Khoa học giải thích tại sao con người lại nằm mơ, điều gì xảy ra trong não khi đang mơ?

04/04/2021 10:39

Vì sao con người lại nằm mơ? Bộ não hoạt động như thế nào khi chúng ta chìm vào giấc mơ?

Có lẽ nhiều người trong số chúng ta đều tò mò về hai câu hỏi trên. Dưới đây là câu trả lời cho hai thắc mắc phổ biến này từ các chuyên gia hỏi đáp nổi tiếng trên trang tin khoa học Science Focus của BBC.

Điều gì xảy ra trong não khi bạn ngủ mơ?

Giấc mơ xấu giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi trong cuộc sống

(Ảnh: Science Focus)

Tại sao con người nằm mơ?

Những người bị tổn thương thùy đỉnh (parietal lobe), nơi tích hợp thông tin cảm giác trong não thì sẽ không nằm mơ.

Một giả thuyết cho rằng, trong khi chúng ta ngủ, thùy đỉnh tiếp tục tạo ra các tín hiệu và não trước (forebrain) của chúng ta cố gắng tạo ra các câu chuyện từ hoạt động này. Theo một số nhà nghiên cứu khác, giấc mơ xảy ra khi ký ức ngắn hạn được mã hóa và di chuyển sang bộ nhớ dài hạn, hoặc khi các kết nối không mong muốn bị "xóa" khỏi trí nhớ.

Còn những nhà tâm lý học tiến hóa thì cho rằng, giấc mơ có một giá trị sinh tồn đặc biệt. Chúng ta chủ yếu mơ về những mối đe dọa hoặc những tình huống căng thẳng. Có thể điều này là đúng! Giấc mơ sẽ giúp chúng ta tập dượt các chiến lược đối phó với mối đe dọa và căng thẳng đó một cách an toàn.

Tác giả phần này là nhà văn về công nghệ và khoa học Luis Villazon, cộng tác viên của nhiều báo và tạp chí nổi tiếng ở Anh như Science Focus, Daily Mail, Daily Mirror, PC Format, MacFormat...

Điều gì xảy ra trong não khi ta mơ?

Trong giấc ngủ REM, não của bạn liên tục hoạt động, mang đến cho bạn những cơn ác mộng và những giấc mơ.

Khi chúng ta nằm mơ, toàn bộ bộ não từ thân não đến vỏ não đều hoạt động. Hầu hết các giấc mơ xảy ra trong giấc ngủ REM-giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh, còn gọi là giấc ngủ mơ, ngủ nghịch lý. Đây là một phần của chu kỳ ngủ-thức và được điều khiển bởi hệ thống kích hoạt dạng lưới có các mạch chạy từ cuống não qua đồi thị (thalamus) đến vỏ não (cortex).

(Ảnh: WebMD)

Hệ viền (limbic system) ở não giữa là nơi xử lý cảm xúc cả khi ta thức và mơ. Hệ viền có hạch hạnh nhân liên quan chủ yếu đến nỗi sợ và đặc biệt tích cực trong những giấc mơ.

Vỏ não chịu trách nhiệm về nội dung của những giấc mơ, trong đó có những con quái vật mà chúng ta chạy trốn, những người chúng ta gặp gỡ, trải nghiệm bay trong mơ. Vì chúng ta là động vật có thị giác cao nên vỏ não thị giác (visual cortex) nằm ngay phía sau não đặc biệt hoạt động tích cực, và nhiều phần khác của vỏ não cũng vậy.

Ít hoạt động nhất là một số bộ phận của thùy trán (frontal lobe), và điều này giải thích tại sao chúng ta có thể rất dễ dãi trong các giấc mơ, chấp nhận những sự kiện điên rồ như thể chúng có thật - cho đến khi chúng ta tỉnh dậy.

Một số bộ phận của não liên quan đến giấc mơ (Ảnh: Dream Science)

Quan điểm này đến từ nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh, Susan Blackmore, kiêm nhà văn lẫn cộng tác viên thường xuyên của Science Focus. Susan là tiến sĩ ngành cận tâm lý (nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên như ngoại cảm, thôi miên...).

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khoa học giải thích tại sao con người lại nằm mơ, điều gì xảy ra trong não khi đang mơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO