc muốn thay đổi tên với lý do tên quá xấu thì có thể được thay đổi nếu tên gọi này ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

Trường hợp lấy lý do không thích tên cũ và muốn đổi lại một cái tên đẹp hơn thì sẽ không được chấp nhận.

Ngoài ra, người thay đổi họ, tên dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.

Trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên, pháp luật không có quy định nên không cần phải có sự đồng ý của cha mẹ”, luật sư Vũ Văn Quyết nêu.

N. Huyền  

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Không thích tên cha mẹ đặt, đổi tên khác được không, thủ tục đổi tên thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO