Khi Trung Đông không còn là ‘chảo lửa’

Lưu Huỳnh| 30/03/2022 17:53

Những gì đang diễn ra tại Saudi Arabia, Israel, Iran cho thấy xu thế hòa bình, hợp tác đang ngày một nổi trội tại Trung Đông.

Khi nhắc đến Trung Đông, không ít người sẽ nghĩ đến một khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng từ bất ổn chính trị và xung đột kéo dài. Tuy nhiên, hình ảnh ấy đã là quá khứ. Những diễn biến gần đây nhất tại Saudi Arabia, Israel và Iran cho thấy xu thế hòa bình, hợp tác đang dần chiếm ưu thế tại Trung Đông.

Theo đài RT (Nga), ngày 29/3, người phát ngôn của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu, Chuẩn tướng Turki Al-Maliki thông báo nước này đã tuyên bố ngừng mọi hoạt động quân sự ở Yemen, hướng tới tìm kiếm giải pháp lâu dài cho xung đột ở nước láng giềng.

Trước đó, ngày 26/3, phiến quân Houthi tại Yemen cũng đề nghị đình chiến, gợi mở hòa bình có thể kéo dài nếu Saudi Arabia đồng ý.

(03.30) (Từ trái sang phải) Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị cấp cao Negev ở Israel, ngày 28/3/2022. (Nguồn: WAM)
(Từ trái sang phải) Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị cấp cao Negev ở Israel, ngày 28/3/2022. (Nguồn: WAM)

Theo ông Al-Maliki, Saudi Arabia đã thực hiện theo yêu cầu của Tiến sĩ Nayef Al-Hajraf, Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nhằm “tạo điều kiện thuận lợi cần thiết cho các cuộc tham vấn thành công và một môi trường thuận lợi cho Tháng lễ thánh Ramadan để xây dựng hòa bình, an ninh và ổn định ở Yemen”. Đây chắc chắn là tín hiệu tích cực và bước khởi đầu then chốt trên chặng đường đi tới hòa bình tại đất nước Yemen, sau 7 năm xung đột kéo dài.

Trước đó, trong khuôn khổ Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani và Thái tử Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan đã lần đầu tiên gặp gỡ kể từ khi bốn nước Arab chấm dứt tranh cãi ngoại giao với Qatar năm 2021. Hãng thông tấn nhà nước Qatar đã đưa tin về cuộc gặp, trong khi các trang tin UAE còn công bố một video về hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Hai sự kiện này cho thấy thay đổi tích cực trong quan hệ giữa Saudi Arabia và hai nước láng giềng/khu vực quan trọng.

Trong khi đó, Israel cũng nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước Arab, thể hiện rõ nét qua “Hội nghị Negev” ngày 27-28/3, với sự góp mặt của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng người đồng cấp Ai Cập, Bahrain, Morocco và UAE.

Đây là sự kiện mang tính “lịch sử” khi lần đầu quy tụ các ngoại giao cấp cao của các nước Arab ký Hiệp ước Abraham bình thường hóa quan hệ với Israel. Do đó, nó còn được gọi là “Hội nghị Ngoại trưởng các nước ký Hiệp ước Abraham”.

Tại Hội nghị, các bên đã thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế lớn, từ trọng tâm là thỏa thuận hạt nhân Iran, xung đột Israel-Palestine, tới mở rộng hợp tác an ninh, kinh tế, tăng cường chống khủng bố giữa các bên.

Dù được tổ chức bất ngờ và chưa mang nhiều hàm ý thực chất, song sự hiện diện của Mỹ và các nước Arab ký Hiệp ước Abraham, cùng mong muốn của Israel nhằm đưa sự kiện này thành diễn đàn thường niên khiến Hội nghị Negev vẫn tạo dấu ấn tích cực để củng cố, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác tại Trung Đông hiện nay.

Trong khi đó, Iran cùng các bên liên quan đang nỗ lực thúc đẩy Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngày 23/3, Ngoại trưởng Iran Amir-Adollahian cho biết, tất cả các bên tham gia đàm phán đã gần đạt được sự nhất trí để hồi sinh JCPOA. Tương tự, phát biểu tại Diễn đàn Doha, Qatar ba ngày sau đó, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng lạc quan về triển vọng này.

Về phần mình, ngày 4/2, Mỹ đã gỡ bỏ cấm vận với chương trình hạt nhân dân sự của Iran.

Hơn 1 tháng sau, Washington cũng cân nhắc đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi danh sách trừng phạt, điều Tehran đã nhiều lần yêu cầu. Mặc dù còn một số vướng mắc giữa các bên, song đây chắc chắn là những tín hiệu tích cực cho quá trình đàm phán, nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các diễn biến trên cho thấy hòa bình, hợp tác đang ngày càng nổi trội và trở thành xu thế chủ đạo tại Trung Đông. Mong rằng xu thế tích cực này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai, để hình ảnh “chảo lửa” Trung Đông mãi lùi vào quá khứ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi Trung Đông không còn là ‘chảo lửa’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO