Không chỉ bó hẹp ở Biển Đông, Mỹ còn giải quyết nguồn nước sông Mekong, cứu nạn

23/04/2021 12:55

Chuyên gia phân tích sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông sau khi ông Biden lên nắm quyền, cho rằng quốc gia này không chỉ giải quyết vấn đề tranh chấp biển.

Sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy ông không hề “kém cạnh” người tiền nhiệm Donald Trump trong đối sách với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, chính quyền Biden liên tục điều tàu chiến hiện diện ở Biển Đông, không chỉ trên danh nghĩa thực hiện các hoạt động tự do hàng hải mà còn tập trận chung với các đồng minh, đối tác trong khu vực.

Đáng chú ý, khác với thời cựu Tổng thống Donald Trump, các tàu chiến của Mỹ dưới thời Biden trước khi đến Biển Đông đều có hành trình đi qua eo biển Đài Loan. Nhiều ý kiến cho rằng, động thái này của Washington cho thấy, chính quyền Biden sẽ quyết liệt, cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Để làm rõ hơn về việc Mỹ liên tục điều tàu chiến đến Biển Đông sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, TS Phạm Cao Cường (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam) chia sẻ với VTC News, phân tích động cơ, tác động từ quyết định tăng cường hiện diện tàu chiến ở Biển Đông của Washington cũng như đưa ra một số dự báo về tình hình Biển Đông thời gian tới.

Không chỉ bó hẹp ở Biển Đông, Mỹ còn giải quyết nguồn nước sông Mekong, cứu nạn - 1

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. (Ảnh: Getty)

- Vì sao Mỹ liên tục đưa tàu chiến đến Biển Đông ngay giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Tổng Thống Joe Biden, thưa ông?

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì chính sách nhất quán trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, Mỹ vẫn bày tỏ lập trường muốn duy trì khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông và bám sát quan điểm, nguyên tắc trong vấn đề Biển Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Những nguyên tắc cơ bản trong vấn đề Biển Đông đã được ông Biden thực thi, tiếp nối từ người tiền nhiệm của mình. Washington cam kết duy trì tự do hàng hải; phản đối đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và đảm bảo khu vực tự do thương mại rộng mở; phản đối các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông; tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển - UNCLOS 1982.

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đến nay không có nhiều thay đổi với người tiền nhiệm. Sau khi lên cầm quyền, chính quyền Biden có những tuyên bố từ Tổng thống Biden cho đến các quan chức cấp cao như Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia, Cố vấn Tổng thống đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương… đều đưa ra những tuyên bố mang tính cứng rắn đối với Trung Quốc tại Biển Đông.

Việc Mỹ liên tục đưa tàu chiến ra Biển Đông là có nhiều lý do. Thứ nhất, Mỹ muốn tiếp nối lập trường của nước này trong vấn đề Biển Đông vốn được đưa ra dưới chính quyền Trump, thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp tự do hàng hải ở vùng biển này. Thậm chí, những tuyên bố của ông Biden nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và các nước khu vực Đông Nam Á.

Sự tiếp nối chính sách dưới thời Trump trong vấn đề Biển Đông sẽ giúp chính quyền Biden tạo thêm sự tin tưởng, giảm bớt quan ngại từ các đồng minh, đối tác trong khu vực rằng, chính quyền Biden sẽ xem nhẹ vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, Washington vẫn thể hiện lập trường, quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Cam kết của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông của chính quyền Biden được thể hiện qua việc Washington liên tục điều tàu chiến đến vùng biển này trên danh nghĩa thực hiện chiến dịch tự do hàng hải. Tuy nhiên, điểm mới ở đây là phần lớn tàu Mỹ sẽ đi qua eo biển Đài Loan trước khi đến Biển Đông. Như vậy, ngoài mục tiêu duy trì cam kết tự do hàng hải, đảm bảo ổn định khu vực, ông Biden còn muốn thông qua đó để cảnh báo, răn đe Bắc Kinh, cũng như thể hiện cam kết của Washington đối với vấn đề Đài Loan.

Trong những tháng đầu tiên sau khi nắm quyền, dù chính quyền Biden cam kết vẫn thực thi các đạo luật Đài Loan trước đây, song trên thực tế những hành động liên tiếp điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, đến Biển Đông cho thấy Mỹ đang muốn phô trương lực lượng, tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trước mưu đồ thôn tình hòn đảo này của Trung Quốc.

- Trước sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, thời gian qua Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm quyết liệt, không nhượng bộ khi điều tàu sân bay cũng như tàu dân quân biển ồ ạt ra ở Biển Đông. Điều này càng cho thấy rõ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh?

