Không thể truy vết ca F0, quy định khai báo y tế còn phù hợp?

Thiều Trang| 04/03/2022 10:27

Quy định khai báo y tế không còn phù hợp với tình hình hiện nay do các địa phương khó có thể truy vết được những trường hợp tiếp xúc của F0? PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, quy định khai báo y tế vẫn mang nhiều ý nghĩa - để kiểm soát bệnh tật, phòng dịch trong cộng đồng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội,...

Quy định khai báo y tế có thực sự phù hợp?

Anh Văn Lâm trú tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dương tính với COVID-19 từ ngày 20.2. Ngay sau đó, anh Lâm đã khai báo với y tế phường để được hướng dẫn điều trị tại nhà và xin giấy xác nhận F0. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì.

"Biết mình bị bệnh, tôi đã nhiều lần liên hệ với phường mong muốn nghe chỉ dẫn của những người có chuyên môn, cùng với đó là xin giấy xác nhận F0 để hưởng phúc lợi. Tuy nhiên đến nay, dù đã khỏi bệnh sau gần 2 tuần điều trị tại nhà tôi vẫn chưa nhận được lời tư vấn hay giấy xác nhận từ phía địa phương.

F0 như tôi còn chưa được tiếp nhận từ chính quyền địa phương, các F1 khác càng không được gọi tên. Theo tôi, việc khai báo y tế không còn nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải. Người dân chỉ cần tự giác cách ly và điều trị tại nhà là đủ" - anh Lâm chia sẻ.

Tuần qua, tình hình dịch COVID-19 trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới không ngừng tăng nhanh. Đỉnh điểm ngày 3.3, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam vượt mốc 100.000 ca/ ngày, trong đó Hà Nội trên 18.000 ca. Đặc biệt, có tới 96% số ca nhiễm là nhẹ hoặc không có triệu chứng, chủ yếu điều trị tại nhà, chỉ cần khai báo với y tế phường.

Tuy nhiên, việc khai báo y tế trong thông điệp 5K (“Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), theo anh Lâm và nhiều người dân đến nay có thể đã không còn ý nghĩa. Việc khai báo y tế có mục đích để truy vết, khoanh vùng, nhưng trước thực tế số ca F0 trong cộng đồng tăng nhanh, các thủ tục xác nhận F0 và người khỏi bệnh đang trở thành gánh nặng với y tế cơ sở, gây mệt mỏi với người dân, thì có cần thiết phải thực hiện khai báo y tế nữa không? 

"Các địa phương cần tuyên truyền hơn nữa cho người dân về việc tuân thủ quy tắc 5K trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, những hoạt động không thật sự cần thiết có thể vẫn cần hạn chế.

Đặc biệt, người dân cần hết sức đề phòng, tuân thủ thực hiện biện pháp 5K trong chống dịch, tuyệt đối không mang tư tưởng ai rồi cũng thành F0" - PGS Phu nhấn mạnh.

"Nới lỏng chứ không phải buông trôi, thả lỏng hoàn toàn"

Dự báo diễn biến dịch trước tình hình số ca mắc mới ngày một tăng cao, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng nhận định, số ca mắc COVID-19 sẽ tăng rồi sau đó mới giảm. Số người nhiễm SARS-CoV-2 chưa thể giảm trong vài tuần tới.

Theo PGS Phu, nguyên nhân bùng phát dịch có thể do biến chủng Omicron đã lây lan quá nhanh trong cộng đồng cùng với khoảng thời gian sau Tết lượng người đi lại, giao lưu nhiều. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không chấp hành nghiêm các quy định về cách ly, phòng dịch. Đặc biệt, nhiều người có tâm lý chủ quan “ai rồi cũng mắc” khiến các ca F0 tăng mạnh.

"Rất sai lầm khi coi nhẹ nguy cơ lây nhiễm hay chủ động trở thành F0. Vấn đề là người nhiễm COVID-19 rồi vẫn có thể tái nhiễm, vẫn có tỉ lệ nhất định các ca chuyển nặng, tử vong và có thể bị các triệu chứng hậu COVID-19 khác.

Vừa qua, việc dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, chuyển sang lây lan trong trường học, công sở, dẫn đến học sinh không được đến trường, cơ quan quá tải F0 và không đủ người làm việc. Đó là những ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy không nên mang tư tưởng ai rồi cũng trở thành F0" - PGS Phu nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, Việt Nam hiện đã chuyển sang giai đoạn sống thích ứng, an toàn và kiểm soát dịch, nới lỏng dần các hoạt động nhưng không phải buông trôi, thả lỏng hoàn toàn.

"Nước ta đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nới lỏng các hoạt động. Thay vì "Zero COVID-19", Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn, quyết định hiệu quả của công tác chống dịch.

Nếu mỗi người dân đều tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế sẽ giúp cho dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường" - PGS Phu nhấn mạnh.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Không thể truy vết ca F0, quy định khai báo y tế còn phù hợp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO