Politico đưa tin, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng EU cần phải đẩy nhanh tốc độ viện trợ tài chính cho Kiev.
Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh EU ngày 3/10 ký biên bản ghi nhớ về việc cung cấp các khoản vay dài hạn trị giá 5 tỷ EUR cho Ukraine.
Khoản vay này là đợt thứ 2 trong gói viện trợ 9 tỷ EUR mà EU công bố vào tháng 5. Tuy nhiên, tính tới lúc này, gói trên mới chỉ giải ngân 1 tỷ EUR và Ukraine cho biết, họ cần được nhận khoản còn lại để tiếp tục vận hành đất nước và đối phó chiến dịch quân sự hơn 7 tháng qua của Nga.
"Bộ trưởng Tài chính của chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn, khi ông ấy gửi các tấm séc tới quân đội, quỹ lương hưu… Chúng tôi phải có khoản tiền này. Vì vậy, việc chậm trễ dù là một tuần hay vài tuần là không thể chấp nhận được", ông Ustenko nói.
Theo Politico, sự phàn nàn từ phía Ukraine khá tương tự với nhận định giới chức Mỹ. Một nguồn thạo tin nói với báo trên rằng, Washington trong thời gian qua liên tục thúc giục EU thực hiện lời hứa viện trợ tài chính cho Ukraine.
Sự chậm trễ trong việc giải ngân của EU trong nhiều tháng qua được cho là do nội bộ khối không thống nhất được hình thức các khoản viện trợ. Họ đã đồng thuận được việc cho Ukraine vay 5 tỷ USD, nhưng với khoản còn lại, EU hiện vẫn chưa có được tiếng nói chung.
Trong bối cảnh chiến sự tàn phá nặng nề nền kinh tế, viện trợ nước ngoài được xem có ý nghĩa sống còn để Ukraine bù đắp vào ngân sách vận hành đất nước. Ukraine ước tính họ cần 5 tỷ USD mỗi tháng. Sản lượng kinh tế Ukraine ước tính giảm 35-40% trong năm nay và Kiev đã cố gắng tìm cách cấp ngân sách cho chiến dịch quân sự thông qua các biện pháp như phát hành trái phiếu thời chiến, in tiền cũng như xin viện trợ phương Tây.
Đến nay, Ukraine đã nhận được 4,2 tỷ EUR viện trợ tài chính từ EU và khoảng 10 tỷ USD từ Mỹ.
Để đối phó với khó khăn, Ukraine đã nhiều lần đề nghị phương Tây chuyển tài sản của Nga bị đóng băng cho Kiev để tái thiết đất nước.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, phương Tây đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga, cũng như 30 tỷ USD từ các tài phiệt của Moscow.
Tuy nhiên, cho tới nay, Mỹ vẫn cho rằng đề nghị nói trên là không hợp pháp và có thể tác động tiêu cực tới uy tín của Mỹ, quốc gia được xem là một trong những nơi giữ tài sản an toàn nhất thế giới.
Thụy Sĩ cũng không ủng hộ đề nghị của Ukraine.
"Đối với chính phủ Thụy Sĩ, việc tịch thu tài sản chỉ trên cơ sở thuộc về một nhà nước hoặc một thực thể nằm trong danh sách trừng phạt. Phương án sử dụng chúng để tái thiết Ukraine hiện không phải là một lựa chọn thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine", phát ngôn viên của Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ Fabian Maienfisch nói.
Thụy Sĩ, quốc gia châu Âu có truyền thống trung lập, hồi đầu năm đã đồng ý trừng phạt Nga. Hồi tháng 5, họ thông báo đã đóng băng 6,5 tỷ USD tài sản của Nga. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, các tài sản này vẫn thuộc về các chủ sở hữu Nga, dù họ không thể tiếp cận nó.