Trong nhận thức, giới lãnh đạo cũng như học giả Trung Quốc đều cho rằng Mỹ là nguồn cơn gây ra bất ổn ở khu vực cũng như Biển Đông. Bắc Kinh thường xuyên đổ lỗi cho Washington là tác nhân tạo ra những căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đưa ra luật hải cảnh, cho phép lực lượng tuần duyên nước này có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ các vùng biển của mình dường như đang tạo ra nhiều căng thẳng, gây nghi ngại cho các quốc gia láng giềng.

Phạm vi Trung Quốc áp dụng luật hải cảnh mới là không rõ ràng. Theo Bắc Kinh, đó là khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Điều này vốn bị Toà trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 bác bỏ.

Không chỉ bó hẹp ở Biển Đông, Mỹ còn giải quyết nguồn nước sông Mekong, cứu nạn - 2

cao cuong.jpg

Việc tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trước khi đến Biển Đông cho thấy chính quyền Biden vừa muốn duy trì tự do hàng hải, đảm bảo ổn định khu vực, vừa thông qua đó để cảnh báo, răn đe Bắc Kinh, cũng như thể hiện cam kết đối với vấn đề Đài Loan.

TS Phạm Cao Cường

Âm mưu của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông. Các tuyên bố của Trung Quốc đưa ra thời gian qua cho thấy nước này vẫn không từ bỏ lập trường, yêu sách đối với các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông. Nước này luôn gia tăng sức ép đối với các quốc gia có tranh chấp trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ngay trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tại Alaska, phía Mỹ đưa ra quan điểm không chấp nhận việc Bắc Kinh sử dụng biện pháp cưỡng ép để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ngược lại, Bắc Kinh phản đối, không chấp nhận luật chơi của Washington áp đặt tại Biển Đông. Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ đưa ra cái gọi là tự do hàng hải dựa trên luật lệ thể hiện cách chơi của Washington.

Bài phát biểu của ông Dương Khiết Trì tại Alaska nêu rõ, Trung Quốc không chấp nhận, không ủng hộ luật chơi của Mỹ ở khu vực. Điều này cho thấy Bắc Kinh muốn tạo ra vùng ảnh hưởng, luật chơi riêng của mình ở Biển Đông với tư cách là cường quốc trong khu vực để chiếm lợi thế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Chủ trương của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.

Mục tiêu và tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là không thay đổi. Việc Bắc Kinh cử rất nhiều tàu dân quân biển, tàu cá đến Biển Đông thời gian qua thể hiện ý đồ, lập trường của nước này. Tuy nhiên, các nước có tranh chấp ở Biển Đông cũng như Mỹ sẽ không chấp nhận điều này, muốn Trung Quốc hành xử phù hợp với luật lệ quốc tế, nguyên tắc khu vực.

- Tiếng nói của các nước có ý nghĩa gì với vấn đề Biển Đông?

Trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực vẫn dè dặt trong các tuyên bố của Washington hay của Bắc Kinh. Lập trường chung của các nước trong khu vực là thông qua cơ chế ASEAN đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), và tất cả đều mong muốn hoàn thiện bộ quy tắc này để giải quyết các tranh chấp ở khu vực bằng biện pháp hòa bình, giữa quan hệ tốt kể cả với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình để hoàn thiện COC hiện rất chậm chạp do sức ép từ Trung Quốc cũng như thái độ không dứt khoát của các nước trong khu vực.

Hiện có hai xu hướng giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Một số giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, muốn dựa vào Bắc Kinh để nhận các khoản hỗ trợ kinh tế cũng như các khoản viện trợ phát triển. Phần lớn các nước thừa nhận vai trò của Mỹ, coi Washington là nhân tố đảm bảo sự ổn định, cân bằng ở khu vực. Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực ngày càng tăng khi nước này tham gia nhiều hoạt động ở cơ chế song phương và đa phương từ hợp tác an ninh, diễn đàn ADMM+,…

Mặc dù Tổng thống Mỹ gần đây không tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Đông Á, song chính sách, các biện pháp trên thực tế, cụ thể của Washington cho thấy, nước này vẫn cam kết đối với khu vực thông qua cơ chế song phương và đa phương.

Mỹ không chỉ bó hẹp ở Biển Đông mà giải quyết vấn đề nguồn nước sông Mekong, cứu nạn… Điều này tạo ra sự can dự toàn diện hơn của Washington, giảm sức nóng trong vấn đề Biển Đông. Nếu Washington chỉ tập trung vấn đề Biển Đông sẽ tạo ra nhiều quan ngại cho các nước trong khu vực, trong khi can dự toàn diện sẽ tăng niềm tin các nước đối với Mỹ, xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông.

Không chỉ bó hẹp ở Biển Đông, Mỹ còn giải quyết nguồn nước sông Mekong, cứu nạn - 3

Đài Loan và Biển Đông là đượ xem là những thách thức ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Reuters)

- Tình hình Biển Đông trong năm nay sẽ phát triển theo chiều hướng nào, thưa ông?

