Được đặt tên theo Thần sấm trong thần thoại Bắc Âu, vũ khí này có thiết kế đơn giản gồm một ăng ten chảo đặt trên container tiêu chuẩn, có thể vận chuyển bằng phương tiện mặt đất, tàu hay máy bay vận tải.
Tổ hợp vi sóng THOR của không quân Mỹ. Ảnh: Popular Science |
Hệ thống cần 2 người vận hành và mất 3 tiếng triển khai. Khi phát hiện bầy UAV bay tới, người vận hành THOR sẽ nhấn nút, phóng ra chùm tia vi sóng công suất cao để hạ chúng.
Đáng chú ý, dù là vũ khí năng lượng định hướng nhưng THOR không giống súng laser. Trong khi một hệ thống vũ khí laser chỉ có thể hạ gục một UAV tại một thời điểm, thì THOR có thể hạ gục cả bầy UAV với một lần nhấn nút.
Nói cách khác, THOR hoạt động như một đèn pin, bất cứ thứ gì thuộc vùng tín hiệu của nó đều sẽ bị bắn hạ hoặc bị vô hiệu hóa nhanh chóng. Hiện chưa rõ phạm vi hoạt động hiệu quả của THOR, song các chuyên gia nhận định tổ hợp có tầm bắn khoảng 1km.
Tổ hợp Ứng phó Tác chiến Chiến thuật công suất cao (hay gọi tắt là THOR). Nguồn: AR Research Lab |
Việc Không quân Mỹ theo đuổi phát triển dự án THOR là do thực tế hiện nay UAV là một trong những mục tiêu khó đánh chặn nhất đối với mọi hệ thống phòng không, trước hết là bởi UAV thường bay dưới tầm quan sát của radar và rất khó bị phát hiện. Bên cạnh đó, UAV ngày càng được sử dụng phổ biến trên chiến trường và có thể phá hủy nhiều khí tài giá trị cao như tiêm kích, tàu chiến hay hệ thống phòng không tối tân.
THẾ TRUYỀN (theo The Drive)