Nhưng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây, cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một phòng mổ tim cơ động đã được bố trí ngay cạnh phòng mổ đẻ, để có thể đặt máy tạo nhịp tim cho em bé ngay khi chào đời. Nhờ đó, em bé đã sống sót một cách kỳ diệu.
Không bỏ cuộc
Bé gái là con của sản phụ T.L (33 tuổi, Hà Nội, có tiền sử mắc lupus ban đỏ), được phát hiện bị chứng block nhĩ thất độ III. Các bác sĩ dự kiến nuôi em bé đến tuần 38, nhưng ở tuần 35, mọi chỉ số đều báo hiệu xấu. Thai nhi gặp rất nhiều vấn đề như chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng block nhĩ thất cấp III.
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho hay, những ca bệnh tương tự đã gặp nhiều nhưng cơ hội cứu sống trẻ rất ít. Và phương án duy nhất và chưa từng có tiền lệ là thiết lập phòng mổ tim khẩn cấp để ê-kíp thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành mổ ngay cạnh bàn mổ sản phụ.
Một tiếng đồng hồ ở phòng mổ tim nhi, mọi thứ đều khẩn trương khi em bé sơ sinh được cưa xương ức để đặt máy tạo nhịp tạm thời. Trái tim chỉ bé như đầu ngón tay người lớn đã hồi sinh trở lại, nhịp thất lên 120 lần/phút.
“Giây phút hai bác sĩ mổ chính tháo găng tay, chúng tôi hơn 10 người đứng ngoài theo dõi qua cửa kính vỗ tay, vỡ òa hạnh phúc”, TS.BS Đinh Thúy Linh – Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh – xúc động kể.
“Chúng tôi gọi cho bố cháu báo tin ca mổ thành công và anh ấy đã khóc trong điện thoại” – bác sĩ nói thêm.
Sau ca mổ, bé gái được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc, điều trị tích cực rối loạn chức năng các cơ quan, điều trị nhiễm trùng, thở máy và hỗ trợ vận mạch.
Cơ hội cho những thai nhi mắc tim bẩm sinh
“Chúng tôi không ai dám chắc ca mổ sẽ thành công vì tình trạng của bệnh nhi quá nhiều vấn đề. Nhưng nếu không quyết tâm, sẽ không bao giờ mình có được một kết quả kỳ diệu như hôm nay và sẽ là kết quả tốt đẹp cho nhiều gia đình sau này” – Giám đốc Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.
Hiện tại, sau khi được chăm sóc và điều trị tích cực, sức khỏe của bé gái dần ổn định, tiến triển tốt, nhịp tim đã trở về bình thường nhờ có sự hỗ trợ của máy tạo nhịp tim tạm thời. Thời gian tới, khi đủ điều kiện về sức khỏe và cân nặng, bé sẽ được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Tiến sĩ Linh cho biết, tỉ lệ trẻ có dị tật bẩm sinh được ghi nhận nhiều thời gian gần đây. Trong đó, tỉ lệ bệnh tim bẩm sinh chiếm tỉ lệ lớn. Mỗi năm, khoảng 300-400 trẻ bị dị tật tim bẩm sinh sinh ra tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong đó, tối cấp cứu là bệnh rối loạn về nhịp như trường hợp này.
Trước đây, trẻ bị các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều ca bệnh tương tự, trẻ chào đời được chuyển bằng ô tô sang Bệnh viện Nhi Trung ương để can thiệp. “Dù hai viện ngay cạnh nhau, chỉ mấy trăm mét nhưng sang không kịp. Thậm chí, bác sĩ đã rửa tay, đeo găng đứng chờ sẵn mà em bé vẫn không thể sống cho đến khi tới nơi” – Giáo sư Ánh nói.
Do đó, đây là một bước ngoặt trong việc cứu những em bé không may mắc bệnh tim bẩm sinh. “Nhiều trường hợp bị bệnh như thế này lắm, cũng nhiều người từ bỏ, đình chỉ thai nhi. Tôi mong mọi người đừng làm vậy, hiện giờ có thể cứu được những em bé như vậy rồi” – Tiến sĩ Linh nói.
Giám đốc Nguyễn Duy Ánh thì nhấn mạnh thêm sẽ tiến tới thiết lập phòng mổ chuyên sâu ngay tại viện, ngay cạnh phòng mổ sản để tiếp tục mang lại kỳ tích sản-nhi cho nhiều gia đình không may có con mắc tim bẩm sinh từ trong bào thai.