Từng bước ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Trong ảnh: Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Synopex Vina2, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). (Ảnh: Danh Lam/ TTXVN)
Khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển nhanh chóng, đóng vai trò trực tiếp và quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Để hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra, việc lựa chọn tiếp cận một cách phù hợp, xây dựng các chính sách có tính khả thi, đột phá, giải quyết những khâu then chốt có ý nghĩa quyết định thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Khơi thông nguồn vốn tại doanh nghiệp
Hoạt động khoa học và công nghệ là nhu cầu, yêu cầu nội tại của nền sản xuất và xã hội mỗi quốc gia, đồng thời cũng nảy sinh từ hoạt động đổi mới, sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức.
Vì vậy, cần chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phát triển và cụ thể hóa các chính sách khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt cần khơi thông nguồn vốn khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển.
Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp là chủ trương quan trọng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.
Vì vậy, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, quy định doanh nghiệp được phép trích tới 10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ; đối với các doanh nghiệp nhà nước, đây là quy định bắt buộc từ 3-10%.
Quy định này triển khai triệt để sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn từ xã hội để đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ. Doanh nghiệp sử dụng nguồn quỹ này cho mục đích triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và hỗ trợ phát triển công nghệ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty thường có quy mô quỹ lớn, lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Số lượng giải ngân của các quỹ này rất khiêm tốn, tập trung vào một số ít hoạt động có tính chất nghiên cứu, trong khi việc đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỷ lệ trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ rất thấp.
Việc sử dụng quỹ gặp nhiều vướng mắc, không đạt hiệu quả như mong đợi. Lượng doanh nghiệp trích quỹ chỉ chiếm 0,02% tổng số doanh nghiệp và tỷ lệ giải ngân chỉ khoảng 40%...
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết mục tiêu lớn nhất đặt ra với quỹ chính là huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Nếu như 10 năm trước, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ lên tới 80% còn xã hội chỉ chiếm 20%. Giai đoạn hiện nay, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ chỉ còn 52% và xã hội lên tới 48%.
Tỷ lệ này đã tăng nhưng vẫn đang cao so với những nước phát triển, tỷ lệ vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng trên dưới 30%.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN thay thế Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC quy định về quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, trong đó, về cơ bản loại bỏ các quy định có tính cứng nhắc về mặt quy trình và thủ tục với việc triển khai các nhiệm vụ, hoạt động sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ.
Mặc dù vậy, để thực sự khơi thông nguồn vốn khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp, cần thấy được tính đặc thù và nhu cầu thực sự đối với hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp.
Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng để thấy rõ sự gắn kết hữu cơ giữa đầu tư cho khoa học công nghệ và đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp, đầu tư cho khoa học và công nghệ cuối cùng phải quay lại phục vụ hoạt động sản xuất, không có hoạt động khoa học và công nghệ tách rời hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do vậy cần bỏ "rào cản" khi tách bạch nội dung chi cho khoa học công nghệ và chi cho phát triển sản xuất kinh doanh theo quy định hiện hành để doanh nghiệp thuận tiện trong việc khai thác và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, quy định về sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ hiện nay chủ yếu hướng doanh nghiệp tới các hoạt động nghiên cứu. Với trình độ quản lý và sản xuất hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam đối với hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu là các hoạt động cải tiến, ứng dụng đổi mới công nghệ thông qua việc mua/nhập khẩu trọn gói dây chuyền thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh; các hoạt động phục vụ nghiên cứu-phát triển công nghệ rất hạn chế, chỉ tập trung vào một số rất ít doanh nghiệp lớn nên cũng khó trong việc khơi thông nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Thúc đẩy vai trò các tổ chức khoa học và công nghệ công lập
Nhìn từ khía cạnh “cung,” các tổ chức khoa học và công nghệ công lập là một công cụ chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách khoa học và công nghệ quốc gia.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều duy trì và phát triển hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, bởi trình độ phát triển của hệ thống tổ chức này phản ánh trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.
Thử nghiệm thiết bị xét nghiệm chẩn đoán SARS CoV-2. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Sự khác biệt về mô hình tổ chức và định hướng hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào trình độ phát triển của nền sản xuất trong nước và ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn.
Tại Việt Nam, pháp luật và chính sách hiện hành đối với loại hình tổ chức khoa học và công nghệ công lập tập trung chủ yếu vào quy định về cơ chế tự chủ và lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ.
Hiện nay, chủ trương về tái cơ cấu, sắp xếp theo hướng chuyển dần các đơn vị theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, giữ lại những đơn vị chức năng phục vụ quản lý nhà nước. Vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, tổ chức khoa học và công nghệ dần thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thực tiễn hoạt động của các viện nghiên cứu sau khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp tục gặp nhiều khó khăn cũng như những thách thức mới.
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ gặp nhiều vướng mắc trong khâu thực thi; hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ được chuyển giao từ hoạt động khoa học và công nghệ sang hoạt động sản xuất kinh doanh không có tính cạnh tranh đã gây khó khăn đối với các đơn vị trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ.
Ngoài ra, việc thiếu đầu tư chiều sâu nhằm tăng cường năng lực công nghệ và cơ chế thu hút, phát triển nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao khiến nhiều tổ chức khoa học và công nghệ có năng lực cạnh tranh thấp, trình độ công nghệ thậm chí còn đi sau mặt bằng công nghệ của khối doanh nghiệp.
Việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển nhằm duy trì tính hiệu quả và đáp ứng những thay đổi từ thực tiễn, đảm bảo xác định đúng vai trò và sứ mệnh của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Các tổ chức ngoài công lập chưa có nguồn tài chính bền vững và lâu dài, khó tiếp cận các đề tài, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước.
Nhiệm vụ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập là hỗ trợ và gánh vác một phần sự mạo hiểm trong quá trình đổi mới sáng tạo ở khu vực sản xuất. Để làm được điều này, Nhà nước cần duy trì đầu tư cho hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập để đảm bảo vai trò đi đầu, đủ khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, dẫn dắt nền sản xuất trong nước.
Do đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng trong bối cảnh mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh những chính sách đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cần nghiên cứu để sớm có chính sách phù hợp đối với các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ theo chuyên ngành.
Từ thực tiễn hoạt động khoa học và công nghệ trong nước cho thấy, trong mỗi giai đoạn và trình độ phát triển của một quốc gia sẽ cần có chính sách ưu tiên khác nhau đối với hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Với trình độ công nghệ của nền sản xuất hiện tại, hoạt động khoa học và công nghệ của Việt Nam cần ưu tiên vào hoạt động ứng dụng, tiếp thu công nghệ để nâng cấp trình độ công nghệ trong nước cần đẩy mạnh trong giai đoạn tới./.