Theo anh Tùng, việc lên mạng xã hội để đòi nợ là không nên, anh không khuyến khích người khác áp dụng, trừ một số trường hợp nhất định. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… ngày nay có các công cụ để hạn chế những nội dung như trên và thường xếp vào nhóm thông tin tiêu cực, công kích cá nhân. Do đó, nội dung đòi nợ không chỉ khó tạo hiệu ứng để đòi được nợ mà chủ tài khoản còn có nguy cơ bị nền tảng khóa vĩnh viễn vì vi phạm chính sách cộng đồng.
Khi quyết định đòi nợ trên mạng xã hội, cần xác định bên nợ là đối tượng có khả năng trả nợ và họ cần phải giữ hình ảnh, "phông bạt" trên không gian mạng, chỉ là chây ì không trả nợ. Khi làm nội dung về đòi nợ, người thực hiện phải là nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, hiểu về các quy định của nền tảng để thực hiện đúng, đặc biệt là không công kích cá nhân. Nội dung đưa ra phải hết sức tinh tế, thuyết phục với đầy đủ tình và lý để nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng, gây áp lực để bên kia trả nợ.
Với những người không chuyên, khi gặp nợ khó đòi thường không kiểm soát được cảm xúc và ngôn từ. Vì vậy, họ rất dễ rơi vào phản ứng ngược, dẫn đến việc nợ không đòi được mà còn bị mất uy tín cá nhân.
"Để phòng ngừa nợ khó đòi, tôi cho rằng việc kỹ lưỡng ngay từ đầu trong đánh giá khả năng chi trả, uy tín của đối tác cũng như tuân thủ đầy đủ các quy tắc an toàn trong giao dịch - như có hợp đồng hoặc giấy mượn tiền, thậm chí quay phim, chụp hình, ghi âm để lưu lại bằng chứng - là cần thiết. Tiếp theo, cần theo dõi sát sao tiến độ thanh toán, duy trì mối quan hệ với bên nợ để phát hiện sớm những bất thường, tránh phát sinh nợ xấu" - anh Tùng nêu kinh nghiệm.