Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 40km, nằm giữa xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi) là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Nơi đây có hai doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý rác thải là Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar.
Các nhà máy của 2 đơn vị này sử dụng dây chuyền công nghệ đốt rác phát điện để xử lý, thay thế việc chôn lấp thủ công như trước đây. Tuy nhiên, nhiều năm nay người dân địa phương vẫn "kêu trời" vì ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước thải.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hình thành năm 2003. Những năm gần đây, ô nhiễm do hai khu xử lý rác này gây ra trở nên nghiêm trọng, người dân bức xúc.
Ngày 12/10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, đã lắng nghe người dân ở đây phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường nặng nề do hoạt động xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc gây ra.
"Nếu như trước đây, người dân có thể canh tác, sản xuất nông nghiệp thì nay khu vực đã ô nhiễm đất, nguồn nước, không thể làm gì", cử tri xã Phước Hiệp phản ánh.
9 tháng sau những kiến nghị trên, phóng viên Báo điện tử Dân trí trở lại điểm nóng ô nhiễm này, ghi nhận các "núi rác" ở đây chưa hề được giảm tải. Rác thải ùn ứ, chưa xử lý kịp, rác vẫn chất cao "như núi".
Hai nhà máy này nằm kề nhau, công suất xử lý rác của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khoảng 1.000 tấn rác/ngày. Công suất nhà máy xử lý rác của Công ty CP Vietstar khoảng 2.000 tấn rác/ngày.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết nhân dân địa phương phải chịu ảnh hưởng rất lớn về môi trường do hoạt động của khu xử lý rác trong nhiều năm qua.
Theo ghi nhận, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở rác từ nhiều quận, huyện tập kết về hai bãi rác này.
Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh chủ yếu từ hoạt động xử lý rác, khu vực ô nhiễm mùi hôi có bán kính đến 10km. Vào mùa mưa, kết hợp triều cường, tình hình thu gom nước thải sau xử lý tại khu liên hợp vẫn chưa đảm bảo.
Nước rác được xả ra hệ thống kênh 15, kênh 17, kênh 18 gần đó trở thành "nguồn tai họa" cho đời sống thường nhật của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, "núi rác" ở một số khu vực được che phủ bằng bạt, tuy nhiên phần lớn diện tích đều lộ thiên, nhiều máy xúc hoạt động liên tục để đẩy rác từ thấp chất lên cao.
"Núi rác" chất cao ở khu tập kết nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và nhà máy Vietstar. Khu vực có mái che ở nhà máy Tâm Sinh Nghĩa bị hư hỏng nặng, việc này gây đọng nước mưa, nước hôi thối chảy lan làm ô nhiễm nguồn nước.
Nước thải chưa được xử lý, đen ngòm đọng lại giữa bãi rác nhà máy Vietstar, bốc mùi hôi thối.
Quá trình đốt rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh những cột khói khổng lồ, mù mịt cả ngày lẫn đêm. Theo người dân địa phương, tình trạng này xảy ra liên tục trong nhiều năm qua.
Ông Tiễn (70 tuổi) sống ngay cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, cho biết ông sống ở đây từ trước khi có bãi rác. Từ khi chuyển bãi rác về đây, cuộc sống đảo lộn, mùi hôi thối của rác, ruồi muỗi, nước thải đen ngòm "bủa vây" cuộc sống gia đình ông.
Nước thải đen ngòm rò rỉ từ bãi rác trộn lẫn vào con suối chảy qua ngay cạnh nhà ông Tiễn.
Nằm cách Khu xử lý rác liên hợp Tây Bắc chừng 200m là khu dân cư của khoảng 20 hộ dân thuộc xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Đây là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc ô nhiễm không khí, nguồn nước từ các bãi rác.
Hiện nay, đất ở gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã bị ô nhiễm nặng, người dân không thể canh tác, không kiếm thêm được thu nhập, đời sống khó khăn.
Anh Bình (xã Thái Mỹ) cho biết gia đình anh đã sống ở đây từ trước khi có bãi rác, hàng ngày đều dùng nước giếng khoan sinh hoạt. Tuy nhiên, sau khi bãi rác xuất hiện, nước xuất hiện phèn vàng, gia đình anh phải xây bể chứa để lọc nước, hạn chế sự ô nhiễm.
"Bể gồm 2 phần, phần đầu nước bơm lên bồn chứa than, cát để lọc. Bể thứ 2 để chứa nước đã sạch đã được lọc, nhưng nước này chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ, nước ăn uống vẫn dùng nước bình", anh Bình nói.
Anh Bình cũng cho hay, ở cạnh bãi rác hàng chục năm nay, tình trạng ruồi, muỗi, mùi hôi thối diễn ra hàng ngày, đành sống cam chịu.
Sau thời gian giải tỏa còn một số hộ dân ở lại gần khu xử lý rác. Thành phố quyết định sử dụng bể 5.000 lít chứa nước cho người dân khu vực sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Hằng (tổ trưởng ấp Mỹ Hà, xã Thái Mỹ) là người được giao quản lý bể nước, mỗi ngày vào giờ tan tầm, người dân, công nhân, người ở trọ đều đến lấy nước về sử dụng.
"Bể nước được xây dựng 2 năm cho dân sử dụng miễn phí, bà con vui lắm. Ngay nhà cô cũng đang sử dụng nước này để dùng hằng ngày, nhưng để đảm bảo an toàn thì vẫn phải đun sôi khi dùng", bà Hằng nói.
Trong tổng số gần 10.000 tấn rác được người dân TPHCM thải ra mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đang phải xử lý bằng cách chôn lấp gần 1.000 tấn. Khoảng 2.000 tấn rác còn lại được 2 công ty trong khu liên hợp chịu trách nhiệm tái chế thành phân compost.
Trước đó, năm 2020, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với cả hai doanh nghiệp xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
Lỗi vi phạm của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar là xử lý chưa dứt điểm lượng rác nhận về nhà máy, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Tháng 10/2022, trả lời cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố sẽ định hướng áp dụng các công nghệ hiện đại để đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, lượng rác thải chôn lấp thời gian qua sẽ được thành phố tìm kiếm cách thức xử lý mới, tránh để lâu gây ảnh hưởng đến môi trường.
"Vấn đề này cần thời gian, kinh phí rất lớn. UBND TPHCM đã giao Sở TN&MT hoàn thiện, báo cáo lại với Thành ủy để có hướng xử lý bài bản, chủ động các vấn đề rác thải trên địa bàn", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.
Bài tiếp: Hơn 10 năm đợi chờ được sống không có ruồi, muỗi và mùi rác