Sáng 22/6, dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được khởi công xây dựng và tái bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông), diễn ra trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10) nơi tuyến chạy qua.
Có mặt tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh vai trò của tuyến metro số 2 là hình mẫu cho các dự án đường sắt đô thị triển khai trong thời gian sắp tới.
"Hôm nay là sự kiện quan trọng, thể hiện sự nỗ lực của chúng ta trong thời gian vừa qua. Tuyến metro số 2 khi hoàn thành sẽ kết nối vào metro số 1, cùng trong hệ thống 8 tuyến metro gắn với sự phát triển của đô thị TPHCM", ông Cường phát biểu.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP đặt yêu cầu lớn cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công. Ông Cường nhận định, hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến metro số 2 có nhiều hạng mục lớn, nhất là khâu quy hoạch không gian ngầm ở các nhà ga.
"Các nhà thầu phải thi công trên mặt bằng rất chật hẹp giữa khu dân cư đông đúc, do đó phải thi công hợp lý để tránh gây ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó phải đảm bảo bảo vệ môi trường, không gây thất thoát, phát sinh và cố gắng không gián đoạn thi công", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, từ kinh nghiệm thi công tuyến metro số 1 và các dự án giao thông khác trong thành phố thời gian qua, chủ đầu tư cần ưu tiên có được mặt bằng "sạch" để đẩy nhanh tiến độ và tránh việc khiếu kiện phát sinh.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư), đã báo cáo về tình hình thực hiện dự án, đặc biệt nói về tầm quan trọng của gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật.
"Gói thầu làm tiền đề cho việc tạo mặt bằng sạch và thông thoáng cả trên mặt đất và không gian ngầm, để bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng tuyến", ông Nguyễn Quốc Hiển nói.
Phó Chủ tịch UBND TP và Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị đều khẳng định hiệu quả của cách làm mới trong việc triển khai thi công, đó là ứng dụng mô hình BIM (Building Information Modeling - mô hình thông tin công trình) ngay từ trong giai đoạn thiết kế.
Việc áp dụng mô hình BIM đã góp phần giúp chủ đầu tư phát hiện xung đột giữa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật từ rất sớm trong quá trình thiết kế và kịp thời đề xuất các biện pháp thi công phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
BIM sẽ được tiếp tục áp dụng trong giai đoạn quản lý thi công các công trình này, nghiệm thu và đến khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
Lãnh đạo TPHCM biểu dương sự nỗ lực của toàn bộ nhân lực đã tham gia đưa dự án đến ngày hôm nay, sự quan tâm của chính quyền TP, các địa phương tuyến đi qua, các nhà tài trợ, đồng thời gửi lời cảm ơn đến những người dân đã nhường nhà đất để có mặt bằng thi công dự án.
Ông Trịnh Văn Tuấn (Công ty Cổ phần Tập Đoàn PC1), đại diện các đơn vị thầu thi công di dời hạ tầng kỹ thuật, cũng cam kết thực hiện nghiêm túc dự án và quyết tâm phấn đấu hoàn thành sớm hơn tiến độ.
Theo kế hoạch của MAUR, công tác thi công di dời công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án được thực hiện trong khoảng thời gian 20 tháng không liên tục tại 12 vị trí trên dọc tuyến tàu điện ngầm số 2 (9 vị trí nhà ga ngầm, 2 đoạn đào hở và một nhà ga trên cao), đại, toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đều được ngầm hóa.
Tuyến metro số 2 (giai đoạn 1: Bến Thành - Tham Lương) có đoạn đi ngầm dài gần 9,1km, là công trình dưới lòng đất đi qua khu đông dân cư dài nhất từ trước đến nay ở TPHCM. Do đó, khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời cũng rất lớn.
Theo đó, gói thầu được chia làm 2 giai đoạn. Ban đầu, nhà thầu sẽ thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; lắp đặt điện cao thế; di dời tạm các công trình điện trung thế và hạ thế, công trình viễn thông vào hành lang 5m hai bên tuyến đường sắt.
Vào giai đoạn 2, nhà thầu sẽ di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện trung và hạ thế, công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm đảm bảo phù hợp thiết kế, cảnh quan đô thị hiện đại.
Trước đó, UBND TPHCM có công văn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lùi thời gian khởi công tuyến metro số 2 đến năm 2025, hoàn thành năm 2030, chậm thêm 4 năm so với kế hoạch ban đầu.
Dự án tuyến metro số 2 đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136m2.
Về công tác giải phóng mặt bằng tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ bàn giao đạt 86,69% (508/586 trường hợp). Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%.
Hiện nay, vướng mắc lớn nhất là các trường hợp chưa thể thu hồi tại quận 3 (66 trường hợp) liên quan đến đơn giá bồi thường. Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP lập ra hồi tháng 4 đang tập trung để xử lý đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án trong cuối năm 2023.