Đừng để lợi bất cập hại
Không thể phủ nhận công dụng và lợi ích của nhiều bài thuốc dân gian trong điều trị những bệnh thông thường cho trẻ nhỏ. Khi các phụ huynh ý thức và lo ngại với những tác dụng phụ của thuốc tây thì đồng nghĩa với việc các bài thuốc Đông y, chữa mẹo được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, do hiểu chưa đúng, chưa đủ hoặc quá lạm dụng những kinh nghiệm đều có thể khiến bố mẹ phải ân hận trong quá trình chăm sóc trẻ.
Nuôi con gái đầu lòng nhàn tênh do bé có thể lực tốt, ít ốm vặt nhưng khi bé trai thứ hai chào đời, vợ chồng chị Minh Thư (quận Tây Hồ, Hà Nội) không khỏi bối rối khi gặp những tình huống sức khoẻ ngoài dự đoán của con.
“Bé Bin mới 2 tháng tuổi phải vào bệnh viện khám vì viêm tiểu phế quản nhưng được điều trị ngoại trú và hết bệnh với đơn thuốc bổ phế của bác sĩ cùng các bài thuốc phối hợp quất đường phèn do bà nội tự làm. Khi được 7 tháng, con bị ho và sốt cao. Vẫn với lá nhọ nồi, khăn đắp trán và kiêng gió theo kinh nghiệm các cụ truyền lại, song lần này may mắn đã không đến.
Vào ngày thứ 3 bị nhiễm bệnh, bé Bin lên cơn co giật vì sốt quá cao. Tiếp sau đó là những ngày tháng cả gia đình thắc thỏm, lo âu mỗi khi Bin bị sốt. Cho đến khi con lên 7 tuổi, tôi vẫn lo lắng không yên vì cháu co giật lúc lên cơn sốt mặc dù được bác sĩ cho biết hiện tượng này lành tính”, chị Minh Thư nhớ lại.
Sau này, bình tĩnh tham khảo, chị Minh Thư biết mình đã phạm sai lầm khi quá tin vào bài thuốc hạ sốt theo kinh nghiệm dân gian. Rằng chị cần tham khảo bác sĩ để hạ sốt cho con bằng thuốc tây, kèm hỗ trợ bằng chườm khăn ấm, cho con mặc thoáng,… để tránh tối đa nguy cơ co giật do sốt cao có thể để lại di chứng nặng nề cho sự phát triển của trẻ.
Theo bác sĩ Trịnh Thế Hùng - Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên): Khi sử dụng các bài thuốc dân gian, theo kinh nghiệm truyền khẩu, phải hết sức thận trọng nếu không có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn hoặc tự đánh mất cơ hội chữa bệnh. Các bài thuốc này chỉ có giá trị trong trường hợp bệnh nhẹ, triệu chứng thoáng qua và bổ trợ cho phương pháp điều trị chính thống theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Phụ huynh có con nhỏ tuyệt đối không nên quá tin tưởng hoặc lệ thuộc vào hiệu quả của các bài thuốc theo kinh nghiệm.
Bác sĩ Hùng cũng lưu ý các bậc cha mẹ, khi quyết định sử dụng thuốc dân gian để chữa bệnh cho con, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, cần tham khảo kỹ các thông tin về công dụng của từng loại nguyên liệu. Bởi rất có thể phạm vào những thứ chống chỉ định, có thể gây tác dụng không mong muốn đối với trẻ nhỏ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến tình trạng của con trở nên trầm trọng hơn và gây khó khăn cho bác sĩ khi chẩn đoán và điều trị cho trẻ bằng Tây y.
“Mẹo” cũng cần có cơ sở khoa học
Ám ảnh về những nguy hại do lạm dụng thuốc tây đối với sự phát triển của con, nhiều bà mẹ trẻ chuyền tay các mẹo vặt chăm sóc con. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên, phụ huynh cần phân biệt những phương thuốc dân gian trong điều trị bệnh với những cách chữa mẹo không có cơ sở khoa học.
Một lần, con sốt gần 40 độ, từng nghe nói lá ngải cứu hạ sốt tốt, chị Trần Nga (quận Gò Vấp, TPHCM) sắc nước ép bé nuốt một ít nhưng chỉ 10 phút sau, bé bắt đầu nôn ói, tay chân lạnh. Đến lúc đó, chị Nga mới hốt hoảng đưa con đi cấp cứu và được biết bé bị sốt xuất huyết.
Theo PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh (Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế): Không phủ nhận tác dụng nhất định trong hỗ trợ điều trị bệnh của các bài thuốc dân gian từ các dược liệu phổ biến. Song các bậc cha mẹ nhất thiết phải để tâm đến cơ sở khoa học của những “mẹo” này để tránh hậu quả đáng tiếc.
PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh nêu ví dụ: Đắp khăn ấm lên nách, bẹn khi trẻ sốt, đó là cách làm khoa học, giúp trẻ không phải dùng quá nhiều thuốc mà vẫn hạ sốt hiệu quả. Một trong những nguyên nhân khiến cơ thể trẻ bị sốt là các lỗ chân lông bị bít lại do lạnh đột ngột, các mạch máu co lại khiến lưu lượng máu lưu thông bị giảm. Do đó, việc chườm nóng có tác dụng làm giãn nở lỗ chân lông trên cơ thể, giãn các mạch máu ngoại vi, tăng khả năng lưu thông máu, tăng khả năng tản nhiệt giúp hạ nhiệt nhanh hơn.
Hay giúp trẻ giảm ho bằng quả tắc (quất) chưng đường phèn: Tinh dầu trong quả tắc sẽ kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm và tống đờm ra ngoài. Ngoài ra, vitamin C trong quả này còn giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống cảm cúm.
Cũng theo PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh, khi con bị bệnh, cha mẹ có thể chọn điều trị theo Đông y hay Tây y nhưng nhất thiết phải là những phương pháp được hướng dẫn bởi bác sĩ, thầy thuốc chuyên ngành ở các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, hợp pháp. Còn những mẹo vặt mang tính truyền miệng, không có cơ sở khoa học thì nên hạn chế sử dụng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trịnh Thế Hùng cho rằng, việc trang bị những kiến thức để xử lý ban đầu khi con trẻ bệnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, phụ huynh nên tra cứu từ những nguồn tin cậy. Ví dụ như từ sách do các thầy thuốc viết, tư liệu của bệnh viện hoặc hỏi trực tiếp thầy thuốc hành nghề Đông y để bảo đảm an toàn và chăm sóc trẻ đúng cách, hiệu quả. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.