Vậy khó khăn mà phiên dịch viên gặp phải là gì? Làm thế nào để vượt qua khó khăn này?
Đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu rộng
Thành thạo ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ giao tiếp là điều bắt buộc đối với một phiên dịch viên dù bạn đang tìm việc làm tiếng Trung tại TPHCM hay tiếng Anh, tiếng Đức… Nhưng nếu chỉ giỏi ngôn ngữ thì chưa đủ để giúp bạn trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp.
Ngoài khối lượng từ vựng khổng lồ thì trong từng lĩnh vực sẽ có thuật ngữ, thành ngữ chuyên ngành đặc thù. Nếu bạn không hiểu rõ những khái niệm này, bạn sẽ dịch sai, dịch thiếu chính xác, không đúng mục đích người nói muốn truyền tải.
Cách để khắc phục tốt nhất là trước một dự án, bạn cần đọc tài liệu liên quan đến lĩnh vực đó, trao đổi trước với khách hàng nội dung quan trọng, mục tiêu, thông điệp khách hàng. Về lâu dài, bạn dành thời gian học, đọc sâu về lĩnh vực mà chủ yếu khách hàng của bạn đến từ đó.
Cần hiểu văn hóa giao tiếp bản địa
Ngôn ngữ là một phần của văn hóa. Đặc trưng văn hóa mỗi nước sẽ có những cách thức giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ, người Nhật rất tôn trọng cảm xúc với người đối thoại nên dẫu từ chối hay thúc giục họ đều thể hiện sự điềm đạm, lịch thiệp. Trong khi đó, người Anh thường đi thẳng vào vấn đề nhưng nếu phản đối, không vừa ý, họ sẽ dùng những từ ngữ ẩn dụ để bày tỏ. Ngược lại người Tây Ban Nha lại cẩn trọng, thường không đi thẳng vào vấn đề mà hay vòng vo để dò xét đối phương.
Theo nghề phiên dịch, bạn cần hiểu được văn hóa giao tiếp của các nước. Chỉ khi hiểu thì bạn mới lột tả trọn vẹn ẩn ý sâu xa của cuộc nói chuyện, lựa chọn ngôn ngữ phiên dịch phù hợp. Khi đó bạn mới là cầu nối giao tiếp thực sự giữa những người bất đồng ngôn ngữ của nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng cần phải hiểu tâm lý của khách hàng thì mới truyền tải có cảm xúc những thông điệp của họ.
Đây là thách thức không nhỏ với phiên dịch viên. Bạn phải tìm hiểu thật nhiều về văn hóa các nước, về cách thức giao tiếp đặc trưng của các nước. Thậm chí còn cần phải hiểu về chính trị, kinh tế, lịch sử… của quốc gia đó. Bạn cũng nên dành thời gian nghiên cứu, quan sát về đối tác để hiểu phong cách giao tiếp của họ.
Kết hợp nhuần nhuyễn nhiều kỹ năng
Phiên dịch viên được ví như một vận động viên thi đấu nhiều bộ môn phối hợp. Họ cần kết hợp nhuần nhuyễn nhiều kỹ năng khác nhau, từ lắng nghe, giao tiếp, xử lý tình huống, truyền đạt... tới duy trì cảm xúc, ghi chép, tập trung cao độ trong một cuộc phiên dịch.
Ví dụ, trong buổi phiên dịch, khách hàng nói quá nhanh, quá dài đòi hỏi bạn phải thực sự tập trung, ghi nhớ và ghi chép nhanh mới có thể chuyển tải đúng và đủ nội dung. Hay khi các bên không đạt được mục đích, có thể to tiếng với nhau thì bạn bình tĩnh, khéo léo làm giảm căng thẳng.
Để ứng xử chuyên nghiệp trước tình huống như vậy, bạn nên quan sát, tham khảo kinh nghiệm từ người cùng nghề. Và bạn cũng nên tham gia các khóa học về xử lý tình huống, giao tiếp. Thậm chí bạn có thể nhận những công việc không có thù lao để lấy kinh nghiệm và được rèn luyện kỹ năng.
Tính kỷ luật và mức độ cạnh tranh cao
Phiên dịch viên là cầu nối của các bên bất đồng ngôn ngữ nhưng vì lợi ích cá nhân, phiên dịch viên có thể không dịch sát với ngôn ngữ gốc. Điều đó khiến đối tác tổn thất, có thể là thời gian, danh dự hay các hợp đồng, dự án giá trị…
Bạn nhận được lợi trước mắt về kinh tế nhưng về đạo đức nghề nghiệp, bạn đã sai. Đây là cám dỗ mà bạn cần vượt qua bằng tính kỷ luật cao, tôn trọng sự thật, tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến khách hàng.
Chưa kể, đây là nghề có mức độ cạnh tranh và đào thải lớn. Bởi ngày nay, số người giỏi hai thậm chí nhiều ngôn ngữ là rất nhiều. Do đó, để không bị đào thải, bạn cần không ngừng nỗ lực, hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng để là phiên dịch viên chuyên nghiệp.
Phiên dịch là một nghề áp lực rất cao và không phải ai cũng “trụ” được với nghề và thành công nếu không biết cách vượt qua khó khăn. Hi vọng với chia sẻ trên, bạn sẽ hiểu thêm về nghề và có những quyết định đúng đắn khi lựa chọn nghề phiên dịch.
Nguyễn Lý