Không một đồng thưởng Tết, mẹ một con ngậm ngùi nếm "bánh chưng không thịt"

02/01/2023 15:22

Đầu tháng 9/2022, vừa đặt bút viết giấy xin nghỉ thai sản, chị Võ Thị Kim Thủy (quê Phú Yên) nhận tin bị cho thôi việc. Do đã tiêu hết số tiền tích lũy, Tết này với chị Thủy như vực thẳm.

Không một đồng thưởng Tết, mẹ một con ngậm ngùi nếm bánh chưng không thịt - 1

Không ít công nhân bị mất việc đang gặp rất nhiều khó khăn (Ảnh: Hữu Khoa).

Ngoài trợ cấp thai sản, chị Thủy không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào, kể cả thưởng Tết cũng không có. "Trong tháng đó, ai hết hạn hợp đồng, muốn ký dài hạn đều bị cắt hết, trong đó có tôi", chị Thủy kể.

Chồng chị được ở lại công ty nhưng vì thiếu đơn hàng, mỗi tuần anh chỉ làm việc 2-3 ngày, nhận mức lương gần 3 triệu đồng. Để có tiền chăm lo cho con, chồng chị Thủy phải xin việc làm vào ban đêm. Thu nhập có cao được một chút nhưng 1h sáng mới về đến nhà.

Chị Thủy và chồng cùng là công nhân công ty giày da tại TP Thủ Đức. Trước đây, vợ chồng chị làm mỗi tháng thu nhập hơn 20 triệu đồng. Số tiền này đủ chi các khoản sinh hoạt từ 6-7 triệu đồng, gửi về quê cho cha mẹ và dư được một khoản để vợ chồng chị tiết kiệm.

Hơn nữa, mỗi dịp Tết đến, chị được nhận tiền thưởng hơn 6 triệu đồng. Số tiền này chị dùng mua sắm vật dụng, quần áo mới và lì xì cho ba mẹ ngày Tết. Tuy vậy, năm nay chị chưa biết phải kiếm đâu ra khoản tiền như vậy.

"Giờ chúng tôi không còn cách nào khác, chỉ có thể cố gắng kiếm đồng nào hay đồng nấy. Chủ yếu là con còn nhỏ quá, không thể để con thiếu thốn được", chị Thủy nghẹn ngào.

Dỗ dành đứa con còn đỏ hỏn trên tay, chị Thủy ứa nước mắt vì quá khó khăn. Số tiền dành dụm bao nhiêu năm đi làm đã tiêu hết, từ nay đến Tết, chị phải đi vay mượn khắp nơi vì quá nhiều chi phí phát sinh.

"Hiện tại cái gì cần thiết cho con thì mới mua. Tiền không có ăn nữa nói chi mua sắm Tết. Mọi năm dù dư ít tiền, chúng tôi vẫn sắm sửa vì ngày Tết là ngày quan trọng. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, tiền không dư mà còn thiếu", chị Thủy bộc bạch.

Để tiết kiệm chi phí, chị Thủy quyết định về quê đến khi nào khỏe lại rồi tìm một công việc khác. Tết năm nay, gia đình chị và nhiều công nhân thất nghiệp khác có lẽ phải nếm mùi vị của "bánh chưng không thịt".

Không một đồng thưởng Tết, mẹ một con ngậm ngùi nếm bánh chưng không thịt - 2

Bị mất việc vào thời điểm cuối năm, nhiều công nhân không thể tìm được việc làm (Ảnh minh họa: L.T.).

Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Minh Trung (21 tuổi, quê Kiên Giang) cũng lên Bình Dương làm công nhân hơn 5 năm.

Ngày 1/10/2022, anh nhận tin bị cho thôi việc khiến cả gia đình choáng váng. Thất nghiệp, không có thưởng Tết, Trung phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền.

Bản thân Trung cũng xin làm nhân viên bán hàng ở tiệm quần áo, với mức lương hơn 2 triệu đồng cho 8 giờ làm việc. Vì thiếu tiền, Trung vẫn đang đắn đo không biết có nên về quê ăn Tết không. Đây là lần đầu tiên Trung e ngại chuyện về quê, bởi có về thì niềm vui cũng không trọn vẹn nữa.

"Giờ chỉ mong kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Mọi năm, dù khó khăn kiểu gì cũng ráng lì xì cho ba mẹ ít đồng để cả hai vui lòng. Nhưng năm nay khó khăn quá, giờ có tiền ăn là may rồi", anh Trung chia sẻ.

Nghỉ việc từ giữa tháng 12 đến nay, anh Trần Tấn Lực (24 tuổi) vội vàng xin làm việc ở xưởng gỗ với mức lương 200.000 đồng/ngày. Mức thu nhập này không ổn định, khi nào có đơn hàng thì anh Lực mới gọi đến làm.

Anh Lực hiện đang sống trong căn nhà trọ chật hẹp với mẹ, chị gái và bà ngoại. Vì thất nghiệp, các khoản phí trong nhà được mẹ và chị gái bù đắp, không khí trong nhà cũng nặng nề hơn.

"Vốn là đàn ông trong nhà nên trách nhiệm cũng lớn. Bà ngoại tôi già yếu nên chi tiêu trong nhà do tôi, mẹ và chị gái gánh vác. Giờ tôi nghỉ việc rồi, cả hai phải thay phần tôi làm việc, tôi thấy có lỗi lắm", anh Lực ngậm ngùi.

Ngày Tết năm nay, gia đình anh Lực và những khu trọ xung quanh thiếu vắng hương vị ngày Tết. Ai nấy đều khẳng định sẽ làm việc kể cả dịp lễ, Tết để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Không có ai nhắc tới cây mai, liễn Tết hay câu đối màu đỏ treo trước cửa nữa. Các công nhân giờ có nỗi bận tâm lớn hơn, chính là mai thức dậy liệu có tiền mua cơm ba bữa một ngày hay không.

Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Vũ Minh Tiến, tính đến đầu tháng 12/2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất. Trong đó, nhiều nhất là các ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí và các doanh nghiệp khác.

Đáng lưu ý, điều tra khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, trong số công nhân bị mất việc có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi và 10.000 lao động nữ đang nuôi con nhỏ hoặc đang mang thai.

42% công nhân không có nhà, 54% không có đất ở. Khi bị mất việc làm, 59% công nhân không có tích lũy đồng nào, tức là tuần trước mất việc thì tuần sau không có tiền để đóng tiền nhà hoặc là đủ tiền đóng trọ thì tuần tới không còn khoản nào đóng học cho con.

Chỉ 11,7% công nhân có tích lũy để có thể duy trì cuộc sống dưới 1 tháng, 16,7% nếu mất việc có thể cầm cự cuộc sống từ 1-3 tháng; chỉ có 12,7% lao động mất việc có tích lũy đủ để duy trì cuộc sống trên 3 tháng. Có tới 38% công nhân đang nợ nần, trong đó có tới 14% rất khó có khả năng trả nợ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Không một đồng thưởng Tết, mẹ một con ngậm ngùi nếm "bánh chưng không thịt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO