Những kiến thức hữu ích
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, sau hơn 2 tuần tích cực, gần 70 thầy cô đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoàn thành xuất sắc nội dung tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài năm 2022.
Các học viên đã được trang bị những kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt chính quy và chuyên nghiệp. Thông qua các bài giảng các thầy cô, học viên đã được trang bị, trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hoá, lịch sử Việt Nam cũng như được tăng cường về sự giàu đẹp trong ngôn ngữ dân tộc.
Quang cảnh buổi lễ bế mạc. |
Ngoài ra, các học viên cũng được cung cấp, chia sẻ các tài liệu hướng dẫn giảng dạy có giá trị, do các giảng viên là các chuyên gia ngôn ngữ có nhiều kinh nghiệm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn biên soạn, nhằm hỗ trợ nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Việt.
Ngoài những giờ học trên lớp, các học viên đã đến dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, tham gia Tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đi tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội (như Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám), ở Ninh Bình (khu di tích Tràng An, Bái Đính, cố đô Hoa Lư).
"Hơn 2 tuần tập huấn với những tiết học sôi nổi, bổ ích đã kết thúc. Tôi hy vọng, các học viên đã thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích trong công tác dạy và học tiếng Việt và những kỷ niệm đẹp với các học viên từ nhiều nước qua các buổi học nhóm, những buổi thảo luận. Điều đó sẽ tiếp thêm động lực cho các thầy cô vượt qua những khó khăn để tiếp tục sự nghiệp gìn giữ tiếng Việt cho các thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài", ông Đinh Hoàng Linh cho biết.
Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, kết nối
Thầy giáo Lê Mai Trí Dũng, đến từ Thụy Điển xúc động và đánh giá rất cao hoạt động khóa tập huấn. Thầy cho biết, khoảng thời gian này không ít cũng không nhiều. Đủ để cho các thầy cô có được những trải nghiệm cơ bản về đất nước ta đang chuyển mình trong tình hình mới, kèm theo đó là những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong dịp tập huấn năm 2022 này. Hơn hết đó chính là, những người con từ phương xa có cơ hội trở về tổ quốc, được gắn kết với nhau, được tưới tắm lại lịch sử văn hóa Việt Nam một lần nữa.
Thầy giáo Lê Mai Trí Dũng, đến từ Thụy Điển phát biểu tại buổi lễ. |
"Khóa huấn luyện năm nay có phần đặc biệt hơn hết trong giai đoạn tình hình mới. Khi đoàn chúng tôi xuất hiện những học viên là F0, BTC đã rất năng động, linh hoạt trong việc tổ chức cách ly, tổ chức học online hiệu quả. Các thầy cô giảng viên đã vận dụng hết tất cả khả năng, kỹ năng sư phạm của mình tổ chức lớp học online từ xa, thi và chấm bài từ xa. Các thầy cô học viên cũng đã rất cố gắng đeo bám kiến thức, hơn hết là các thầy cô F0 dù ốm nhưng vẫn say sưa, miệt mài học tập với mong muốn lĩnh hội được bằng hết những tinh hoa của các giảng viên truyền đạt lại", thầy Trí Dũng chia sẻ.
Trao giấy chứng nhận khóa học cho các thầy cô. |
Cô giáo Nguyễn Thị Anh Thơ đến từ Nhật Bản, cho biết, bản thân mình đã mắc Covid-19 và đã phải học online từ phòng khách sạn thay vì được đến lớp trong những buổi cuối của đợt tập huấn.
"Với tôi, tấm chứng chỉ đã phải đổi bằng máu và nước mắt. Máu ở đây là đã bị nhiễm bệnh. Nước mắt là lo lắng cho phụ huynh lớn tuổi có thể lấy nhiễm từ mình, rồi nhung nhớ vì phải xa con nhỏ quá lâu, lại thêm lo hậu covid-19, nên có chút mẫn cảm đổ lệ. Chứng chỉ này còn đáng quý ở chỗ, nó là chứng nhận cho những gì tôi, cũng như các anh chị học viên khác đã thu nhận được qua đợt tập huấn này, tôi có thể gói gọn trong 4K: Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, kết nối."