'Không cần rượu, có anh nghĩ đến vợ đã tim đập chân run không lái được xe'

Hoài Thu| 24/11/2023 17:02

Hầu hết đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm đều đưa ra góc nhìn quanh chuyện "cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe". Có đại biểu ủng hộ quy định cấm, song cũng có ý kiến đề nghị nên có mức tối thiểu.

Quy định "cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe" là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 24/11.

Quy định này được nêu tại khoản 1 Điều 8 của dự luật, về những hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó dự thảo nêu rõ "cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn".

Cần có quy định về mức nồng độ cồn

Bởi "ly rượu là phong tục, tập quán người Việt Nam", đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc cấm tuyệt đối chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như bảo đảm tính khoa học.

Bà Phúc cho biết chuyên gia y tế nhận định có người tham gia giao thông không sử dụng bia rượu, chất có nồng độ cồn, tuy nhiên do điều kiện cơ thể sinh học, trong hơi thở có nồng độ cồn vượt hơn mức số 0.

Không cần rượu, có anh nghĩ đến vợ đã tim đập chân run không lái được xe - 1

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đánh giá việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trên thực tế, ông Trí đánh giá việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam. Ông Trí vì thế đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.

Đồng ý phải xử phạt hành vi uống rượu gây tai nạn, song đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng "uống rượu phải ở mức độ nào đó, vì rượu bia chỉ có tác hại khi uống quá nhiều, nếu không thì không nguy hiểm". Quan điểm của ông Tám là cần có quy định về mức nồng độ cồn.

Dùng quyền tranh luận để thể hiện quan điểm về việc này, đại biểu Trung Anh (Trà Vinh) cho rằng bản chất chúng ta muốn kiểm soát năng lực hành vi của người tham gia giao thông, nhưng rượu chỉ là một trong số các tác nhân.

Không cần rượu, có anh nghĩ đến vợ đã tim đập chân run không lái được xe - 2

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông nhấn mạnh rượu khi uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, nếu dùng ở mức độ "nếm rượu", có lẽ vẫn ổn.

Cho rằng cần phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với việc dùng hay không dùng rượu, đại biểu Bế Trung Anh cho rằng không nên quy định tuyệt đối nồng độ cồn bằng 0.

"Tác nhân gây ra hành vi yếu kém không chỉ có rượu. Thậm chí có anh đi trên đường chỉ nghĩ đến vợ là tim đập chân run rồi, không thể điều khiển được xe", đại biểu Bế Trung Anh nói vui.

Không cấm sẽ dễ phát sinh vi phạm

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) thể hiện quan điểm "không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc".

Ông cho rằng nên có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó mới xử phạt, tránh trường hợp như uống nước hoa quả lên men vẫn bị xử phạt, dẫn đến tranh cãi giữa các bên khi thổi nồng độ cồn.

Không cần rượu, có anh nghĩ đến vợ đã tim đập chân run không lái được xe - 3

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Tranh luận về việc này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) ủng hộ quan điểm cấm như trong dự thảo luật. Ông Thịnh đưa ra nhiều lý do lập luận cho quan điểm này.

Trước hết, vị đại biểu cho rằng tác hại của việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên, trên 50% số vụ người lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu, hơi thở.

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, quy định do pháp luật đặt ra nên tường minh, giúp người dân dễ chấp hành, có thể dễ dàng tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm.

"Giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu, phương án cấm sẽ tường minh, giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm", theo lời ông Thịnh.

Không cần rượu, có anh nghĩ đến vợ đã tim đập chân run không lái được xe - 4

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Ảnh: Phạm Thắng).

Vị đại biểu cho rằng việc cho phép được uống rượu nhưng dưới ngưỡng ở một góc độ nào đó sẽ tạo ra không gian thúc đẩy, phát sinh hành vi vi phạm. Bởi về tâm lý, nếu đã uống một chén rượu, khả năng uống thêm sẽ cao hơn là dứt khoát không uống rượu bia ngay từ đầu.

Nhắc lại việc Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2020, sau đó được triển khai mạnh từ năm 2022 đến nay và đang cho kết quả kiềm chế tai nạn giao thông rất tốt, theo ông Thịnh việc thay đổi vào thời điểm này là không hợp lý.

"Với các lý do trên, tôi cho rằng, quy định này không cần thiết phải bàn là có thay đổi hay không", đại biểu Thịnh nhấn mạnh quan điểm.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-can-ruou-co-anh-nghi-den-vo-da-tim-dap-chan-run-khong-lai-duoc-xe-20231124145753780.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-can-ruou-co-anh-nghi-den-vo-da-tim-dap-chan-run-khong-lai-duoc-xe-20231124145753780.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Không cần rượu, có anh nghĩ đến vợ đã tim đập chân run không lái được xe'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO