Tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Bình, khóa XVIII đã xem xét, biểu quyết, thông qua 18 nghị quyết quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh bức thiết trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Trong đó, HĐND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
Theo đó, tỉnh này sẽ bổ sung 743 chỉ tiêu hợp đồng lao động, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn năm 2023, thời gian hợp đồng tối đa là 12 tháng, kinh phí thực hiện hợp đồng từ nguồn sự nghiệp giáo dục thuộc nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh Quảng Bình.
Việc bổ sung số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, đảm bảo đội ngũ để triển khai thực hiện Luật giáo dục, gắn với chủ trương tinh giản biên chế.
Trước đó, Báo điện tửDân trí đã phản ánh , phản ánh những bất cập, khó khăn của ngành giáo dục Quảng Bình trước tình trạng thiếu giáo viên.
Năm học 2022-2023, tỉnh Quảng Bình có 553 trường, hơn 238.000 học sinh với gần 7.800 lớp. Theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định, với số lớp như vậy cần hơn 14.000 biên chế giáo viên. Tuy nhiên hiện nay, số biên chế giáo viên thuộc quản lý Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình và các huyện, thị xã, thành phố là hơn 13.000 biên chế.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, việc thiếu nhiều giáo viên là do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình, chính điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành giáo dục tỉnh này.
Thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Bình đã nỗ lực, vượt qua những khó khăn, áp lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ dạy học. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên khiến nhiều cán bộ quản lý, giáo viên phải kiêm nhiệm.
Nhiều trường học vì thực trạng thiếu giáo viên phải nhập lớp, ghép lớp dẫn đến vượt quá số lượng học sinh trong một lớp học theo quy định; giáo viên phải dạy liên cấp, liên trường, dạy chéo môn, dạy vượt thời gian quy định nhưng không có nguồn kinh phí để chi trả.