Khối ngoại bán ròng chưa từng có, VN-Index vẫn tăng ấn tượng

06/12/2023 17:36

Chỉ số VN-Index vẫn tăng ấn tượng nhờ dòng tiền nội đổ mạnh vào cổ phiếu nhiều nhóm ngành. Trong phiên hôm qua, khối ngoại bán ròng lớn chưa từng có trong năm 2023, điều này cũng không cản được chứng khoán đi lên.

Mở cửa thị trường sáng nay, chứng khoán khá thận trọng sau phiên bán ròng mạnh chưa từng có trong năm 2023 của khối ngoại ngày 5/12 hơn 1.600 tỷ đồng.

Hiện tượng khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trái với nhiều dự báo khi Mỹ phát đi tín hiệu ngừng và sắp đảo chiều hạ lãi suất. Đồng USD giảm giá và tỷ giá USD/VND ổn định trở lại trong nhiều tuần qua. Việc một số quỹ ngoại như Dragon Capital, Pyn, Tianhong… bán ròng cổ phiếu khiến không ít người lo ngại.

Dù vậy, sức cầu cổ phiếu từ các nhà đầu tư trong nước vẫn khá cao. Sau một buổi sáng khá thận trọng và chọn mua cổ phiếu ở mức giá tham chiếu hoặc cao hơn một chút, dòng tiền đổ mạnh hơn vào thị trường, ở nhiều nhóm ngành, nhất là vào cuối giờ chiều, qua đó kéo chỉ số VN-Index tăng khá mạnh.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, chỉ số VN-Index tăng 10,46 điểm (tương đương tăng 0,94%) lên 1.126,43 điểm. HNX-Index tăng 0,99% lên 233,63 điểm.

Thanh khoản trên thị trường đạt tổng cộng 20.500 tỷ đồng, trong đó có 18.000 tỷ đồng trên sàn HOSE. Con số này cao hơn mức trung bình phiên 15.065 tỷ đồng của cả 3 sàn trong tuần trước.

Thị trường chứng khoán tăng mạnh nhờ nhóm cổ phiếu trụ cột tăng khá mạnh. 27 trong số 30 cổ phiếu nhóm VN30 tăng giá, 2 mã đứng giá và chỉ mã Vinhomes (VHM) giảm giá. Hai cổ phiếu đứng giá là Vingroup (VIC) và Ngân hàng SeABank (SSB).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đồng loạt hút tiền của giới đầu tư. Đây được xem là 1 trong 3 nhóm được công ty chứng khoán khuyến nghị khi Nhà nước đang nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế, qua kênh tín dụng và đầu tư công.

Cổ phiếu TPBank (TPB) tăng khá mạnh thêm 400 đồng lên 17.450 đồng/cp. Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh tăng 300 đồng lên 28.100 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu dầu khí và bán lẻ cũng tăng khá.

chungkhoan hh14 ok.jpg
Dòng tiền đổ vào chứng khoán khá mạnh. (Ảnh: HH)

Trong phiên 6/12 khối ngoại tiếp tục bán mạnh nhiều cổ phiếu trụ cột, trong đó các mã như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Sacombank (STB), HDBank (HDB), VPBank (VPB), SHB… Tuy nhiên, áp lực bán ròng không còn mạnh như trong phiên liền trước.

Phiên ngày 5/12, khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.600 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng theo ngày cao nhất trong năm 2023, khiến không ít nhà đầu tư lo lắng.

Đây là một hiện tượng khá bất ngờ nhưng cũng có thể hiểu được trong bối cảnh nhiều quỹ hoạt động tại Việt Nam có hiệu suất thấp do vậy áp lực rút tiền từ cổ đông cao. Một số quỹ gần đây bán mạnh như Dragon Capital, PYN. Một số quỹ trong khu vực cũng rút vì khó khăn trong nước.

Mặc dù khối ngoại bán mạnh nhưng dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước đổ vào vẫn rất mạnh, giúp thị trường cân bằng trở lại trong phiên 5/12 và tăng khá mạnh trong phiên 6/12.

Thực tế, tình hình kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo một chuyên gia chứng khoán, đây là giai đoạn Nhà nước đang đẩy chính sách cung tiền và cũng là thời kỳ lãi suất rẻ. Lãi suất huy động đang xuống mức rất thấp, từ 3-5% cho kỳ hạn 6 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tại Vietcombank xuống mức thấp kỷ lục 2,4%/năm. Lãi suất giảm quá nhanh và mạnh khiến nhiều người gửi tiền lo lắng.

Tại một số ngân hàng quốc doanh và nguồn gốc quốc doanh khác, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng là 3%/năm, trong khi mức lãi suất cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Cho tới thời điểm này, việc đẩy vốn qua kênh tín dụng vào nền kinh tế vẫn khá chậm. Nền kinh tế vẫn chưa hấp thụ được tiền. Tuy nhiên, sức ép đẩy vốn ra có thể khiến một số nhóm tài sản tài chính thanh khoản cao như chứng khoán hút dòng tiền.

Với việc điều chỉnh room tín dụng gần đây, các ngân hàng có thể lãi suất cho vay xuống vùng đáy mới để “thúc” vốn vay ra mùa làm ăn cuối cùng trong năm. Trong chưa đầy 1 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng khoảng 6,2%, tương đương 730.000 tỷ đồng được ráo riết đẩy ra cho nền kinh tế.

Về đầu tư công, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn, khoảng 247.000 tỷ đồng, trong khi thời gian còn lại của năm rất ít.

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 30/11, ước giải ngân được trên 460.980 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch.

Gần đây, một số dự báo chứng khoán đã tích cực hơn. Thậm chí, VNDirect vừa đưa ra dự báo VN-Index có thể lên gần 1.500 điểm trong năm 2024. Công ty chứng khoán này cho rằng, thu nhập cổ phiếu EPS toàn thị trường có thể tăng trưởng 3,7% trong năm 2023 và sang tới năm 2024 có thể vượt trội lên mức 18%.

Hiện tại, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của VN-Index giao dịch ở mốc 13,6 lần. Dựa trên kỳ vọng EPS thị trường phục hồi trong quý 4 và mức P/E forward 2023 tương đương mức hiện tại, VNDirect cho rằng mức hợp lý của chỉ số VN-Index cuối 2023 là 1.140-1.150 điểm.

Bước sang 2024, kỳ vọng P/E của VN-Index sẽ phục hồi về mức trung bình 5 năm khoảng 15 lần do thị trường tài chính trở lại điều kiện bình thường trong khi EPS tăng trưởng tích cực, qua đó VN-Index có thể đạt vùng 1.400–1.450 điểm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khối ngoại bán ròng chưa từng có, VN-Index vẫn tăng ấn tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO