Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore khi trao đổi với PV VietNamNet về những giải pháp đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Cần đầu tư lớn cho tàu điện ngầm
PGS.TS Vũ Minh Khương cho biết, vấn đề tàu điện ngầm là điều ông rất thôi thúc khi nói đến sự phát triển của đất nước.
Là người sống và hiểu về sự phát triển của Singapore, ông Vũ Minh Khương khẳng định: “Tôi thấy giá trị của tàu điện ngầm là vô giá. Khi về Hà Nội, TP.HCM, tôi thấy muốn tăng trưởng GDP bao nhiêu %, muốn thu hút vốn đầu tư nhiều hơn nữa cũng khó bởi vì ách tắc quá”.
Ông tính toán, mỗi giờ lao động của người Việt Nam là 3 USD thì bình quân mỗi người ra đường sẽ mất thêm 1 giờ vì ách tắc, tức là mất 3 USD. Con số này nhân lên mỗi năm Việt Nam mất gần 3 tỷ USD vì chờ đợi do tắc đường.
“Nếu có phương tiện giao thông để đi nhanh hơn 1 giờ mà có mất 3 USD cũng không sao. Nhưng nếu để tình trạng này, ngoài việc làm ùn tắc giao thông, không thể nào đi nhanh được còn nhiều tác động khác như ô nhiễm không khí, gây ức chế cho người đi đường,... Phí xã hội thật sự của tình trạng này còn hơn thế rất nhiều”, PGS.TS Vũ Minh Khương phân tích.
Theo Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, các nước phát triển để đi đến phồn vinh, bao giờ họ cũng ưu tiên hàng đầu cho hệ thống giao thông đô thị và tàu điện ngầm.
“Có tàu điện ngầm, tự nhiên sẽ có không gian để phát triển đô thị và tài chính sinh sôi nảy nở ra từ đó”, ông nêu kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Ông Vũ Minh Khương lấy giá được cho là đắt nhất 150 triệu USD/km thì Việt Nam cũng chỉ mất 20 – 30 tỷ USD để làm tàu điện ngầm. Con số này với Việt Nam là trong tầm tay.
“Tôi hay lấy hình ảnh của Bangladesh, họ nghèo khổ lắm nhưng khi họ dốc sức làm tàu điện ngầm đi rất nhanh. Bangladesh đến 2030, họ làm được 130km tàu điện ngầm . Cứ tàu điện ngầm tới đâu là dân họ vỗ tay vang dậy đến đấy”, ông Vũ Minh Khương kể.
PGS.TS Vũ Minh Khương tiếp tục nêu kinh nghiệm các nước, thường chỉ mất 4 - 5 năm đầu làm nhanh thì sẽ có được 10 – 20 km tàu điện ngầm; từ năm thứ 6 trở đi, cứ mỗi năm sẽ thấy có một hệ thống mới khai trương, dân họ phấn khởi lắm.
“Điều đó làm tôi suy nghĩ lắm. Một đất nước không làm được tàu điện ngầm cho những thành phố lớn của mình thì không thể đi được xa. Còn kêu gọi đầu tư nước ngoài vào thì chỉ như người có nhà mặt tiền cho thuê. Mở ra cho họ làm, cũng tăng trưởng, xuất khẩu các thứ nhưng của cải chưa thật sự làm ra từ bàn tay khối óc, ý chí của mình để tạo ra sự thay đổi căn bản”, ông trăn trở.
Vì vậy, PGS.TS Vũ Minh Khương tha thiết đề nghị Chính phủ đầu tư lớn cho tàu điện ngầm, đặc biệt là TP.HCM phải đầu tư nhanh, toàn lực, cử những cán bộ giỏi nhất làm và không để thiếu tiền.
Xe máy, ô tô có thể đi sau nhưng điện gió cần quyết chiến chiến lược
Ngoài vấn đề về hạ tầng giao thông, PGS.TS Vũ Minh Khương cũng cho rằng, Việt Nam cần nắm bắt xu thế của thời đại, đặc biệt là ở cách mạng xanh và cách mạng số, hai lĩnh vực sẽ định hình nền kinh tế trong 2-3 thập kỷ tới.
Vì vậy, việc Việt Nam - Singapore ký kết bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 2 vừa qua là một bước đi có tính nền tảng và cũng thể hiện được tầm chiến lược của Việt Nam.
Bởi đến nay, Singapore mới tiến hành những hợp tác này ở bước khởi đầu với một số ít quốc gia phát triển và vẫn đang ở giai đoạn thăm dò.
"Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã nắm bắt được cơ hội này", PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai bên đã nhất trí triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Kinh tế xanh-Kinh tế Số, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian tới, ông cho rằng Chính phủ cần tiến tới ký kết được Hiệp định về Kinh tế xanh và Kinh tế số với Singapore. Từ đó sẽ tạo những hành lang thông suốt hơn để hai bên có thể thực hiện được.
Trong kinh tế xanh thì hợp tác với Singapore để sản xuất năng lượng tái tạo và hòa nhập vào mạng điện chung của Việt Nam cũng như xuất khẩu sang Singapore trong thời gian tới.
“Ví dụ trước năm 2030 chẳng hạn, chúng ta có những năng lực rất lớn sản xuất năng lượng gió trên biển, Singapore có kinh nghiệm, tài chính và họ có thể bao tiêu khi Việt Nam xuất khẩu sang”, ông Khương nói.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Singapore có độ tin cậy, tín nhiệm quốc gia rất cao, tín nhiệm của công ty cũng rất cao. Họ phát hành trái phiếu có giá trị 3% cho nền năng lượng xanh rất đơn giản.
Vì vậy, PGS.TS Vũ Minh Khương gợi mở, trong thời gian một hoặc hai thập kỷ tới, Việt Nam nên tập trung toàn lực để tạo ra một ngành mạnh nhất ở khu vực cũng như thế giới, để cạnh tranh, cung cấp năng lượng cho các nước từ châu Phi đến Nam Á, đến các nước.
Đặc biệt đầu tư điện gió trên biển vừa bảo vệ an ninh trên mặt biển, vừa tạo ra năng lực biến những tài nguyên thiên nhiên vô tận thành năng lượng cho quốc gia và có thể sản xuất thiết bị, các linh kiện, phụ kiện.
“Xe máy, ô tô hay những lĩnh vực khác chúng ta có thể đi sau, gác lại nhưng vấn đề năng lượng thì cần quyết chiến chiến lược. Tôi cho rằng cuộc 'cách mạng xanh' này là rất quan trọng”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Ông lưu ý, vấn đề kinh tế xanh, kinh tế số đã đặt thành một mũi nhọn chiến lược nhưng lại chưa dốc sức để tạo ra đột phá. Trong khi xây dựng hai lĩnh vực này là xây dựng sức mạnh chiến lược của Việt Nam trong tương lai. Đây là những vấn đề Việt Nam có thể đi đầu và có thể trở thành những nhà hoạt động hàng đầu. Ngày 29/8 vừa qua, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức chạy thử nghiệm toàn tuyến đi qua 14 nhà ga với 2,6km đi ngầm và 17,1km trên cao. Dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km với 14 nhà ga, 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, có tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương). Hiện nay, toàn bộ dự án đã thi công đạt gần 96% khối lượng công việc. Tháng 5/2022, toàn bộ 17 đoàn tàu Metro số 1 đã được nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam. Theo thiết kế, mỗi đoàn tàu metro có 3 toa, mỗi toa dài 61,5m, có thể chở 930 khách. Tốc độ tối đa theo thiết kế là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn hầm).