Trong các đạo luật của Mỹ như Đạo luật phân bổ ngân sách quốc phòng, Tái trấn an châu Á… Washington đã nêu rõ sự cần thiết phải coi trọng lợi ích của nước này tại khu vực Biển Đông, xác định Mỹ có lợi ích quốc gia ở vùng biển này. Dưới thời cựu Tổng thống Trump, chính quyền Mỹ đã có nhiều đề xuất, đặc biệt cho rằng Mỹ cần có chiến lược quốc gia đối với vấn đề Biển Đông.

Cách tiếp cận của Mỹ dưới thời Trump nhận được sự đồng thuận giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ. Do đó, dưới thời Biden, chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là không thể đảo chiều, không thể đi ngược lại với các tuyên bố trong các đạo luật trước đây của Mỹ.

Trong thời gian tới, Biển Đông có thể tiếp tục là điểm nóng ở khu vực và chính sách của Mỹ đối với vùng biển này sẽ không có nhiều thay đổi. Theo đó, Washington sẽ duy trì lập trường cứng rắn, đảm bảo tự do hàng hải, muốn các quốc gia có tiếng nói nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí, các quan chức Mỹ cũng gợi ý việc nước này nên tham gia UNClOS 1982, vì điều này sẽ tạo cho Mỹ nhiều điều kiện trong việc giải quyết các vấn đề ở khu vực, nhất là các vấn đề Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, nước này vẫn thận trọng trong việc đề ra đường hướng đối với vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh vẫn đang theo dõi, xem xét thái độ của Mỹ cũng như các nước trong khu vực trong vấn đề Biển Đông để có cách hành xử phù hợp.

Chủ trương của Biden là hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực, tăng cường tiềm lực quân sự, chiến lược an ninh hàng hải, tìm đồng thuận giữa các quốc gia trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, Mỹ hợp tác với các quốc gia trong khu vực theo cơ chế song phương và đa phương trong vấn đề Biển Đông. Do vậy, trong thời gian tới, vấn đề Biển Đông sẽ có nhiều đồng thuận, sự tham gia của nhiều quốc gia ở khu vực.

Trước đây, dưới thời Trump, nhiều nước quan ngại, nghi ngờ chính sách của Trump đối với vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời Biden, cách tiếp cận của Mỹ là muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, và tìm cơ chế đa phương cũng như sự tham gia nhiều hơn của các nước trong khu vực. Điều này sẽ giảm sức nóng trong vấn đề Biển Đông, tạo ra đồng thuận nhiều hơn. Nếu như Trump phần lớn xử lý các vấn đề khu vực mang tính cá nhân, dựa trên chính sách đơn phương của Mỹ thì dưới thời Biden việc lôi kéo các quốc gia trong khu vực tham gia nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông sẽ nhận được sự ủng hộ hơn của nhiều nước.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn trong chính sách đối với các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh có thể sẽ đề ra các đối sách, hành động ép buộc các nước giải quyết vấn đề Biển Đông, và chủ trương của Bắc Kinh là giải quyết theo hình thức song phương.

Bên cạnh đó, cũng không ngoại trừ việc Trung Quốc đang thăm dò lập trường chính quyền Biden trong vấn đề Biển Đông, để đưa ra các biện pháp có thể mang tính khiêu khích, gây bất ổn khu vực như đưa tàu cá ồ ạt ra Biển Đông như thời gian qua, đưa một số giàn khoan vào các khu vực tranh chấp để thử thái độ của Mỹ và các nước, thậm chí hành động mạnh mẽ trong vấn đề Đài Loan…

Hành động của Mỹ tại Biển Đông sau khi ông Biden lên nắm quyền:

- Hôm 23/1, nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông nhằm "thúc đẩy quyền tự do trên biển". Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ tới Biển Đông dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần này bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm USS Russell và USS John Finn.

- Hôm 5/2, tàu khu trục tên lửa dẫn đường John S. McCain đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Tàu chiến Mỹ hiện diện ở Biển Đông sau khi có chuyến đi, quá cảnh qua eo biển Đài Loan một ngày trước đó.

- Từ 15-18/3, nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ và nhóm tấn công viễn chinh Mỹ (ESG) và đơn vị viễn chinh số 31 của thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập ở Biển Đông.

- Từ 6-7/4, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ đã tiến hành tập trận với không quân Hoàng gia Malaysia ở Biển Đông. Trọng tâm chính của cuộc tập trận chung này là để tiến hành các hoạt động chung và tương tác quân sự. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Malaysia trong năm nay.

- Từ 7-8/4, nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island (ARG) đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông. Nhóm này bao gồm tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island và tàu vận tải đổ bộ đường biển USS San Diego.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ bó hẹp ở Biển Đông, Mỹ còn giải quyết nguồn nước sông Mekong, cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO