Tuy nhiên, nếu hai năm trước, hình thức dạy và học chỉ phải áp dụng ở giai đoạn giữa và cuối năm học khi học sinh đã nắm vững những kiến thức cơ bản ban đầu, thì năm nay lần đầu tiên việc dạy và học trực tuyến buộc phải triển khai ngay từ đầu năm học.
Việc dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế trong điều kiện dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Ở vùng sâu, vùng xa, học sinh người dân tộc không có điều kiện, thiếu thiết bị thì việc học trực tuyến vô cùng khó khăn.
Cả buôn làng chỉ có 2 ti vi, chưa có mạng internet
Thầy Hoàng Văn Tiến- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Chiềng Chăn (Sơn La) những ngày này vẫn không ngừng trăn trở việc dạy trực tuyến.
Bởi lẽ, ở trường thầy vô cùng khó khăn khi 100% học sinh là người dân tộc, các em không có máy tính, điện thoại, internet cũng không có, phụ huynh không quan tâm giúp đỡ con cái học hành, thậm chí giáo viên phải động viên học sinh đến trường.
Thậm chí ở trường của thầy Tiến, giáo viên có phiếu bài tập nhưng không có ai hướng dẫn từng em, thành ra các em rất chểnh mảng, việc học hiện nay ở địa phương cũng khó khăn.
Cùng cảnh ngộ, một nữ giáo viên công tác tại điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thôn 4, xã Cư San, huyện M'Đrắk, Đắk Lắk) - nơi 100% học sinh thuộc dân tộc Mông tâm sự, việc dạy học trực tuyến cho các học sinh tại đây chắc chắn sẽ không thể thực hiện.
"Cả buôn chỉ có 2 nhà có tivi, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không và hoàn toàn chưa có mạng internet. Chúng tôi dạy ở điểm trường, muốn có sóng điện thoại để gọi về gia đình, phải ra cánh đồng và đứng ở vị trí cao dò sóng mới được. Tình hình như vậy rất khó kết nối với học trò để dạy học trực tuyến", cô giáo trăn trở.
Dạy học trực tuyến thế nào khi chưa phủ sóng internet?
Nhiều trường học tại vùng sâu, vùng xa thực yế việc học trực tuyến sẽ rất khó khăn khi tại các buôn làng, đường truyền internet còn nhiều hạn chế, điện thoại chủ yếu sử dụng sóng 3G, 4G.
Do đó, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động đang xây dựng các phương án để học sinh tiếp cận hình thức học phù hợp như: Đối với học sinh có điện thoại sẽ kết nối dạy học qua Zalo, Facebook.
Hình thức là tạo nhóm lớp học qua các mạng xã hội trên để giáo viên và học sinh gửi file, chuyển bài tập. Các thầy cô sẽ quay video các bài giảng rồi gửi qua cho các em. Riêng đối với các em không có điện thoại, sẽ tính đến giải pháp giáo viên đến tận nhà giao bài, hướng dẫn học.
Đợt dịch năm ngoái, nhiều trường cử giáo viên đến đến tận nhà để giao bài tập cho học sinh khá hiệu quả. Tuy nhiên, năm nay thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt hơn, thêm vào đó, nhiều giáo viên đang ở khu vực phong tỏa vì vậy việc giao bài tập đến nhà học sinh sẽ khó khăn.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk - cũng nhận định việc dạy học trực tuyến sắp tới trong tình hình dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các bậc tiểu học, các em vùng sâu vùng xa.
Do đó, Sở đề nghị trong thời gian này, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm rõ điều kiện cụ thể của học sinh nhằm triển khai kế hoạch, phương pháp dạy học cho phù hợp.
Theo TS. Nguyễn Quang Tiệp - Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Giáo dục), mỗi lứa tuổi có phát triển đặc thù, không thể vì lí do nào đó để trì hoãn sự phát triển khôn lớn của trẻ.
Hiện nay dịch bệnh với những diễn biến phức tạp thì giải pháp về công nghệ là tất yếu nhưng vấn đề công nghệ cũng chưa đến được với học sinh người dân tộc. Vì vậy, phải sử dụng công cụ học tập thủ công, cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ tổ chức dạy học theo các nhóm trẻ, để các em tương tác được với nhau.
Còn theo PGS Nguyễn Xuân Thành, trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài liệu trên truyền hình hoặc sao chép vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này.
Bên cạnh đó, để học hiệu quả, các bậc cha mẹ học sinh cũng cần cố gắng tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ để các em đảm bảo được yêu cầu trong học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn này.