'Cổng địa ngục' chết chóc từ thời La Mã cổ đại vẫn tồn tại cho đến ngày nay

12/05/2021 09:52

Các nhà khoa học đang nỗ lực làm sáng tỏ bí ẩn của một hang đá chết chóc mà người La Mã cổ đại xưa kia tin rằng đây chính là cánh cổng dẫn đến địa ngục.

Cổng địa ngục chết chóc từ thời La Mã cổ đại vẫn tồn tại cho đến ngày nay - 1

Hình minh họa "cổng địa ngục" ở thành phố Hierapolis của Hy Lạp xưa kia (ảnh: Đại học Salento).

Ở thành phố Hierapolis cổ xưa (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) có một hang đá ghê rợn với lời đồn rằng bất cứ sinh vật nào bước vào đều chết ngay tức khắc. Ngày nay, các nhà khoa học đã giải thích được hiện tượng bí ẩn này. Các loại khí độc trong hang chính là thủ phạm giết chết những con vật được dùng làm lễ hiến tế khi xưa. 

10 năm trước, các nhà khảo cổ học ở Trường đại học Salento (Italia), đã khai quật địa điểm mà cách đây 2.200 năm là một nơi thực hiện các nghi lễ linh thiêng này. Để vào trong hang, người ta phải đi qua một chiếc cổng đá. Chiếc cổng này được xây thành một bức tường của một đấu trường hình vuông với nhiều hàng ghế cao dần.

Các ghi chép từ xưa để lại cho thấy nơi đây được dùng để thực hiện các nghi lễ tôn giáo nghiệt ngã, trong đó có phần các thầy tu đã tịnh thân đưa những con bò đi qua cổng thiêng để đến cõi chết.

Cổng địa ngục chết chóc từ thời La Mã cổ đại vẫn tồn tại cho đến ngày nay - 2

Nơi linh thiêng này đã có từ 2.200 năm trước và được các nhà khảo cổ học khai quật vào năm 2011 (ảnh: Đại học Salento).

Đám đông ngồi trong đấu trường có thể nhìn thấy khí độc tràn qua cổng như một màn sương mù làm chết những con vật to lớn như thế nào, còn các thầy tu thì trở về khỏe mạnh như được các vị thần che chở, bảo vệ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra chiếc hang này sau khi quan sát thấy những con chim bay đến gần lối ra vào này đều chết rất nhanh, thậm chí đến nay vẫn thế. Trong một báo cáo năm 2018, nhóm các nhà khoa học của Đại học Duisburg-Essen (Đức) cho rằng khí độc nơi đây bắt nguồn từ hoạt động núi lửa ngầm trong lòng đất.

Cổng địa ngục chết chóc từ thời La Mã cổ đại vẫn tồn tại cho đến ngày nay - 3

Một phần của lối cổng đá dẫn vào hang (ảnh: Đại học Salento).

Lối cổng này được đặt tên là Pluto, theo tên của vị thần cai quản địa ngục trong thần thoại La Mã, và được xây ngay bên trên một khe nứt sâu nằm dưới thành phố Hierapolis. Từ khe nứt này, khí CO2 thoát ra. Nhóm nghiên cứu đã đo lượng khí độc này tại nhiều thời điểm và nhận thấy rằng nó đã tạo thành một "hồ" khí có độ sâu 40 cm trên sàn của đấu trường.

Trên tạp chí Khoa học Khảo cổ và Nhân chủng học, nhóm nghiên cứu đã công bố rằng "trong chiếc hang ở đền thờ thần Pluto, khí CO2 có nồng độ đậm đặc đến 91% và có thể gây chết người. Điều đáng ngạc nhiên là đến tận ngày nay, khí độc này vẫn tiếp tục thoát ra ở mức có thể giết chết côn trùng, chim chóc và các loài thú có vú".

Nồng độ khí độc cao nhất vào lúc mặt trời mọc, sau một đêm tích tụ trong hang. Ban ngày, khi có ánh nắng mặt trời, khí độc tan dần.

Dưới đáy hồ, sát mặt sàn đấu, nồng độ CO2 ở mức trên 50%, và ở độ cao 10 cm so trên mặt sàn đấu là 35%. Mức độ này hoàn toàn có thể làm chết người. Tuy vậy, lên đến độ cao 40 cm thì nồng độ này giảm đáng kể.

Cổng địa ngục chết chóc từ thời La Mã cổ đại vẫn tồn tại cho đến ngày nay - 4

Hang động chết chóc này ở thành phố Hierapolis, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, từng được người La Mã dùng làm nơi hiến tế bò tót.

Xưa kia, vào những ngày lễ, các thầy tu có chiều cao đủ để tránh được khí độc sẽ thực hiện các nghi lễ hiến tế các con vật lớn.

Văn bản cổ xưa nhất nói về cổng địa ngục này là do hai nhà sử học Hy Lạp là Strabo và Plinius viết. Nhà sử học Strabo viết rằng "nơi đây sương mù đậm đặc đến nỗi khó có thể nhìn thấy mặt đất. Bất cứ loài vật nào bị ném vào đó đều chết ngay lập tức. Tôi đã ném những con vẹt vào đó và chúng lập tức trút hơi thở cuối cùng và rơi xuống."

Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục công việc nghiên cứu tại địa điểm này. 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Cổng địa ngục' chết chóc từ thời La Mã cổ đại vẫn tồn tại cho đến ngày nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO