"Từ góc độ một người làm về giao thông, tôi không thể ủng hộ"
Nói về phố cà phê đường tàu ở Hà Nội, nên dẹp bỏ hay duy trì, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nêu quan điểm ngắn gọn: "Từ góc độ một người làm về giao thông, tôi không thể ủng hộ".
Bởi theo ông Bình, đường sắt rất cần duy trì tốc độ cao để đi qua các vùng, từ đó rút ngắn thời gian, nâng cao tính cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khi tàu đi qua trung tâm các đô thị trên cả nước đều phải đi qua khu đông dân cư.
Theo vị chuyên gia này, tàu qua các khu vực này nếu duy trì tốc độ 60-70 km/h sẽ rút ngắn được thời gian lưu thông trên toàn tuyến. Song do tình trạng đường ngang nhiều cùng các hoạt động kinh doanh ven hoặc ngang đường tàu đã khiến tốc độ tàu giảm xuống rất thấp.
Xét về tổng thể, ông Bình nhận định, không chỉ cà phê đường tàu mà các hoạt động kinh doanh khác sát đường sắt cũng không nên có. Hành lang an toàn của tàu hỏa nên được đảm bảo.
"Người ta sẽ không hài hòa an toàn giao thông với phát triển du lịch thông qua hoạt động kinh doanh ven hành lang an toàn của đường sắt. Việc nên làm là rút ngắn thời gian chạy của tàu để tăng độ hấp dẫn cho các điểm du lịch, giảm rào cản tới những nơi xa trung tâm. Điều đó mới thực sự có ý nghĩa", ông Bình nêu quan điểm.
Ông Bình tin rằng, không có cà phê đường tàu, Hà Nội vẫn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, an toàn với khách du lịch.
Đồng tình với quan điểm trên, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, cà phê đường tàu phải an toàn mới được hoạt động. Nhưng khi tàu đi qua sẽ rất nguy hiểm vì dễ xảy ra tai nạn.
Những người trẻ yêu thích cà phê đường tàu vì có cảm giác ấn tượng mạnh. Nhưng ông Chính ủng hộ việc nghĩ tới an toàn cho hành lang đường sắt, hành khách và du khách.
"Việc kinh doanh ảnh hưởng tới hành lang, lối đi và đường sắt là không nên. Hà Nội có nhiều điểm vui chơi, thành phố đóng cửa phố cà phê đường tàu để đảm bảo an ninh là cần thiết", ông Chính nói.
Cho đến thời điểm này, chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra ở phố cà phê đường tàu. Tuy nhiên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bảo lưu quan điểm "nếu tai nạn xảy ra thì không thể lường trước. Hoạt động kinh doanh chỉ làm trong nhà thì không sao, song nếu lợi dụng không gian đường tàu thì rất nguy hiểm".
"Cho đến nay cà phê đường tàu vẫn an toàn"
Trả lời Dân trí, chủ một quán cà phê tại đây cho biết, khách nước ngoài rất thích đến đây chụp ảnh và ngắm nhìn cảnh tàu chạy. Nếu không có tàu, khách nước ngoài sẽ rời đi. Từ trước đến nay, chưa ghi nhận sự cố hay tai nạn tại đây. Các hộ kinh doanh cũng ký cam kết tuân thủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi tối thiểu cách đường ray 1,5m.
Mỗi khi tàu đi qua phố cà phê, thông báo sẽ được gửi về trước 10 phút. Các hộ kinh doanh cũng đã xây dựng hệ thống an toàn như barie, vạch kẻ, dây sắt chắn lối đi.
Các chủ quán tại đây đều than thở, việc cấm phố cà phê đường tàu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống mưu sinh của họ.
Nữ du khách tên Thu Hằng tới phố cà phê đường tàu và rất thích thú khi nhìn tàu chạy qua mỗi dịp cuối tuần. "Khá tiếc khi địa điểm du lịch hấp dẫn bị tạm dừng. Theo tôi nên cho hoạt động nhưng có biện pháp an toàn mạnh hơn. Ví dụ như các quán cà phê đồng loạt xây dựng vách kính theo đúng quy định hành lang an toàn để du khách có thể ngắm nhìn tàu từ phía trong mà không thấy nguy hiểm", chị Hằng chia sẻ.
Sáng ngày 15/9, Công an phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phối hợp với lực lượng tự quản và tổ dân phố ra quân, dựng barie rào chắn lối vào phố cà phê đường tàu từ số 5 Trần Phú đến Phùng Hưng.
Lực lượng chức năng chia làm 4 ca, trực từ 7h sáng đến 11h đêm mỗi ngày. Lực lượng chức năng giải thích kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách tạm thời không đến phố cà phê đường tàu trong thời gian đợi biện pháp giải quyết giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.
Trong số 15 cơ sở kinh doanh mô hình cà phê đường tàu, 11 điểm đã phải tạm đóng cửa do không đảm bảo đúng quy định và giấy phép kinh doanh.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, 100% cơ sở kinh doanh tại đây đều vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt.