Khi sự sống được vun đắp từ nghịch cảnh

Bích Trâm| 02/02/2022 06:50

Giờ đây khi một mùa Xuân mới đến, người ta lại nghĩ về cái trứng, mớ rau, miếng thịt, con cá… nhưng không phải để dự trữ cho những ngày mai bất định nữa mà là để chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, đoàn viên, sau một năm quá nhiều nhọc nhằn.

“Quạc quạc quạc…”. Âm thanh quen thuộc vang lên từ nhà một người hàng xóm ở cuối khu phố. Nếu như đây là một vùng đồng quê thì cũng chẳng có gì đáng nói, vấn đề là tôi đang sống ngay giữa lòng Sài Gòn, nơi loài vịt vốn chỉ phổ biến nhất trên… bàn ăn.

Số là, tận hồi tháng 8, tháng 9 vừa qua, gia đình người hàng xóm ấy dự trữ mớ trứng trong nhà để dùng dần trong những ngày người dân Sài Gòn được yêu cầu “ai ở đâu yên đó”. Nào ngờ cả nhà họ tiêu thụ không kịp như kế hoạch. “Hậu quả”: vào một ngày đẹp trời, hai chú vịt con hiên ngang chào đời từ hai trứng vịt lộn trong bếp. Thế là kể từ đó, cứ mỗi sáng sớm, mọi người trong khu phố này dần quen với hình ảnh hai chú vịt con lạch bà lạch bạch bước đi kiếm ăn trong con hẻm nhỏ.

hinh-minh-hoa-3(1).jpg
Hai chú vịt con sinh ra trong một tình cảnh khá éo le, trở thành nhân chứng cho một giai đoạn Sài Gòn khó khăn nhất

Những ngày của năm 2021 vừa qua, lúc hai chú vịt đó ngơ ngác chào đời giữa lòng phố thị, với tôi và có lẽ cũng như với mọi người dân Sài Gòn, là giai đoạn luôn phải rùng mình khi nhớ lại. Tâm lý người người, nhà nhà đều hoang mang trước quá nhiều luồng thông tin liên tục đổ về. Ai cũng nói về “giãn cách”, “cách ly”, “phong tỏa”, “chốt chặn”, “giới nghiêm”, “giăng dây”, “ngày giờ được đi chợ”… Người dân được kêu gọi “bình tĩnh, không hoang mang” vì nguồn cung lương thực thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu luôn được đảm bảo. Các biện pháp đi chợ hộ cũng được thực hiện.

Nhưng trên thực tế là chẳng mấy ai yên tâm, nhất là những gia đình đông thành viên nhiều thế hệ với đa dạng nhu cầu. Người ta đổ dồn đến các chợ, siêu thị và kể cả cửa hàng tiện lợi, các xe hàng rong tự phát dọc mọi con đường để mua từ thịt, cá, trứng, sữa, rau, đồ ăn đóng hộp, mì gói cho đến giấy vệ sinh, nước rửa chén, bột giặt… Đột nhiên trứng cũng trở thành một trong những loại hàng hóa được săn lùng. Người ta còn chụp được hình ảnh một người đang đẩy chiếc xe đầy ắp trứng tiến ra quầy tính tiền tại một siêu thị.

Tôi không chắc người hàng xóm trữ bao nhiêu trứng đến mức để lại “hậu quả” như vậy, nhưng sự xuất hiện của hai chú vịt con ngay giữa mảnh đất tôi đã sinh sống và làm việc cả chục năm qua và nay đang lâm vào một cơn “bạo bệnh”, quả thật có đem lại cho tôi chút niềm an ủi nho nhỏ. Chúng như nhắc nhớ rằng sự sống nhiệm màu vẫn có thể nẩy nầm và can trường lớn lên dù trong nghịch cảnh.

20210805_111313(1).jpg
Những gói hỗ trợ chuyển đến cho người dân vùng dịch những ngày tháng khó khăn. (Ảnh BĐ)

Trước dịch không lâu, tôi có dịp trò chuyện với một số anh chị em bạn bè về cảm nghĩ đối với cuộc sống ở Sài Gòn, người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn có, người từ các địa phương khác đến sống và làm việc cũng có. Mỗi người mang nhiều suy nghĩ, nhưng tựu trung đều cho rằng Sài Gòn là nơi mà ai cũng có thể tìm được một chỗ nào đó cho mình, từ mức thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng cho đến hàng ngàn, chục ngàn đô la Mỹ, vẫn “sống được” dù chưa bàn đến chuyện có cảm thấy hạnh phúc hay không.

Nhưng đến đợt “bạo bệnh” này, không cần phải có một khả năng thấu cảm đặc biệt để nhận thấy mảnh đất này cũng dễ bị tổn thương như thế nào. Rất nhiều người từng “sống được” giờ chật vật với công cuộc mưu sinh giữa muôn trùng thay đổi bất định.

Tôi sẽ không thể nào quên những buổi chiều trước 6 giờ, vào cái giai đoạn mà người dân được yêu cầu không ra đường đến 6 giờ sáng hôm sau. Một lần, tôi thấy có xe đẩy chất mớ rau muống của người phụ nữ tầm tuổi trung niên. “Rau đây, hai mươi ngàn một bó đây!”. Bà vừa dứt vài lời rao, chiếc xe tải nhỏ của đội trật tự đô thị tới, có mấy anh thanh niên chạy xe máy đi trước. Họ cũng không nỡ thực hiện các biện pháp mạnh với mớ rau đâu chừng trên dưới một trăm ngàn đó. Bên xua xua, bên lảng lảng đi “Ừa ừa biết rồi, không bán nữa, không bán nữa, đi về, đi về”.

Nhưng rồi sau đó, dĩ nhiên xe rau vẫn chỉ xê dịch đi một ít để bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu trước 6 giờ. Được chốc lát, xe trật tự đô thị vòng lại, bà bán rau càm ràm “Sao mà cứ dí tui hoài vậy trời?”. Mấy anh thanh niên cũng càm ràm tiếp “Ủa sao hồi nãy hứa về rồi mà chưa chịu về?”.

Tôi đứng nhìn dáng bà vừa đẩy xe rau vừa nửa đi nửa chạy, rồi quay qua bắt gặp ánh mắt của anh thanh niên trật tự đô thị nọ. Bốn mắt nhìn nhau độ gần chục giây không biết nói gì, mà thực sự cũng không có gì để nói, anh rồ ga chạy đi tiếp tục giữ trật tự đô thị, còn tôi quay lưng cuốc bộ đi về cho kịp giờ.

Cứ thấy buồn buồn, thương thương mà không rõ buồn ai, thương ai.

Gần tới nhà, tôi thấy có một chị ngồi bán món gì đặt trong mấy bịch con con trên một thùng xốp. Hóa ra là thịt bò thái sẵn. Tôi mua giúp một ít để chị về sớm, đang lấy tiền trả thì chợt nhận ra sau lớp khẩu trang là khuôn mặt quen quen. Hỏi ra mới hay lúc trước chị bán rau ngoài khu chợ gần nhà, giờ chợ truyền thống này tạm ngừng hoạt động nên chị chuyển sang bán thịt bò một thời gian “rồi từ từ tính tiếp”. Nhớ đến dáng vẻ bận rộn luôn tay luôn chân của chị hồi ở sạp rau ngày trước, so với dáng ngồi xếp gối đan tay vì lâu lâu mới có người mua như bây giờ, mới thấy nó khác xa lắm.

20210727_180054(2).jpg
Sài Gòn 18h chiều trong những ngày cao điểm giản cách vì dịch bệnh. (Ảnh BĐ)

Những người kinh doanh nhỏ lẻ còn bán được thứ nọ thứ kia như thế này, và cả những người vẫn còn có thể làm việc từ xa như tôi, tính ra đã rất may mắn. Lúc đó, không biết bao nhiêu công nhân, sinh viên và người lao động các ngành nghề khác bị mất việc làm, phải lâm vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, vật lộn với bài toán đi - ở giữa muôn trùng bất định.

Không trụ lại nổi với chi phí thuê nhà, ăn uống, họ đành chấp nhận gồng gánh nhau đổ về quê trên những chiếc xe máy chất đầy nồi niêu xoong chảo. Hòa vào dòng người, có cặp vợ chồng còn chở theo 15 con chó và một con mèo từ Long An về Cà Mau. Không may mắn như hai chú vịt trong khu phố tôi, 16 con vật này đã bị “tiêu hủy vì lý do phòng dịch”.

Nhưng cuộc sống vốn dĩ là vậy. Nếu không có những ngày âm u, có lẽ con người sẽ không học được cách nâng niu, quý trọng những ngày nắng đẹp. Hai chú vịt trong xóm tôi đến nay chỉ còn một con (con còn lại bị một con chó nhà bên tấn công và không qua khỏi), trở thành thú cưng bất đắc dĩ của cả gia đình. Họ còn đeo vòng cổ cho nó, thỉnh thoảng cho vào một chiếc túi treo lên xe máy để chở đi chơi. Với tôi, chú vịt này giống như “chứng nhân” của một thời hy vọng đã mãi mãi trôi vào quá vãng.

dsc01464-giam-kich-thuoc(1).jpg

Giờ đây khi một mùa Xuân mới đến, người ta lại nghĩ về cái trứng, mớ rau, miếng thịt, con cá… nhưng không phải để dự trữ cho những ngày mai bất định nữa mà là để chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, đoàn viên, sau một năm quá nhiều nhọc nhằn.

Với những con người ở vùng đất Sài Gòn nói riêng và cả dãy đất hình chữ S nói chung, tôi tin rằng mọi chuyện xảy ra đều để hướng đến mục đích giúp cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, can trường hơn!

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi sự sống được vun đắp từ nghịch cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO