Khi thầy cô lo ứng phó với… ChatGPT

02/02/2023 14:00

Chỉ mới ra đời vài tháng, phần mềm ChatGPT đã đặt các giáo viên và nhiều vấn đề cơ bản của giáo dục đứng trước thách thức không dễ có câu trả lời.

Giữa lúc mạng xã hội ở Việt Nam đang bàn tán xôn xao về phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT, thì tôi nhận được tin nhắn từ cậu em trai đang du học ở Mỹ: "Hài quá, buổi học đầu tiên của kỳ mới giáo sư nào cũng nhắc sinh viên là đừng dùng ChatGPT để viết bài nhé!".

Ở thời điểm hiện tại có lẽ hơi quá khi ví ChatGPT như một "cơn sóng thần" với nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục, và thậm chí là ông lớn Google phải run rẩy vì năng lực "hỏi - đáp" của phần mềm này. Nhưng qua thực tế những gì ChatGPT có thể làm được và lời nhắn nhủ từ cậu em trai của tôi gửi đi hai tín hiệu rõ rệt. Thứ nhất, sức mạnh của ChatGPT đủ lớn để khiến những người làm trong ngành giáo dục phải lo lắng. Thứ hai, các thầy cô vẫn chưa nghĩ ra được cách để ứng phó với việc sinh viên sử dụng các công cụ như ChatGPT để viết luận hay làm bài tập về nhà.

Trong bài viết trước trên báo Dân trí, tôi đã giải thích cơ bản . Để mô phỏng được trí tuệ thực thụ của con người, những phần mềm xử lý ngôn ngữ tự nhiên dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT hay Writesonic đã "học" bằng cách đọc vô số các tài liệu bằng văn bản trên mạng internet. Có thể ví chúng như những kẻ mọt sách, điểm khác biệt là chúng đọc nhanh hơn con người rất nhiều và không cần ăn, ngủ, nghỉ. Vì thế chỉ sau thời gian tương đối ngắn là AI có thể tổng hợp được gần như toàn bộ tri thức của nhân loại.

Cho đến giờ phút này, AI vẫn chưa hiểu được như cách con người hiểu. Nó không hiểu và trả lời như cách một người bạn hiểu và trả lời ta khi hai người trò chuyện ở quán cà phê hay trên bàn nhậu. Tuy nhiên, những mô hình ngôn ngữ lớn (Large language model - LLM) như ChatGPT đã có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào bởi sau khi đọc hàng tỷ văn bản do con người viết, nó đã phát triển được khả năng "siêu dự báo". Cụ thể hơn, nó có khả năng dự đoán các chuỗi từ ngữ và nhận biết được rằng trong ngữ cảnh cụ thể thì tổ hợp nào sẽ là phù hợp và đúng ý người hỏi nhất. Ví dụ: Từ "chiếc" có thể đi trước những từ như "xe ô tô" hay "bánh kem", nhưng nếu câu hỏi liên quan đến việc đi lại thì câu trả lời chính xác nhất gần như sẽ luôn là "xe ô tô".  Cứ như vậy, nó có thể trả lời được mọi câu hỏi ở mọi cấp độ phức tạp và độ dài khác nhau.

Trong thời gian trước mắt, AI sẽ khiến nhiều người làm giáo dục phải đau đầu bởi với cách ra đề bài và chấm điểm hiện nay, việc phân biệt học sinh giỏi và học sinh khá, sinh viên chăm và sinh viên lười đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Khi mà nền tảng của nền giáo dục hiện đại vẫn là xếp loại và đánh giá năng lực của học sinh, sinh viên dựa trên các bài luận và bài kiểm tra thì AI sẽ đặt ra thách thức không nhỏ.

Trên thực tế đã có một số phần mềm có thể phát hiện xem đoạn văn bản nào đó được viết bởi con người hay tạo ra bởi các AI như ChatGPT. Nghĩa là các thầy cô có thể dùng AI để ứng phó với AI. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiệu quả sẽ tương đối hạn chế vì hai lý do. Một là những bạn sinh viên khôn khéo một chút sẽ không dùng nguyên văn những gì AI viết mà sẽ "xào xáo" để thay đổi văn bản một cách đáng kể. Khi đó các phần mềm phát hiện AI về cơ bản cũng sẽ "bó tay". Hai là các bạn không nhất thiết sẽ dùng AI để đạo văn mà sẽ chỉ sử dụng chúng như những công cụ để gợi mở tư duy. Khi quá bí ý tưởng về một đề tài nào đó, các bạn có thể hỏi AI để có những tư vấn, hỗ trợ nhất định. Dù các bạn dùng cách nào đi nữa thì kết quả vẫn không thay đổi: giáo viên vẫn không thể đánh giá được chính xác thực lực thuần túy của học viên.

Tất nhiên, không có công cụ nào là vạn năng và mọi hệ thống đều có lỗ hổng. ChatGPT có thể trả lời rất nhanh và rất đa dạng mọi loại câu hỏi nhưng ít nhất tại thời điểm này, nhìn chung các câu trả lời của nó chỉ dừng ở mức đạt. Các câu trả lời của ChatGPT thường có xu hướng an toàn, tròn trịa, tuy đầy đủ thông tin nhưng thiếu sự đột phá hay sáng tạo.

Để có một câu trả lời thật sự tốt, người dùng phải biết đặt những câu hỏi chính xác và đầy đủ chi tiết (trong khi đó lại là một kĩ năng mà ít người có được). Hơn nữa, hiện nay công cụ này đang giới hạn độ dài của câu trả lời, đồng nghĩa với việc sinh viên không thể yêu cầu nó thay mình viết một bài luận hoàn chỉnh để nộp cho thầy cô. Do đó, tuy ChatGPT có thể nâng mặt bằng chung cho các bài luận của sinh viên lên, song những bài viết có sự đầu tư chất xám thực sự vẫn sẽ thể hiện sự khác biệt rõ ràng.

Cá nhân tôi cho rằng cách thức hiệu quả nhất để răn đe, ngăn chặn việc các học viên lạm dụng AI là kiểm tra ngẫu nhiên. Là giáo viên, tôi sẽ tuyên bố công khai rằng mình sẽ kiểm tra miệng tác giả của những bài viết có dấu hiệu của việc dùng AI để đạo văn trước cả lớp.

Việc "hỏi xoáy đáp xoay" ắt sẽ cho ta biết đâu là những học sinh đã nghiêm túc làm bài tập và đâu là những người đã nhờ AI làm hộ. Tôi tin việc phải chịu bẽ mặt trước cả lớp, khi không trả lời được những câu hỏi liên quan tới bài viết do chính mình nộp hẳn đã là một hình phạt có sức răn đe rất mạnh mẽ rồi. Cách thức này có thể không hiệu quả tuyệt đối, song nếu được thực hiện triệt để và nghiêm túc, nó sẽ khiến phần lớn các học sinh, sinh viên phải nghĩ thật kĩ trước khi sử dụng AI để "qua mặt" các thầy cô.

Một lựa chọn khác là các bạn vẫn dùng AI để làm hộ bài nhưng sau đó phải chỉnh sửa thật kĩ và nghiên cứu thật kĩ về chủ đề của mình để chẳng may bị kiểm tra miệng thì vẫn trả lời được. Nếu vậy thì các bạn cũng đã tự học một cách rất nghiêm túc rồi và việc sử dụng AI chẳng phải đã thực hiện được đúng mục tiêu giáo dục của nhà trường hay sao?

Chỉ mới ra đời vài tháng, ChatGPT đã đặt các giáo viên và nhiều vấn đề cơ bản của giáo dục đứng trước thách thức như vậy, thì vài năm nữa ai đoán được AI sẽ còn phát triển đến đâu? Cải cách giáo dục vì vậy có lẽ cần được định nghĩa lại, hay ít nhất là bổ sung thêm định nghĩa, đó là làm sao để việc học tập kiến thức của con người phù hợp hơn trong một thế giới mà trí tuệ nhân tạo đang tiến bộ từng ngày.

Tác giả:Ngô Di Lân nhận học bổng toàn phần và tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học xã hội tại Đại học Maastricht, Hà Lan. Anh cũng là 1 trong 5 ứng viên xuất sắc nhất được Đại học Brandeis (Mỹ) cấp học bổng tiến sĩ toàn phần và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học này.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tam-diem/khi-thay-co-lo-ung-pho-voi-chatgpt-20230201105341405.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/tam-diem/khi-thay-co-lo-ung-pho-voi-chatgpt-20230201105341405.htm
    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Khi thầy cô lo ứng phó với… ChatGPT
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO