Tôi tên Dương Hoa, năm nay 32 tuổi, là một nhân viên văn phòng, đã lấy chồng được hơn mười năm.
Mới đầu tôi cũng không phát hiện ra chuyện này, mãi dạo gần đây mới để ý đến.
Khi về nhà chồng hoặc bố mẹ chồng sang nhà chúng tôi chơi, ông bà luôn muốn tự mình nấu cơm cho chúng tôi ăn, không muốn chúng tôi phải phụ giúp gì nhiều. Tất nhiên là con dâu trong nhà, tôi cũng vẫn luôn chủ động phụ giúp ông bà, chỉ có những hôm trong tuần đi làm về muộn, tôi mới không giúp được nhiều thôi. Nhưng tôi để ý được rằng, cứ nấu cơm xong là ông bà chỉ gọi đúng một mình chồng tôi ra ăn.
“Con trai ơi, nhanh ra xới cơm”.
“Con trai ơi, ra bày thức ăn này”.
“Con trai ơi, ra lấy bát đũa đi con”.
Những việc đấy tôi không thấy ông bà gọi tôi đi làm bao giờ. Chỉ khi nào cơm canh dọn lên mâm đầy đủ mới thấy gọi, tôi còn chưa kịp đến bàn ăn, ông bà mới gọi: “Dương Hoa ơi, ăn cơm!”. Đúng vậy, con trai thì gọi “con ơi” rất thân thiết, con dâu thì gọi cả họ cả tên đầy xa cách.
Chồng tôi cười rồi nói đây chính là sự khác biệt đấy em à.
Ảnh minh họa.
Nhưng cũng không phải lúc nào tôi cũng chỉ ngồi không không làm gì. Mỗi khi nghe thấy bố mẹ chồng gọi chồng, tôi sẽ chủ động ra xới cơm bày biện thức ăn, còn hỏi đùa ông bà: “Sao bố mẹ không gọi con làm cho ạ?”.
Bố mẹ chồng tôi chỉ cười cười rồi lảng đi.
Nói thật lòng, chuyện này có hơi khiến tôi không vui. Tôi cũng từng nghĩ rằng ông bà làm như thế là không coi tôi như người nhà, nhưng nghĩ lại thì hình như tôi cũng không phải người nhà của họ. Cũng giống như chồng tôi mỗi lần về nhà vợ, chỉ ngồi một chỗ cười nói nhiệt tình, ăn uống no say, vợ bảo gì thì làm đó, thi thoảng giúp đỡ bố mẹ vợ mấy chuyện lặt vặt, chứ không hề can thiệp sâu hơn. Bố mẹ tôi có vẻ cũng còn ngại ngùng, dù chúng tôi cưới nhau đã lâu, nhưng mỗi lần gặp con rể vẫn lúng túng, không quá thân thiết, cố gắng hết sức để chồng tôi không phải động tay động chân vào việc gì, thậm chí đến lúc nói chuyện cũng vẫn rất khách sáo. Bố mẹ tôi nếu có chuyện gì vẫn sẽ ưu tiên nói riêng với tôi, chứ không nói với con rể.
Đừng khiến mình tủi thân, nếu không người đau khổ chính là bản thân chúng ta
Với kinh nghiệm làm dâu đã nhiều năm, tôi khuyên các chị em một câu: Đừng quá gắng sức rồi làm tổn hại bản thân, cũng đừng quá để tâm đến những chuyện vụn vặt làm gì.
Nếu như bạn thật sự rất để ý chuyện này, vậy đừng chỉ ngồi nghĩ ngợi linh tinh, mà hãy cùng đối mặt, phân tích vấn đề để tìm cách giải quyết.
Tôi còn nhớ lúc tôi và chị dâu cùng mang thai, mẹ chồng đến chăm sóc chúng tôi, chị dâu tôi kể mẹ chồng giặt quần áo thì chỉ giặt của con trai mẹ chứ không giặt đồ của chị ấy. Chị dâu rất bực mình, chị cảm giác mẹ chồng không thích cô con dâu này. Dần dà mẹ chồng con dâu bằng mặt không bằng lòng, tình cảm đi xuống, không muốn chạm mặt nhau.
Sau này, tôi hỏi mẹ chồng: “Sao quần áo của anh chị đều ở trong chậu mà mẹ chỉ giặt đồ của anh, không giặt của chị thế?”
Mẹ chồng tôi bảo: “Mẹ sợ quần áo của chị dâu con đắt tiền, mẹ giặt hỏng mất.”
Ảnh minh họa.
Trời ơi, tôi thấy lý do này cực kỳ hợp lý, nên tôi kể lại cho chị dâu, nhưng chị ấy vẫn không chấp nhận, vẫn cảm thấy mẹ chồng không thích chị, ấm ức trong lòng rất lâu. Ngày lễ tết gia đình sum vầy, nhưng không khí giữa mẹ chồng con dâu lại ngượng ngùng bức bối, không thoải mái, ai cũng giữ tâm sự riêng.
Giá như chị dâu có thể đối mặt với vấn đề từ sớm, thể hiện điều bản thân không hài lòng với mẹ chồng thì chuyện đã không như bây giờ. Đương nhiên, nếu giải quyết không khéo thì kiểu gì cũng cãi nhau.
Còn tôi, sau lần hỏi đùa bố mẹ chồng vì sao không gọi tôi giúp dọn cơm, tuy lúc đó ông bà chỉ cười trừ cho qua chuyện, nhưng tôi vẫn nói thêm với ông bà rằng: “Mấy chuyện này cứ gọi con, con làm được, bố mẹ đừng ngại”. Dần dà sau đó ông bà cũng hiểu, đến bữa cơm sẽ gọi cả hai vợ chồng tôi vào giúp.
“Hoa Hoa, rửa rau giúp mẹ!”.
“Con trai đâu, mau ra xếp bát!”.
“Hai đứa mau rửa tay đi, cơm nước xong xuôi cả rồi, ăn cơm thôi!”.
Khi ấy một nhà nói chuyện rất vui vẻ, không khí cũng đầm ấm hơn hẳn. Mỗi người giúp một tay, tuy bận rộn nhưng lại có hơi ấm gia đình.
Vậy nên chúng ta nên áp dụng phương pháp “lễ trước binh sau”, nói chuyện hoà giải nhẹ nhàng trước, nếu không được thì mới động đến áp lực, nói ra sự thật, thể hiện cảm xúc, mong muốn của bản thân với đối phương. Qua mỗi lần nói chuyện như vậy, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, cuộc sống sau này sẽ dễ thở hơn rất nhiều, chứ chiến tranh lạnh không giải quyết được vấn đề gì, chỉ khiến hai bên mệt mỏi.
Nhớ nhé, không thoải mái thì đừng cố kìm nén, đừng khiến mình tủi thân, nếu không người đau khổ chính là bản thân chúng ta mà thôi.
Theo Phụ Nữ Mới